Cần bảo đảm tính minh bạch, công bằng
Kinh doanh online ngày càng nở rộ đến mức nhiều nghệ sĩ, hotgirl, hot Facebooker, hot TikToker… cũng tham gia livestream bán hàng trên mạng xã hội.
Thu thuế 116.000 tỷ đồng trong năm 2024
Tại buổi họp báo thường kỳ quý IV của Bộ Tài chính, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thông tin về việc quản lý thuế thu nhập cá nhân với người nổi tiếng và những cá nhân đang có thu nhập từ hình thức livestream, bán hàng từ các sàn thương mại điện tử.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định hiện hành, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (không phân biệt người nổi tiếng hay không nổi tiếng) nếu có thu nhập đều phải thực hiện nghĩa vụ tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm với nghĩa vụ nộp thuế về ngân sách Nhà nước.
Cơ quan thuế phải có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ cũng như đưa ra các giải pháp để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có để đảm bảo công bằng cũng như minh bạch.
“Riêng với một số người nổi tiếng, hoặc có ảnh hưởng tham gia livestream, tiếp thị liên kết với bên bán hàng... chúng tôi đã có những giải pháp chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường quản lý”, ông Sơn cho hay.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin, trên cả nước, số cá nhân kinh doanh thương mai điện tử thuộc diện rà soát là trên 76 nghìn người; trong đó các trường hợp đã xử lý vi phạm là trên 30 nghìn cá nhân với tổng số tiền truy thu và xử lý vi phạm là 1.223 tỷ đồng.
Doanh thu thương mại điện tử trên địa bàn thành phố trong năm 2024 là 900 tỷ đồng, và số đã nộp khoảng 13 tỷ đồng. Các danh sách người có doanh số lớn đã được cơ quan thuế Hà Nội đưa vào thực hiện phân loại tiêu chí rủi ro để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.
Hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng, theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế. Thu thuế từ lĩnh vực này liên tục tăng trong 3 năm qua. Cụ thể, số thu năm 2024 khoảng 116.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 83.000 - 97.000 tỷ đồng ghi nhận trong hai năm trước đó.
Cơ quan thuế cũng xây dựng cổng thông tin điện tử để cá nhân kê khai nộp thuế. Họ cũng kết nối chia sẻ dữ liệu từ các bộ ngành, sàn bán hàng online để có đủ cơ sở dữ liệu của người nộp thuế. “Cơ quan thuế có thể trích xuất dữ liệu về người nộp thuế từ các sàn Sendo, Lazada, Shopee, TikTok Shop để rà soát kê khai, đối chiếu và xử lý vi phạm”, ông Sơn nói.
Trên thực tế, livestream bán hàng đang trở thành xu hướng bùng nổ, thu được doanh thu khủng cho người bán và cả người được thuê livestream. Thế nhưng, điều mà lâu nay rất nhiều người quan tâm là thu nhập khủng thì các cá nhân này đóng thuế như thế nào?
Một dịch vụ tư vấn marketing online cho biết, bảng giá thuê KOL thực hiện livestream quảng bá sản phẩm, bán hàng dựa theo các tiêu chí gồm: Số lượng người theo dõi, lĩnh vực chuyên môn, quy mô và chiến dịch của doanh nghiệp. Trong đó, tiêu chí số lượng người theo dõi là quan trọng nhất.
Bảng giá tham khảo cho thấy, một KOL có 10.000 - 50.000 người theo dõi thì phí thuê để thực hiện livestream trên TikTok dao động từ 1 - 3 triệu đồng; nếu KOL có 50.000 - 500.000 người theo dõi thì giá thuê tăng lên từ 3 - 30 triệu đồng/buổi.
Nếu thực hiện trên Facebook thì giá sẽ khác, có thể cao hơn từ 5 - 6 lần… Do vậy, nhiều KOL nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này được ước tính mỗi năm thu nhập có thể lên đến hàng tỷ đồng hay vài chục tỷ đồng cũng có cơ sở.
Tăng cường công tác quản lý
Chia sẻ với báo chí, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, những người có phát sinh thu nhập trên TikTok Shop gồm nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đều phải đăng ký mã số thuế, tài khoản ngân hàng gắn với căn cước công dân và chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.
Song, với số người bán hàng nhiều, lượng giao dịch lớn, việc chấp hành các quy định về thuế sẽ “đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các bên”. Theo luật sư Trần Hậu - Đoàn luật sư TP Đà Nẵng, yêu cầu xuất hóa đơn điện tử sẽ đảm bảo minh bạch trong hoạt động livestream.
“Người bán sẽ không thể khai khống số liệu, hạn chế gian lận thuế”, luật sư Trần Hậu nói và cho biết thêm, đề xuất này giúp người tiêu dùng yên tâm hơn về tính hợp pháp, chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Tuy nhiên, chuyên gia pháp lý cho rằng, cá nhân, tổ chức nhỏ lẻ có thể gặp khó khi áp dụng do thiếu kiến thức, kỹ năng và công nghệ. Ngược lại, việc kiểm soát để tất cả cùng tuân thủ có thể là thách thức lớn với cơ quan chức năng.
Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc một công ty tư vấn thuế nhìn nhận, tình trạng khi bán hàng thu tiền mặt qua chuyển phát của hệ thống bưu điện hoặc shipper khó thu đủ thuế. Bởi, nhiều trường hợp việc khó truy vết thành công do chưa đủ cơ sở để chứng minh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ thành công, phát sinh nghĩa vụ thuế.
Đa phần các giao dịch này là cung cấp cho người tiêu dùng trực tiếp không có nhu cầu lấy hóa đơn. Qua đó, người bán có động cơ và cơ hội để gian lận thuế, nhất là với trường hợp thu tiền mặt qua chuyển phát bưu điện hoặc shipper, vì họ cho rằng cơ quan thuế sẽ khó phát hiện được gian lận.
Từ đó, ông Hoàng cho rằng, ngành thuế cần phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để quản lý, thu nộp thuế. “Tùy từng điều kiện cụ thể, cơ quan thuế có thể làm việc với bên viễn thông, các bưu điện, công ty giao hàng để trao đổi, cung cấp các thông tin về vận đơn”, ông đề xuất.
“Con số doanh thu trên livestream chưa chắc đã là số tiền thu về thực tế do tỷ lệ trả hàng cao. Nhà chức trách cần có chính sách hỗ trợ kỹ thuật để người bán nhỏ lẻ có thể xuất hóa đơn điện tử. Cùng đó, pháp luật về thuế, quản lý thương mại điện tử, livestream bán hàng cũng phải hoàn thiện để áp dụng xuất hóa đơn điện tử hiệu quả, công bằng”, luật sư Trần Hậu nêu quan điểm.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-bao-dam-tinh-minh-bach-cong-bang-post715216.html