Campuchia huy động bác sĩ quân y chống dịch
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh triển khai 300 bác sĩ quân y cùng tham gia vào cuộc chiến chống dịch hiện nay vì các nhân viên y tế dân sự đã kiệt sức do làm việc quá tải khi số ca lây nhiễm vẫn gia tăng.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, tiếp sau thủ đô Phnom Penh và các tỉnh/thành Prey Veng, Kandal, Sihanoukille, Kampong Thom, Svay Rieng và Kampong Cham, Siem Reap đã trở thành tỉnh tiếp theo bị ảnh hưởng đợt lây nhiễm cộng đồng nghiêm trọng từ hôm 20/2.
Siem Reap đã ghi nhận 1 ca nhiễm mới là nữ bệnh nhân 32 tuổi, làm việc tại khách sạn Jin Yin Thai (Sihanoukville) mới trở về tỉnh này hôm 7/3. Tỉnh trưởng tỉnh Siem Reap, ông Tea Seiha thông báo chính quyền địa đã lập trạm kiểm soát và phong tỏa tuyến đường nối giữa địa phương này và tỉnh Kampong Thom để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 lây lan rộng. Hiện người dân và hàng hóa vẫn được lưu thông qua tuyến đường nói trên nhưng mọi hành khách đều phải kiểm tra sức khỏe sơ bộ, những trường hợp nghi vấn có thể được yêu cầu cách ly.
Trong khi đó, chính quyền tỉnh Kandal cho biết khoảng 7.184 người tại địa phương này có liên quan tới “Sự cố lây nhiễm ngày 20/2” và cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm của 6.513 trường hợp trong số này. Hiện 1.217 người đã được cách ly tập trung tại tỉnh Kandal trong khi 5.822 trường hợp được cách ly tại nhà.
Nhiều vấn đề phức tạp đã nảy sinh trong việc quản lý người nước ngoài cách ly tại thành phố Sihanoukville. Ngày 10/3, cảnh sát Campuchia đã phát hiện 4 đối tượng vận chuyển ma túy vào một trại cách ly trong thành phố này. Số ma túy này được giấu kín trong những hộp thức ăn. Cả 4 đối tượng đều là người nước ngoài.
Đáng chú ý, tại thủ đô Phnom Penh, dịch bệnh đã lây lan đến giới nghệ sĩ sau khi Keo Chan Nimol, người dẫn chương trình giải trí tên tuổi tại Campuchia, đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Một nhóm sản xuất chương trình của Đài truyền hình Hang Meas được xác định cũng nhiễm virus cùng 3 nữ nghệ sĩ khác. Hiện có thêm 2 khách sạn ở thủ đô Phnom Penh được sử dụng làm trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19, ngoài khách sạn Great Duke, nơi đang điều trị khoảng 170 người.
Sáng 11/3, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 39 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.163 ca, trong đó 597 ca đã bình phục và không có trường hợp tử vong. Hiện Campuchia đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Theo thông báo của bộ trên, tính đến ngày 9/3 vừa qua, Campuchia đã tiêm chủng cho hơn 188.000 người bằng cả 2 loại vaccine Sinopharm (Trung Quốc viện trợ) và AstraZeneca (được cung cấp theo cơ chế COVAX).
* Tại Hong Kong (Trung Quốc), tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 đã giảm do người dân lo ngại tác dụng phụ sau khi có thông tin về việc sau khi tiêm chủng, nhiều người phải nhập viện do các tác dụng phụ.
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, từ ngày 26/2, chính quyền Hong Kong bắt đầu tiêm chủng vaccine Sinovac miễn phí cho người dân. Theo đó, 5 nhóm đối tượng sẽ được ưu tiên, trong đó có những người từ 60 tuổi trở lên. Từ đầu tháng 3 này, Hong Kong mở rộng tiêm chủng vaccine Pfizer/BioNTech.
Theo thống kê, hiện nay đã có khoảng 103.800 người Hong Kong tiêm liều thứ nhất, trong đó có khoảng 101.700 liều vaccine Sinovac và 2.100 liều vaccine BioNTech. Tính đến cuối ngày 6/3, Hong Kong ghi nhận tổng cộng 45 trường hợp có phản ứng bất thường phải nhập viện theo dõi sau khi tiêm vaccine, các triệu chứng chủ yếu là đau đầu, mệt mỏi…
Trước đó, chính quyền Hong Kong tuyên bố sẽ mở rộng tiêm chủng lên 7 nhóm ưu tiên, trong đó có nhân viên hoạt động trong ngành ăn uống, du lịch, giao thông công cộng, quản lý tài sản, công trường xây dựng, trường học…, liên quan đến khoảng 1,3 triệu người Hong Kong.