Campuchia tạc tượng 2 VĐV về cuối và giành HCV SEA Games 32 tại tượng đài Thắng - Thắng

Một niềm kiêu hãnh vô bờ bến cho Bou Samnang và nhà vô địch Việt Võ đạo SEA Games 32 Pal Chhor Raksmey của Campuchia.

Chính phủ Campuchia sẽ tạc tượng nữ VĐV điền kinh Bou Samnang về cuối cự ly 5.000m nữ và HCV môn Vovinam Pal Chhor Raksmey tại SEA Games 32 mà Campuchia là chủ nhà, đó là VĐV Bou Samnang. Bức tượng của hai cô được vinh dự đứng ngay ở cụm “tượng đài Thắng - Thắng” nằm ngay trung tâm thủ đô Phnom Penh.

Đấy là tượng đài lịch sử ghi nhớ công lao, máu xương quân tình nguyện Việt Nam và Quân đội Campuchia đánh tan chế độ diệt chủng Pol Pot. Tượng đài Thắng - Thắng được xem là biểu tượng của thủ đô Phnom Penh.

Bou Samnang (giữa) chuẩn bị được các nghệ nhân tạc tượng lấy tỉ lệ cơ thể để tạo tác phẩm. Ảnh: K.T

Bou Samnang (giữa) chuẩn bị được các nghệ nhân tạc tượng lấy tỉ lệ cơ thể để tạo tác phẩm. Ảnh: K.T

Nội dung 5000m nữ là cự ly mà nhà vô địch của Việt Nam Nguyễn Thị Oanh lên bục cao nhất ở cuộc chinh phục tấm HCV thứ ba SEA Games 32 hồi tháng 5 qua tại Phnom Penh.

Ngoài Bou Samnang thì chính phủ Campuchia tạc tượng VĐV khác cũng là nữ, đó là Pal Chhor Raksmey, nhà vô địch Vovinam tại SEA Games 32. Tại SEA Games 32, Raksmey mang về cho thể thao Campuchia sáu tấm huy chương, trong đó có 4HCV, 1HCB và 1HCĐ.

Dự kiến chiều cao bức tượng là năm mét. Bou Samnang dù về chót cự ly 5.000m nữ tại SEA Games 32 nhưng cô nguồn cảm hứng về một VĐV không bỏ cuộc, không gục ngã, lòng kiên cường của một cô bé nhỏ thó nhưng trái tim lớn. Hình ảnh của Bou Samnang như một hình tượng đất nước Campuchia, đó là một dân tộc kiên trung, không bao giờ gục ngã, không bao giờ bỏ cuộc và không đầu hàng.

Pal Chhor Raksmey mang về sáu huy chương, trong đó chủ yếu ở nội dung đối kháng và quyền, biểu diễn của Việt Võ đạo tại SEA Games 32. Ảnh: CTP

Pal Chhor Raksmey mang về sáu huy chương, trong đó chủ yếu ở nội dung đối kháng và quyền, biểu diễn của Việt Võ đạo tại SEA Games 32. Ảnh: CTP

Hình ảnh Bou Samnang hoàn thành cự ly 5.000m dưới cơn mưa cực lớn dai dẳng cho đến bước cuối cùng ở vạch đích đã gây xúc động lớn. Khi hoàn thành cự ly, cô bé đã bật khóc.

Hình ảnh Bou Samnang được báo chí quốc tế và cả các đài truyền hình lớn của châu Âu và Mỹ đưa tin và ngưỡng mộ tinh thần của cô bé.

Ở vòng chung kết cự ly 5.000m nữ, nữ hoàng Nguyễn Thị Oanh về đích sớm nhất và mang về tấm HCV thứ ba cho Oanh ở SEA Games 32. Lúc đó, trời nắng nóng ở tổ hợp thể thao Morodok, nhưng bất chợt sau đó trời đổ mưa như trút.

Tính ra khi Nguyễn Thị Oanh của Việt Nam hoàn thành cự ly với vị trí thứ nhất thì cũng là lúc trời từ nắng nóng bỗng đổ mưa như trút và Bou Samnang phải còn bốn vòng quanh sân vận động chính của sân Morodok thì mới hoàn thành cự ly, trong khi đó các đối thủ của Bou Samnang đã hoàn tất từ lâu. Bou Samnang vẫn nỗ lực hoàn thành cự ly thi của mình rất cảm động dưới cơn mưa khủng khiếp. Cô bé Bou Samnang trở thành biểu tượng của lòng quả cảm ở kỳ đại hội vào tháng năm thời tiết cực kỳ thách thức. Sau SEA Games 32, Bou Samnang cũng từng được mời sang Việt Nam giao lưu.

Một hình ảnh Bou Samnang kiên cường từng gây sốt trong thế giới thể thao. Ảnh: CTP

Một hình ảnh Bou Samnang kiên cường từng gây sốt trong thế giới thể thao. Ảnh: CTP

Tượng đài Thắng - Thắng có một ý nghĩa to lớn trong tình đoàn kết giữa hai dân tộc Campuchia - Việt Nam và hai quốc gia láng giềng của nhau.

THANH HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/campuchia-tac-tuong-2-vdv-ve-cuoi-va-gianh-hcv-sea-games-32-tai-tuong-dai-thang-thang-post750541.html