Cần bảo vệ quần thể voọc chà vá chân xám ở Phú Yên
Các đàn voọc chà vá chân xám, ước tính gần 50 con, vừa được một nhóm nghiên cứu phát hiện tại vùng núi phía tây Phú Yên. Quá trình thực tế trong rừng, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện một số tác động đe dọa đến sự an toàn của các đàn voọc chà vá chân xám.
Chi cục Kiểm lâm Phú Yên khẩn trương lập kế hoạch tuyên truyền về công tác bảo vệ an toàn cho các đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm, ngăn chặn tình trạng bẫy và săn bắt voọc cũng như các loài động vật hoang dã trong các khu rừng phòng hộ tại địa phương.
Sáng 18/3, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết:
Trong khuôn khổ chương trình Nghiên cứu và bảo tồn voọc chà vá, do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) - Chương trình Việt Nam phối hợp thực hiện, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm GreenViet cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên và Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân vừa tiến hành điều tra hiện trạng quần thể voọc chà vá ở các khu vực rừng tiềm năng tại xã vùng cao Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, Phú Yên.
Kết quả điều tra của nhóm đã ghi nhận thêm 8 đàn voọc chà vá chân xám với 30 con được quan sát trực tiếp, số lượng ước tính là 48 con. Ngoài ra còn có 14 điểm ghi nhận dấu hiệu của voọc bao gồm dấu phân, mùi nước tiểu và tiếng kêu…
Báo cáo kỹ thuật của nhóm điều tra cũng nêu rõ: "Nỗ lực khảo sát chưa bao phủ hết toàn bộ diện tích khu vực rừng phòng hộ Đồng Xuân, tuy nhiên căn cứ trên kết quả ghi nhận và đặc điểm sinh cảnh rừng, chúng tôi ước tính hiện có khoảng từ 15 đến 20 đàn voọc chà vá chân xám đang sinh sống tại rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân…"
Bên cạnh đó, nhóm cũng ghi nhận sự xuất hiện của 3 con voọc chà vá chân xám tại chùa Quang Sơn ở xã Hòa Kiến (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Đây là điểm phân bố tự nhiên được ghi nhận mới nhất về ranh giới phía nam của loài voọc chà vá chân xám hiện có tại Việt Nam.
Theo ông Lê Văn Bé, nhóm nghiên cứu trong quá trình điều tra hiện trạng khu vực rừng phòng hộ Đồng Xuân cũng đã phát hiện một số tác động đe dọa đến sự an toàn của các đàn voọc chà vá chân xám gồm: bẫy, săn bắn bằng súng, lán trại của lâm tặc và thợ săn, nhiều đường mòn mới và cũ trong rừng phòng hộ… Nhóm cũng phát hiện dấu vết máu, lông và xương voọc chà vá chân xám trong một lán trại…
Ngoài ra, quá trình khảo sát,điều tra, nhóm còn ghi nhận 6 đàn vượn Trung Bộ (Nomascus annamensis) qua tiếng hót. Đây cũng là loài linh trưởng quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và danh mục đỏ IUCN ở mức độ cực kỳ nguy cấp (CR) - loài đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Nhóm cũng phát hiện một số loài vật đáng chú ý như: thằn lằn không chân hiếm gặp (Ophisaurus sokolovi), rắn lục Vogel (Viridovipera vogeli), chim trảu đầu hung (Merops leschenaulti), chim phường chèo đỏ lớn (Pericrocotus flammeus)… cho thấy sự đa dạng sinh học của các cánh rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, Phú Yên.
Cũng theo ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên qua báo cáo kỹ thuật, các kiến nghị, đề xuất của nhóm điều tra, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên sẽ lập kế hoạch tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ an toàn cho các đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm; ngăn chặn tình trạng bẫy và săn bắt voọc cũng như các loài động vật hoang dã trong các khu rừng phòng hộ Đồng Xuân nói riêng, cả tỉnh nói chung.
Về lâu dài, Chi cục sẽ kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép nghiên cứu, điều tra thực địa mở rộng đối với toàn bộ diện tích rừng tiềm năng có loài voọc chà vá chân xám sinh sống để có thông tin bổ sung đầy đủ và chi tiết hơn nữa về quần thể loài tại Đồng Xuân.