Căn bệnh 5 triệu người Việt đang mắc phải, chỉ một nửa được chẩn đoán

Việt Nam có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường nhưng chỉ gần một nửa được chẩn đoán. Bệnh có thể gây ra các biến chứng đến tàn phế, mù lòa nếu người bệnh không tự quản lý và kiểm soát tình trạng.

Cấp cứu vì biến chứng của đái tháo đường

Bác sĩ chuyên khoa 2 Thái Văn Hùng, Phó trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), cho biết ông từng tiếp nhận một bệnh nhân nam hơn 40 tuổi, bị đái tháo đường 3 năm nhưng không điều trị.

Thời điểm nhập viện cấp cứu, người này bị nhiễm trùng bàn chân nặng, đường huyết tăng cao, đe dọa tính mạng. Các bác sĩ phải phẫu thuật cấp cứu, cắt chân bị nhiễm trùng. Sau đó, người đàn ông phải sử dụng chân giả.

Một phụ nữ 65 tuổi cũng từng được cấp cứu ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vào năm 2022 trong tình trạng hôn mê. Khai thác bệnh sử ghi nhận người này bị mắc đái tháo đường type 2 và điều trị trong 2 năm. Trước nhập viện, bệnh nhân thường xuyên bị hồi hộp, khó thở, chân tay run, vã mồ hôi...

Các bác sĩ xác định nguyên nhân hôn mê của người phụ nữ là do hạ đường huyết. Bên cạnh việc điều trị, người bệnh còn được hướng dẫn cách tự theo dõi đường huyết để tránh các biến chứng tương tự.

Người dân đang chờ lấy thuốc ở một bệnh viện tại TP.HCM. Ảnh: Thế Sơn.

Người dân đang chờ lấy thuốc ở một bệnh viện tại TP.HCM. Ảnh: Thế Sơn.

Theo Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, hiện tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành của nước ta vào khoảng 7,3%, tương đương gần 5 triệu người. Tuy nhiên, chỉ khoảng một nửa người mắc bệnh được chẩn đoán và một nửa trong số được chẩn đoán đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Bên cạnh sự chăm sóc y tế, việc tự quản lý bệnh ở người mắc đái tháo đường đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng lâu dài. Đây cũng là nền tảng giúp bệnh nhân đạt mục tiêu đường huyết cụ thể.

3 việc cần tuân thủ để kiểm soát đường huyết

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Thái Văn Hùng, Phó trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, để kiểm soát đường huyết tốt, người bệnh cần làm tốt 3 việc, bao gồm: tuân thủ chế độ ăn cho người đái tháo đường, có chương trình luyện tập thể dục đều đặn và phù hợp, uống thuốc theo toa của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh phải theo dõi đường huyết thường xuyên, tái khám định kỳ và tầm soát các biến chứng.

Ông khẳng định nhiều người bệnh tuân thủ kiểm soát đường huyết tốt đã không gặp bất kỳ biến chứng nào trong 20-30 năm mắc bệnh, cuộc sống giống như người bình thường.

Còn theo bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người bệnh phải thay đổi lối sống và các thói quen không tốt như hút thuốc lá, uống rượu bia, bỏ bữa...

Trong đó, hút thuốc lá và uống rượu bia góp phần làm thúc đẩy tình trạng bệnh lý mạch máu nhỏ, vốn đã trầm trọng ở bệnh nhân đái tháo đường. Người bệnh cần giảm dần và từ bỏ hẳn thói quen này.

Người bệnh nên bỏ hẳn thói quen uống rượu bia. Ảnh: GL.

Người bệnh nên bỏ hẳn thói quen uống rượu bia. Ảnh: GL.

Thói quen bỏ bữa, đặc biệt là bỏ bữa sáng, cần phải điều chỉnh do nguy cơ hạ đường huyết khi sử dụng thuốc đái tháo đường. Người bệnh lớn tuổi có thể chuẩn bị kẹo đường hoặc trái cây khô để dùng khi có biểu hiện hạ đường huyết.

Người thừa cân, béo phì cần giảm 3-7% so với cân nặng ban đầu và duy trì ở ngưỡng này sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Ở ngưỡng giảm cân từ 10% trở lên, các lợi ích sẽ rõ ràng hơn với người bệnh. Tuy nhiên, cần chú ý tốc độ giảm cân không quá 0,5-1kg/tuần.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phố biển trên toàn cầu, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và đoạn chi.

Đái tháo đường tiến triển âm thầm, nhiều trường hợp có biến chứng mới phát hiện mắc bệnh. Bệnh xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó tạo ra.

Bệnh đái tháo đường có 3 loại: type 1, type 2 và thai kỳ. Trong đó, đái tháo đường type 2 phổ biến hơn ở người lớn và chiếm khoảng 90% tổng số trường hợp đái tháo đường.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành phải sống chung với căn bệnh trên. Dự báo con số sẽ tăng lên 783 triệu người vào năm 2045.

Linh Anh

Tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 là bệnh mà có sự đề kháng insulin, có nghĩa là cơ thể sử dụng rất kém insulin (mặc dù insulin vẫn tiết ra). Phản ứng tự nhiên của cơ thể là sẽ càng tăng tiết insulin trong giai đoạn đầu, đến một lúc nào đó tế bào beta đảo tụy suy giảm chức năng, không thể tiết insulin đầy đủ, lúc đó cần phải cung cấp insulin ngoại sinh cho cơ thể

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/5-trieu-nguoi-viet-mac-benh-dai-thao-duong-mot-nua-chua-duoc-chan-doan-2191327.html