Cần 3 lớp phòng vệ cho chứng khoán Việt
Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam là khá ấn tượng và tương đối toàn diện.
“Sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong hai thập niên qua là một biểu tượng sinh động về sức sống động và khả năng hội nhập của nền kinh tế Việt Nam”. GS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore, nhận định như trên trong cuộc trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM.
Tiềm năng tốt để xây dựng thị trường có đẳng cấp cao
. Phóng viên: Thưa giáo sư, dựa vào đâu ông cho rằng TTCK Việt Nam phát triển nhanh và sôi động?
+ GS Vũ Minh Khương (ảnh): Tính đến nay, tỉ trọng vốn hóa của TTCK Việt Nam đã lên tới xấp xỉ 70% GDP, cao hơn so với nhiều nước. Chẳng hạn, tỉ trọng này ở Indonesia (46,9%), Nga (46,8%), Mexico (37,1%). Cùng với sự phát triển nhanh chóng của TTCK là sự tham gia của gần 800 công ty niêm yết và hàng triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tôi đánh giá đó là những tiềm năng rất tốt để Việt Nam có thể xây dựng một TTCK mạnh, có đẳng cấp cao. Trên thực tế, chất lượng quản trị của các công ty niêm yết của Việt Nam đã tăng nhiều, nhất là trong ba năm vừa qua. Trong đó có một số công ty như Vinamilk đã đạt chuẩn mực quản trị khá cao so với khu vực và quốc tế.
Sự phát triển nhanh chóng của TTCK Việt Nam trong hai thập niên qua là một biểu tượng sinh động về khả năng hội nhập của nền kinh tế Việt Nam.
. Ông đang nói về những điểm tích cực. Nhưng gần đây, nhiều ý kiến từ cơ quan hữu quan và các vị hữu trách nhận xét rằng TTCK vẫn tồn tại nhiều vấn đề, rủi ro tiềm ẩn.
+ Đó là một mặt khác của vấn đề. TTCK Việt Nam phát triển nhanh nhưng chưa vững chắc. Số lượng công ty niêm yết quá lớn (gần 800) so với nhiều nước, kể cả nhiều nước G7 như Pháp (457 doanh nghiệp), Đức (438 doanh nghiệp) và Ý (218 doanh nghiệp).
Điều đó cho thấy TTCK Việt Nam phát triển nóng và thiên nhiều về lượng hơn là chất. Sự thiên lệch về lượng này cũng làm thiệt hại các công ty có đẳng cấp quản trị tốt, vì các nhà đầu tư hàng đầu ngại tham dự vào thị trường chưa có đẳng cấp và độ tín nhiệm cao.
Việt Nam vẫn có sức hút mạnh
. Một điểm khá thú vị là dù dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế nhưng TTCK Việt Nam lại có sự tăng trưởng rất mạnh trong giai đoạn này. Ông nghĩ thế nào về tính hấp dẫn và vai trò tạo dòng chảy vốn trong nền kinh tế của chứng khoán trong bối cảnh đó?
+ So với hầu hết các TTCK ở nhiều nước, chỉ số chứng khoán Việt Nam có mức tăng khá cao trong thời gian khoảng một năm, năm năm và 10 năm qua. Ví dụ, chỉ số VN-Index hiện ở mức khoảng 1.379 điểm, cao hơn nhiều so với 1.217 điểm trong tháng 4-2021; 712 điểm hồi tháng 4-2017 và 468 điểm tháng 4-2012.
. Thanh khoản chứng khoán tăng mạnh nhưng chủ yếu là đóng góp của dòng tiền cá nhân trong nước, ngược lại, khối ngoại có khi lại bán ròng trong thời gian dài. Ông đánh giá thế nào về diễn biến của dòng vốn ngoại trong tương quan với các thị trường thế giới?
+ Đây là xu thế chung được thấy ở nhiều nước. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, chứng khoán tăng trưởng khá tốt nhưng dòng tiền ngoại rút ra khá lớn trong một năm qua. Khi tình hình có tính bất ổn cao và khả năng lạm phát lớn thì dòng tiền có xu hướng rời khỏi các thị trường mới nổi.
Trong hội nhập quốc tế, ta không nên quá lo về sự biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài. Với đầu tư nước ngoài, dòng vốn đầu tư trực tiếp mới là chỉ số quan trọng và hiện nay Việt Nam vẫn có một sức hút mạnh, dù chưa ở mức xứng với tiềm năng.
. Nhưng TTCK Việt Nam chịu áp lực bán rất lớn và điều chỉnh giảm khá mạnh từ đầu tháng 4 đến nay?
+ TTCK ở hầu hết các nước đều chịu suy giảm mạnh trong mấy tháng gần đây. Sự bất ổn kép do đại dịch COVID-19 và chiến sự Nga - Ukraine cùng với sự đứt gãy của chuỗi giá trị cũng như thiếu hụt dầu mỏ, phân bón gây tổn hại lớn về kinh tế lẫn kỳ vọng của nhà đầu tư.
Điều này cũng dẫn đến mức suy giảm mạnh của TTCK nhiều nước trong mấy tháng qua, đặc biệt ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Dự báo diễn biến còn có thể xấu hơn trong thời gian tới nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục khốc liệt, dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn.
VN-Index mất 68 điểm
Ngày 25-4, TTCK rớt điểm mạnh. Kết phiên giao dịch, chỉ số VN-Index mất 68 điểm, còn 1.310,92 điểm. Tuy nhiên, thị trường còn nhiều điểm tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng lên đến 2.100 tỉ đồng. Giá trị thanh khoản thị trường đạt gần 1 tỉ USD.
Nhiều chuyên gia nhận định trong trung và dài hạn, nền tảng kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp Việt Nam đang hồi phục nhanh hậu dịch bệnh. Đây là nền tảng hỗ trợ TTCK phát triển lạc quan trong thời gian tới.
Ba lớp phòng vệ
. Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan chức năng đang rất quyết liệt trong việc xử lý sai phạm liên quan đến TTCK như thao túng, che giấu thông tin, công bố thông tin sai sự thật… nhằm làm lành mạnh thị trường này. Theo ông, những động thái này tác động tới thị trường như thế nào?
+ Tôi thấy đây là điều đặc biệt đáng mừng. Biến khó khăn, khủng hoảng thành cơ hội cải cách và nâng cấp nền tảng thể chế là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển. Tôi dự cảm là thị trường sẽ phân hóa mạnh. Khoảng 30% doanh nghiệp sẽ vươn lên mạnh và 30% có thể bị đào thải.
. Có một thực tế trên TTCK và được dư luận rất quan tâm đó là khâu quản lý, giám sát và xử lý vi phạm từ cơ quan quản lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy có vẻ như cơ quan quản lý Việt Nam chưa được trao đủ quyền năng và thiếu cả công cụ quản lý, con người quản lý, tính độc lập lẫn sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị?
+ Tôi cho rằng trong cải cách thể chế, đặc biệt với TTCK, Chính phủ nên xem xét mô hình ba lớp phòng vệ.
Lớp 1 là “Yêu nhau rào dậu cho kỹ”. Nghĩa là cần có quy định hết sức chặt chẽ để 99% doanh nghiệp không bao giờ vi phạm. Ở lớp phòng vệ này, các quy định, quy chế được soạn thảo hết sức chặt chẽ. Các thành viên HĐQT và bộ máy quản lý của các công ty niêm yết đều được kiểm tra, huấn luyện chu đáo. Đồng thời họ phải làm khai báo định kỳ qua mạng, khẳng định sự tuân thủ tuyệt đối của họ trong thời gian qua (có thể là hằng năm hoặc hằng quý) và họ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có vi phạm.
Lớp 2 là hệ thống cảnh báo và xử lý kịp thời. Nếu thấy dấu hiệu vi phạm, dù nhỏ, đều xử lý kiên quyết và triệt để ngay. Ở lớp này có bộ phận trực chiến (như đội cứu hộ ở bãi biển). Đội này nắm bắt mọi thông tin, dấu hiệu về nguy cơ vi phạm để bàn bạc và có ứng đáp kịp thời. Nếu ai vi phạm thì phát hiện ngay và xử lý rốt ráo khi sự việc chưa quá nặng. Những người vi phạm cần được chỉ dẫn và giám sát chu đáo để về sau không bao giờ dám lặp lại.
Lớp 3 là rà soát hằng năm, với sự tham gia của chuyên gia và nhiều ngành liên quan. Qua đó để cùng nghe thấu đáo ý kiến góp ý của các doanh nghiệp và xem kỹ các khả năng rủi ro mới để không ngừng hoàn thiện hệ thống phòng vệ. Báo cáo này được công bố để toàn xã hội được biết. Trên cơ sở đó, không ngừng tăng cường hiệu lực của lớp 1 và lớp 2.
Với ba lớp phòng vệ chặt chẽ nêu trên, TTCK Việt Nam sẽ là một điểm sáng toàn cầu, có tính đại diện cho công cuộc phát triển của đất nước. Khi đó, một công ty sẽ rất tự hào nếu họ được niêm yết trên TTCK Việt Nam.
. Xin cám ơn ông.•
Tin tưởng chứng khoán sẽ khởi sắc
. Ông kỳ vọng thế nào về sự phát triển của TTCK Việt Nam với vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu, quan trọng, hiệu quả cho nền kinh tế?
+ Việt Nam đang có những bước mạnh trên các động lực cốt lõi của phát triển. Đó là tầm nhìn về tương lai; tính quyết liệt trong hành động, nhìn thẳng vào thực tế; khả năng nắm bắt cơ hội toàn cầu và quyết tâm cải cách thể chế.
Vì vậy, tôi tin là nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng sẽ có những khởi sắc mới trong thời gian tới. Nếu làm tốt, TTCK sẽ là điểm tựa quan trọng cho chiến lược phát triển của Việt Nam.
Tôi cũng rất mong được chứng kiến những bước đi lớn, có sức xoay chuyển cục diện nền kinh tế tương tự như trận Điện Biên Phủ trong thời gian tới.
Nguồn PLO: https://plo.vn/can-3-lop-phong-ve-cho-chung-khoan-viet-post677402.html