Cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất với những kẻ sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm giả để răn đe

Việc hàng loạt đường dây sản xuất, buôn bán sữa, thuốc tân dược giả bị triệt phá trong thời gian gần đây khiến dư luận phẫn nộ. Nhiều người cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những kẻ 'táng tận lương tâm' này.

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn, bắt giữ 14 đối tượng về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh.

Qua khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, nơi làm việc, nơi cất giấu hàng hóa của các đối tượng trên địa bàn Hà Nội, TP. HCM và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp, lực lượng Công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả với số lượng lớn.

Ngoài số thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả, lực lượng Công an còn thu giữ nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả là gần 10 tấn.

Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả bị bắt giữ

Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả bị bắt giữ

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn, khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng chủ mưu cầm đầu là Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà cùng 6 bị can khác về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Đường dây này đã sản xuất gần 600 nhãn hiệu sữa bột các loại, gồm các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non…

Là người đã từng mua, sử dụng một trong những sản phẩm sữa, thuốc xương khớp bị làm giả, ông Nguyễn Văn Dũng ở quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, ông đã bị tiểu đường, xương khớp lâu năm, do thể trạng yếu, ăn uống kém nên ông thường xuyên dùng thuốc điều trị xương khớp và uống thêm sữa để tăng cường sức khỏe.

Các hộp sữa bột giả bị lực lượng công an phát hiện

Các hộp sữa bột giả bị lực lượng công an phát hiện

“Xem quảng cáo từ những người nổi tiếng trên mạng, tôi đã mua sữa của Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood Group để uống hàng ngày. Song từ khi biết loại sữa bột mà tôi vẫn uống có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, biết loại thuốc xương khớp đang dùng là hàng giả, tôi thực sự thất vọng và lo lắng. Thất vọng vì đã trót tin tưởng vào những lời giới thiệu có cánh, còn lo lắng vì không biết sức khỏe có bị ảnh hưởng xấu hay không. Tôi rất mong cơ quan chức năng có hình thức xử lý thích đáng đối với những kẻ sản xuất thuốc chữa bệnh, thực phẩm giả chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp tính mạng, sức khỏe người khác” - ông Dũng bức xúc nói.

Về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, Điều 194 BLHS 2015 sửa đổi nêu rõ, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng… thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Còn với với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, các đối tượng có thể đối diện với mức án cao nhất là tù chung thân.

“Việc dùng phải thuốc giả rất nguy hiểm, vì người bệnh không chữa được bệnh và không biết chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả, có thể làm gia tăng độc tính cho cơ thể. Còn với thực phẩm giả, người dùng có thể bị ngộ độc thực phẩm, dị ứng, hoặc các bệnh mãn tính khác do tiếp xúc với các chất độc hại trong thực phẩm giả. Do vậy, với những kẻ sản xuất, buôn bán hàng giả thuốc chữa bệnh, thực phẩm, cơ quan tiến hành tố tụng cần áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc để răn đe” - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.

Huệ Linh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-ap-dung-hinh-phat-nghiem-khac-nhat-voi-nhung-ke-san-xuat-buon-ban-thuoc-thuc-pham-gia-de-ran-de-post609195.antd