Căn bệnh bị bỏ quên ở Trung Quốc
Các chuyên gia cho rằng hình thức phong tỏa nghiêm ngặt tại Trung Quốc đã khiến các căn bệnh tâm lý trở nên trầm trọng hơn.
Các nhà chức trách kiểm soát đại dịch ở thành phố Hồi Hột tại khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) vừa tuyên bố sẽ cải thiện những biện pháp chống dịch sau khi một phụ nữ trung niên tự tử vì bị nhốt ở nhà.
Điều này làm dấy lên lo ngại xoay quanh các vấn đề tâm lý khi đất nước tỷ dân thực hiện nghiêm ngặt chính sách "Zero Covid-19".
Theo The China Project, Wang (55 tuổi), bà mẹ 2 con, được tìm thấy đã chết sau khi chính quyền thi hành phong tỏa trong khu dân cư của cô vào tối 4/11. Tòa chung cư mà cô và các con đang sống bị đóng cửa vào ngày 26/10 khi đội chống dịch phát hiện 2 trường hợp dương tính.
Nhiều chi tiết về cái chết của Wang đã được tiết lộ trong một báo cáo điều tra được công bố gần đây.
Trong đó, cơ quan chức năng cho rằng trước khi Wang tự tử, con gái 29 tuổi đã liên lạc với các nhân viên cộng đồng đang làm nhiệm vụ, đề nghị mọi người giúp đỡ mẹ mình vì cô đang trong tình trạng suy sụp tinh thần.
Nhưng lời cầu xin của cô gái bị rơi vào quên lãng, không ai chú ý đến cô.
Một con gái khác của Wang, người không sống cùng gia đình, sau đó đã gọi cho đường dây nóng cấp cứu y tế địa phương của Hồi Hột nhưng được thông báo rằng tình hình của Wang không đủ nghiêm trọng để gọi xe cấp cứu.
Wang đã dùng thuốc điều trị chứng rối loạn lo âu từ năm 2019. Bệnh tình của bà mẹ 2 con trở nặng từ khi thực hiện lệnh hạn chế di chuyển và phải ở yên trong nhà.
Các nhân viên thực hiện phong tỏa tại Hồi Hột. Ảnh: China News Service.
Thời điểm Wang chọn cách tự kết liễu đời mình, cô con gái nhỏ đang ở một căn phòng khác. Thi thể của cô được phát hiện sau đó ít phút.
“Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của mọi người từ khi đại dịch bùng phát. Nhưng thật không may, sự cố này vẫn xảy ra. Cái chết của Wang đã cho thấy sự thiếu sót trong việc quản lý của chính quyền địa phương đối với việc phong tỏa”, đại diện tổ điều tra nói.
Hồi Hột, thủ phủ của Nội Mông và một trong những khu vực nghèo nhất của Trung Quốc, đã phải vật lộn với làn sóng Covid-19 từ cuối tháng 9.
Để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhiều khu vực trong thành phố đã nâng cao hình thức chống dịch bằng cách thiết lập các hàng rào xung quanh nhà dân để hạn chế việc di chuyển.
Trong khi đó, nhiều người đang sống tại Hồi Hột đã phàn nàn trên mạng xã hội về giá thực phẩm tăng chóng mặt và nhu cầu thiết yếu cạn kiệt.
Khu Wang và các con đang ở bị khóa vào cuối tháng 10 và được phân loại là khu vực "có nguy cơ cao" trong hơn một tuần.
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự cô lập xã hội có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của mọi người. Những người có tiền sử về bệnh tâm lý bị tác động nặng nề hơn.
Tiến sĩ George Hu, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Thượng Hải, nhận định các vụ ép nhốt trong nhà khiến người dân khó kiểm soát cảm xúc của mình, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực như tức giận, vô vọng, buồn bã và tuyệt vọng.
“Điều này dễ dàng kích hoạt trong thời điểm hiện tại. Họ đang gặp khó khăn khi duy trì mối quan hệ tình cảm, xã hội. Những khó khăn giữa các cặp vợ chồng, thành viên trong gia đình, đối tác sống chung và trở nên tồi tệ hơn trong giai đoạn này”, anh nói.
Tại Trung Quốc, cuộc tranh luận về việc kiểm soát quá mức ngày càng bị thổi bùng trong những tuần gần đây khi một loạt thảm kịch liên quan đến quyết định phong tỏa trở thành tiêu đề trên toàn quốc.
Chưa đầy 7 ngày trước khi Wang nhảy lầu tự tử, cha của một cậu bé 3 tuổi ở thành phố Lan Châu đã thu hút sự chú ý trên mạng sau khi cáo buộc các nhân viên thực thi công vụ địa phương trì hoãn hỗ trợ y tế cho con mình.
Vì không được chữa trị kịp thời, đứa trẻ đã qua đời vì bị ngộ độc khí carbon monoxide.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-benh-bi-bo-quen-o-trung-quoc-post1374428.html