CẦN BAO PHỦ VACCINE CHO TRẺ EM ĐỂ ĐẢM BẢO PHÒNG, CHỐNG DỊCH HỌC ĐƯỜNG

Trước tình trạng số ca mắc COVID-19 mới ở trẻ em tăng cao tại nhiều địa phương, đặc biệt khi học sinh mới đi học tập trung trở lại. Cùng với đó là sự lúng túng, thiếu thống nhất trong cách xử lý khi có học sinh nhiễm COVID-19 ở trường học, đại biểu Quốc hội khóa XIV – Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, giải pháp căn cơ nhất để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong nhà trường là bao phủ vaccine cho trẻ em.

Nhiều trường học trên cả nước mở cửa cho học sinh đi học lại (Ảnh minh họa)

Nhiều trường học trên cả nước mở cửa cho học sinh đi học lại (Ảnh minh họa)

Hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới các mặt đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh; gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn.

Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của trẻ em, học sinh, đặc biệt là sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập: trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển kiến thức, thể chất và tinh thần. Đối với đa số học sinh, trường học là nơi thiết yếu để các em có thể giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi, được hỗ trợ, tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc khuyến cáo việc đóng cửa các trường học đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn cho trẻ em. Ngoài sự chậm trễ trong việc học hành, nhiều trẻ em phải chịu sự cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, thậm chí phải tiếp xúc với lạm dụng và bạo lực; một số nơi, việc đóng cửa trường học đã dẫn đến học sinh bỏ học, đi làm và kết hôn sớm.

Trước thực trạng trên, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành và địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt trong triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện mở cửa trường học an toàn, thích ứng với thực tiễn. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19 tăng mạnh, tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến vì phát hiện có ca F0 trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Cùng với đó, một số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến trường. Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời gian, thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò, đặc biệt là đối với cấp mầm non và tiểu học. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Cá biệt, có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp. Điều đó đã cho thấy sự lúng túng, thiếu thống nhất trong cách xử lý khi có học sinh nhiễm COVID-19 ở trường học.

Theo đại biểu Quốc hội khóa XIV Lưu Bình Nhưỡng, bao phủ toàn bộ vaccine cho học sinh là vấn đề mấu chốt, căn cơ nhất để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh cũng như để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp.

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phóng viên: Vừa qua, các trường học trên cả nước đã mở cửa cho học sinh đi học trực tiếp, tuy nhiên vẫn còn sự thiếu lúng túng, thiếu thống nhất trong cách xử lý khi có học sinh nhiễm COVID-19 ở trường học, đại biểu có đánh giá như nào về tình trạng trên, thưa ông?

TS.Lưu Bình Nhưỡng – Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tình trạng xuất hiện sự lúng túng, thiếu thống nhất trong cách xử lý khi có học sinh nhiễm COVID-19 ở trường học xảy ra do công tác chỉ đạo chưa đến nơi đến chốn. Bởi trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt với tốc độ lây lan của biến chủng hiện tại rất nhanh thì cần có sự chỉ đạo thống nhất trên cơ sở thực tế cũng như vấn đề dự báo, xử lý tình huống hiện nay. Đồng thời cần phải xem xét việc mở cửa cho các trường học là cần thiết hay không cần thiết, việc mở cửa cho những trường nào ở cấp độ nào để đảm bảo phòng, chống dịch. Những vấn đề đó cơ quan y tế và cơ quan giáo dục đào tạo phải xem xét cùng phối hợp để đề ra chương trình, kế hoạch nhằm đảm bảo tính thống nhất cả về mặt y tế và giáo dục chứ không thể việc này chỉ một cơ quan quyết định được.

Ngoài ra, vấn đề này còn phải phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương và từng khu vực để tính toán đến việc mở cửa hay không mở cửa để cho có độ chuẩn chỉ và tính hiệu quả của nó, tránh tình trạng khoán trắng cho địa phương, khoán trắng cho trường học dẫn đến tình trạng không có sự thống nhất trên cả nước, chính vì thế dẫn đến sự nao núng, lúng túng của các địa phương và các nhà trường hiện nay.

Phóng viên: Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã xây dựng, bổ sung một số nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp với 4 bước. Quan điểm của ông như nào về hướng dẫn này?

TS.Lưu Bình Nhưỡng – Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tôi cho rằng, trước tình hình các nhà trường xử lý không đồng đều nên Bộ Y tế mới có sự hướng dẫn thống nhất và đó là sự hướng dẫn thống nhất về mặt chuyên môn để xử lý các vấn đề liên quan tới công tác phòng, chống dịch, lây nhiễm, phát hiện và xử lý những trường hợp cụ thể trong nhà trường. Liên quan đến việc mở cửa hay không mở cửa trường học, căn cứ vào chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xem xét, phối hợp với Bộ Y tế để căn cứ vào đó để tạo ra một hướng dẫn thống nhất để cho các cơ sở giáo dục, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp.

Tôi nhấn mạnh rằng, hướng dẫn 4 bước của Bộ Y là hướng dẫn chuyên môn rất cụ thể có tác dụng tốt trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì, hướng dẫn của Bộ Y tế đã hướng dẫn xử lý trong các trường hợp nhà trường có F0 sẽ xử lý như nào, khi phát hiện ra trường hợp đó các cơ sở giáo dục phải làm những động tác gì, từ giáo viên đến học sinh phải làm như nào, đây chỉ là hướng dẫn mang tính chất chuyên môn để xử lý trường hợp cụ thể gặp phải.

Phóng viên: Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, theo ông, đâu là giải pháp căn cơ nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp ?

TS.Lưu Bình Nhưỡng – Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Biện pháp căn cơ nhất để chúng ta đảm bảo cho nhà trường chính là biện pháp làm thế nào để phòng, chống dịch tốt nhất. Theo tôi, biện pháp phòng, chống dịch tốt nhất hiện nay chính là vấn đề vaccine, đây là vấn đề mấu chốt để có thể đảm bảo được các nhà trường có thể mở cửa lại được hay không. Cùng với đó, chúng ta cần có sự thống nhất về mặt quan điểm.

Tôi cho rằng, câu chuyện áp dụng các biện pháp 5k cũng không căn bản bằng việc chúng ta bao phủ toàn bộ vaccine cho học sinh. Trong trường hợp bao phủ đầy đủ vaccine sẽ có khả năng giúp chúng ta phòng, chống dịch, với trường hợp đó chúng ta được phép mở cửa bởi việc tiêm vaccine cho trẻ em của chúng ta hiện nay ở các địa phương chưa đồng đều, đặc biệt không phải lứa tuổi nào cũng tiêm được vaccine. Chính vì thế, nếu chúng ta bao phủ được toàn bộ vaccine thì sẽ đảm bảo được cho việc mở cửa lại trường học và tránh được sự lây nhiễm, hoặc có lây nhiễm thì mức đề kháng của học sinh cũng tốt hơn để có thể đảm bảo an toàn cho sức khỏe của các em học sinh.

Tôi nhấn mạnh rằng, đối với cơ thể của trẻ em, mức độ đề kháng tốt hơn rất nhiều so với người già và người lớn có bệnh nền. Do đó, khi chúng ta bao phủ được vaccine cho học sinh thì sẽ có khả năng chống chịu được với dịch tốt hơn rất nhiều và có thể an tâm mở cửa lại trường học. Giả sử trong trường hợp này, chúng ta vừa phải mở cửa trường học vừa phải theo dõi sử dụng những biện pháp khác để phụ trợ để đảm bảo xử lý được các tình huống mang tính chất cụ thể. Còn lại biện pháp căn cơ nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp vẫn phải là vấn đề vaccine.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=62627