Cân bằng ngân sách, tăng lương: Bài toán nan giải của Malaysia

Chính phủ Malaysia đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình triển khai kế hoạch tăng lương cho 1,6 triệu công chức Malaysia.

Kiểm tiền ringgit của Malaysia tại một quầy giao dịch tiền tệ ở Kuala Lumpur. Ảnh: AFP/ TTXVN

Kiểm tiền ringgit của Malaysia tại một quầy giao dịch tiền tệ ở Kuala Lumpur. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo Tiến sỹ Goh Lim Thye, giảng viên Khoa Kinh tế, Đại học Malaya (Malaysia) cho biết, mặc dù việc tăng lương là điều cần thiết để giải quyết tình trạng lương ở khu vực công thấp hơn so với khu vực tư nhân, song chính sách này chắc chắn sẽ gây thêm áp lực lên ngân sách quốc gia và mục tiêu giảm thâm hụt tài chính của chính phủ.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Goh cũng nhận định, điều quan trọng là không phải tất cả 1,6 triệu công chức đều tự động được hưởng lợi từ việc tăng lương. Nguồn tài chính sẽ được phân phối một cách có chọn lọc, đảm bảo chỉ những công chức có hiệu suất làm việc cao mới được hưởng lợi. Ngoài ra, chính phủ cũng đã triển khai một số biện pháp như mở rộng cơ sở tính thuế, giảm trợ cấp, cắt giảm chi tiêu không cần thiết để có thêm nguồn tài chính, hướng tới mục tiêu đạt mức thâm hụt ngân sách 4,3% vào năm 2024 và 3% vào năm 2025.

Thông qua việc tăng lương dựa trên hiệu suất làm việc, thực hiện cải cách tài chính trên nhiều lĩnh vực, Chính phủ Malaysia đang hướng đến mục tiêu giảm thâm hụt tài chính, trong khi đó vẫn phân bổ thêm ngân sách cho lực lượng lao động ở khu vực công. Cách tiếp cận này nhằm vừa đảm bảo quản lý tốt nguồn tài chính, vừa thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, mức lương cao hơn có thể chuyển thành sức mua, từ đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở phân khúc bán lẻ. Cụ thể, Tiến sỹ Goh chia sẻ: “Mối quan hệ giữa mức thu nhập và tiêu dùng ở Malaysia rất chặt chẽ. Khi mức thu nhập tăng thường dẫn đến chi tiêu tiêu dùng cao hơn, qua đó mang lại lợi ích cho ngành bán lẻ”.

Trích báo cáo của Cục Thống kê Malaysia, Tiến sỹ Goh chia sẻ thêm, từ năm 2019-2022, thu nhập hộ gia đình ở Malaysia trung bình hàng năm tăng 2,4%, trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng của hộ gia đình tăng 3,7% hàng năm trong cùng kỳ. Tuy nhiên, phần lớn mức thu nhập tăng thêm đều hướng tới tiêu dùng, do đó chính phủ cần khuyến khích công chức phân bổ nguồn thu nhập nhiều hơn vào mục đích tiết kiệm dài hạn.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Muhammad Ridhuan Bos Abdullah, giảng viên Khoa Kinh tế, Tài chính và Ngân hàng, Đại học Utara, Malaysia cho biết, một trong những chỉ số quan trọng đối với các nhà đầu tư là sự tăng trưởng của khu vực bán buôn và bán lẻ. Bên cạnh đó, ông Muhammad cũng nhấn mạnh, chính sách kinh tế MADANI của chính phủ nhằm mục tiêu nâng cao uy tín của đất nước và thu hút các nhà đầu tư.

Thành Trung (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/can-bang-ngan-sach-tang-luong-bai-toan-nan-giai-cua-malaysia/345005.html