Cần bảo đảm chất lượng, tính khả thi

Chiều 8.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Hội nghị. Ảnh Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Hội nghị. Ảnh Hồ Long

Giao Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề

Trình bày Báo cáo một số nội dung lớn về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được bố cục lại để rõ ràng, hợp lý hơn, điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung một số tên chương, tách thêm mục. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương, 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo đã trình Quốc hội, bỏ 1 điều, bổ sung 14 điều.

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung 1 chương về tài chính trong khám bệnh, chữa bệnh và 1 chương về Hội nghề nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, cụ thể hóa, bổ sung các quy định này một cách phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo một số nội dung lớn về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo một số nội dung lớn về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh Hồ Long

Về Giấy phép hành nghề, điều kiện đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trong cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, việc quy định đánh giá năng lực hành nghề để cấp giấy phép hành nghề là cần thiết nhằm chuẩn hóa chất lượng hành nghề khám chữa bệnh, cũng như chuẩn hóa các nội dung, chương trình đào tạo và yêu cầu đầu ra đối với đào tạo nhân lực y tế. Để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật đã quy định lộ trình áp dụng điều kiện về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề với các chức danh khác nhau tại Điều 116. Cũng về vấn đề này, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng chỉ giao Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, còn thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi Giấy phép hành nghề sẽ giao các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Chủ tịch UBND cấp tỉnh) thực hiện theo thẩm quyền quán lý.

Về Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định tại Điều 50 mỗi cơ sở có một giấy phép hoạt động và không có thời hạn; quy định bắt buộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu do Bộ Y tế ban hành, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao (Điều 46, Điều 54) và quy định tổ chức đánh giá, chứng nhận chất lượng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 55).

Phát biểu gợi mở thảo luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) đang được cử tri, nhân dân, ngành Y tế mong đợi và dư luận xã hội rất quan tâm. Ngay sau Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, cơ quan chủ trì thẩm tra (Thường trực Ủy ban Xã hội) đã tích cực phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ Y tế và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức xin ý kiến nhiều lần thông qua các hội thảo, hội nghị, tọa đàm.

Trực tiếp dự Tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ủy ban Xã hội tổ chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu làm rõ nhiều nội dung trọng tâm, cụ thể đối với dự thảo Luật. Đó là phải bám sát mục tiêu, chủ trương, nguyên tắc, yêu cầu đề ra từ ban đầu khi tiến hành sửa đổi Luật; Luật khi ban hành phải khả thi, giải quyết được những vấn từ thực tiễn; đảm bảo sự tương thích, thống nhất giữa các chương, điều của Luật, giữa các Luật khác và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Đồng thời, có giải pháp, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế thực tiễn phát sinh, đặt biệt là những bất cập thể hiện trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.

Về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, dự thảo Luật quy định về việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa được thực hiện trong trường hợp giữa người hành nghề với người bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa, vẫn còn có ba loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất nhất trí chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc như dự thảo và giao Bộ Y tế quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Nhất trí với ý kiến này, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, khám bệnh, chữa bệnh từ xa là hoạt động mới, trước mắt, chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc để bảo đảm tính ổn định của pháp luật.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, khám bệnh, chữa bệnh từ xa là phương thức khám bệnh, chữa bệnh mới, là vấn đề lớn vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, nên cần quy định cụ thể bằng một mục hoặc một chương trong Luật về điều kiện đảm bảo về nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện, giá dịch vụ, cơ chế thanh toán chi phí, giá khám bệnh, chữa bệnh từ xa...

Loại ý kiến thứ ba đồng ý việc quy định khám bệnh, chữa bệnh từ xa nhưng đề nghị chỉ nên khu trú vào hoạt động tư vấn, hỗ trợ, theo dõi chăm sóc sức khỏe từ xa như một số nước có nền y tế phát triển.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Về xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và có các chính sách thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần cụ thể hơn về phương thức và nguyên tắc thực hiện huy động nguồn lực xã hội; liệt kê, phân loại đầy đủ các hoạt động và điều kiện xã hội hóa như hoạt động nào ngân sách nhà nước chưa bố trí được, cần huy động nguồn lực xã hội để thực hiện xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xã hội hóa.

Về giá khám bệnh, chữa bệnh, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn. Tuy nhiên, hiện còn có các ý kiến khác nhau về các yếu tố cấu thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở tư nhân cung cấp.

Thông qua theo quy trình 2 hay 3 kỳ họp?

Theo Báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội, một số ý kiến cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật xương sống của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, nên dự án Luật cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp thực tiễn và khả thi. Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại, một số nội dung lớn của dự thảo Luật còn chưa nhận được sự đồng thuận giữa các cơ quan, một số chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động, một số nội dung của dự thảo cần có sự kết nối, liên thông, đồng bộ với các Luật khác. Với những lý do nêu trên, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cân nhắc việc xem xét, thông qua dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) theo quy trình 3 kỳ họp.

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (Gia Lai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (Gia Lai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến vấn đề này, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật "xương sống" của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách mới được đề xuất bổ sung vào dự thảo Luật chưa có đánh giá tác động. Số điều khoản giao cho Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết còn tương đối nhiều và đều là những nội dung khó, quan trọng. Do vậy, các ĐBQH Lê Hoàng Anh, Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình)... nhất trí cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc việc xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 3 kỳ họp. Trong thời gian tới, cơ quan chủ trì thẩm tra và Ban soạn thảo tập trung phối hợp lấy ý kiến đánh giá tác động về những chính sách lớn, ảnh hưởng chính đến người bệnh.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, cử tri và người dân đều quan tâm và mong muốn Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành vào ngày 1.1.2024. Trong khi đó, số điều khoản giao Chính phủ, Bộ Y tế quy định chi tiết nhiều, với nhiều nội dung khó, đòi hỏi cần dành thời gian thỏa đáng để các cơ quan thực thi chuẩn bị xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Đưa ra đòi hỏi thực tế này, đại biểu tỉnh Thái Bình cũng lưu ý, những vấn đề được đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật đa số còn nhiều ý kiến khác nhau, khó thống nhất được quan điểm qua thảo luận trong một vài Kỳ họp tới, do vậy, thông qua dự án Luật theo quy trình 2 kỳ họp là hợp lý.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về chính sách ưu đãi với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nhấn mạnh thực tiễn trong thời gian qua có rất nhiều y, bác sĩ đã xin thôi việc hoặc xin chuyển công tác dù đã có thời gian gắn bó lâu dài. Đại biểu cho rằng, hiện nay Nhà nước chưa có chính sách phù hợp cho đối tượng này, song nếu không bảo đảm được cuộc sống, không có chính sách đãi ngộ phù hợp sẽ không giữ chân được lực lượng này, gây lãng phí nguồn lực và lực lượng y tế trong thời gian tới sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị, cần nghiên cứu khẩn trương để xây dựng các chính sách ưu đãi cụ thể để kịp thời động viên, khích lệ đội ngũ này, đặc biệt là các y, bác sĩ nữ, y tế cơ sở tại vùng dân tộc thiểu số, tỉnh miền núi, lực lượng y, bác bác sĩ tuyến đầu để họ yên tâm công tác và cống hiến.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng quan điểm này, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu rõ, y tế là một ngành đặc biệt, đặc thù liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân. Tuy nhiên, lâu nay ngành y tế được đối xử như những quan hệ bình thường của xã hội, từ lao động, việc làm, mua sắm, đấu thầu… Do đó, cần có những chính sách cụ thể đối với ngành y tế, nhất là trong đấu giá, đấu thầu; có những chính sách đặc thù để tháo gỡ những tồn tại từ trước đến nay, vì nhiều vấn đề đang xảy ra hiện nay không nằm ở vấn đề chuyên môn mà nằm tại các điều kiện bảo đảm (giá, tự chủ, thiết bị…).

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu; tiếp thu đầy đủ giải trình thấu đáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9.2022 trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới.

Nêu rõ ngành y tế, cử tri và Nhân dân cả nước đang mong đợi Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ có hiệu lực ngày 1.1.2024 nếu được thông qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội tích cực, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, khả thi.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/can-bao-dam-chat-luong-tinh-kha-thi-i300228/