Campuchia thông qua Hiệp định ATISA, hướng đến thúc đẩy thương mại - đầu tư nội khối ASEAN
Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) sẽ giảm bớt các rào cản đối với thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN.
Ngày 30/5, Quốc hội Campuchia đã thông qua Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ giữa các quốc gia thành viên khối ASEAN. Khoảng 98 nghị sỹ có mặt tại cuộc họp đã nhất trí thông qua hiệp định trên.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak nhấn mạnh Hiệp định ATISA nhằm tăng cường liên kết kinh tế và mang lại cơ hội lớn hơn cho sự phát triển kinh tế trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Hiệp định sẽ giảm bớt các rào cản đối với thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh đảm bảo.
Bên cạnh đó, Hiệp định ATISA cũng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN để đạt được sự phát triển kinh tế xã hội cân bằng và bền vững hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Công trình công cộng, Giao thông, Viễn thông, Bưu điện, Công nghiệp, Mỏ, Năng lượng, Thương mại, Quản lý đất đai, Quy hoạch đô thị và Xây dựng Campuchia bà Nin Saphon cho biết Hiệp định ATISA sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia tích cực hơn vào các hoạt động thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy phát triển các quy định và nguồn nhân lực.
Hiệp định cũng giúp lĩnh vực dịch vụ hội nhập sâu hơn và tạo ra môi trường tự do, ổn định và bảo đảm cho các nhà cung cấp dịch vụ trong khu vực ASEAN.
Hiệp định ATISA hoàn tất đàm phán và văn kiện hiệp định được ký kết ngày vào tháng 4/2019 bởi các Bộ trưởng Kinh tế của 7 nước thành viên ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM Retreat) lần thứ 25. Sau đó, Hiệp định này đã lần lượt được ký kết bởi Myanmar (3/8/2019) và Việt Nam (9/2019). Philippines là thành viên ASEAN cuối cùng ký hiệp định ATISA vào tháng 10/2020.
Hiệp định ATISA được xem là bước đi mới trong tiến trình hội nhập về dịch vụ của ASEAN. Khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ thay thế Hiệp định Khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) năm 1995, với nhiều nội dung mới theo hướng mở cửa, tự do hóa hơn về dịch vụ.
Về quy tắc, Hiệp định ATISA thiết lập các khuôn khổ thực thi những cam kết tự do hóa từ Hiệp định AFAS, giảm bớt các rào cản quy định phân biệt đối xử với những nhà cung cấp dịch vụ, đồng thời đưa ra nền tảng pháp luật vững chắc và cơ chế minh bạch hơn cho thị trường dịch vụ trong khu vực.
Về mở cửa các thị trường dịch vụ, Hiệp định ATISA áp dụng phương pháp tiếp cận mới – mở cửa theo kiểu “chọn – bỏ” (negative list approach) và nguyên tắc chỉ tiến không lùi (ratchet), so với cách tiếp cận "chọn-cho" (positive list approach) trong Hiệp định WTO và Hiệp định AFAS. Cụ thể, trong Hiệp định này, các bên cam kết mở cửa tất cả các ngành dịch vụ ngoại trừ các ngành/phân ngành được liệt kê trong Danh sách các biện pháp không tương thích, danh sách thiết lập riêng theo theo cam kết của từng nước thành viên ASEAN.
Cách tiếp cận mới trong Hiệp định ATISA nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế, bao gồm mở cửa và tự do hóa, minh bạch hóa về khung khổ pháp lý và quy định hiện hành trong các nước thành viên ASEAN, qua đó giúp củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN khi gia nhập thị trường.