Căn bệnh cứ 100 thanh thiếu niên, 2-3 trẻ mắc

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mỗi năm, gần 200 trẻ được phẫu thuật vẹo cột sống. Đa số là trường hợp được phát hiện muộn.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Long, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho hay vẹo cột sống là bệnh lý chiếm tới 2-3% ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Đây có thể là tỷ lệ không quá cao so với các bệnh ký khác nhưng ảnh hưởng nhiều tới các em trong độ tuổi này. “Ảnh hưởng thấy rõ nhất là về góc độ thẩm mỹ. Sự cong vẹo của cột sống gây cho các em sự mặc cảm nặng nề. Nhất là ở tuổi tâm lý chưa ổn định, có thể gây khủng hoảng lớn cho các em”, tiến sĩ Long chia sẻ.

Vẹo cột sống thường gặp ở trẻ nữ hơn. Theo thống kê, trong 10 trẻ bị vẹo, 9 em là nữ, một người còn lại là nam và có căn nguyên. Sự tự ti ở bệnh nhân nữ càng lớn hơn.

Đặc biệt, tình trạng vẹo tiến triển nặng sẽ gây ảnh hưởng tới các bộ phận khác trong cơ thể, thậm chí làm giảm tuổi thọ khi chèn ép vào tim mạch, hệ hô hấp. Tuy nhiên, hiện bệnh lý này chưa được người dân chú trọng để phát hiện sớm. Thông thường, phụ huynh phát hiện khi cho con tắm hoặc đi bơi (khi mặc ít quần áo dễ phát hiện – PV). Nhiều trường hợp không được phát hiện, nhất là vào mùa đông khi trẻ mặc nhiều quần áo.

 Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị cong vẹo cột sống. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị cong vẹo cột sống. Ảnh: BVCC.

Theo chuyên gia này, biểu hiện vẹo cột sống dễ nhận biết là sự mất cân đối của 2 bên cơ thể như vai, hông, hai tay, vai bên cao bên thấp, khi đứng thẳng tay chân không đều.

Hai nhóm vẹo cột sống chính hiện nay là vô căn, tức không tìm thấy căn nguyên, chiếm đa số, khoảng 80%. Ở nhóm này, bệnh hay khởi phát ở tuổi dậy thì - thời điểm cơ thể phát triển nhanh nhất.

Nhóm 2 là có căn nguyên, chiếm 15-20%. Trẻ mắc các dị tật bẩm sinh của cột sống như tật nửa thân đốt sống, dính đốt sống,… gây nên vẹo cột sống.

Về điều trị, tiến sĩ Long cho hay nếu vẹo có nguồn gốc từ các bệnh lý khác, bác sĩ sẽ xử trí những bệnh này. Với vẹo vô căn, bệnh nhân sẽ được theo dõi và có can thiệp vào thời điểm thích hợp.

“Nếu độ vẹo dưới 20 độ và bệnh nhân trong độ tuổi đang phát triển, các em sẽ được theo dõi định kỳ. Bệnh nhân vẹo 20-40 độ và trong độ tuổi xương đang phát triển thì cần mặc áo nẹp chỉnh hình. Còn trên 40 độ, bệnh nhân cần phẫu thuật”, tiến sĩ Long nói.

Theo chuyên gia này, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mỗi năm, gần 200 trẻ được phẫu thuật vẹo cột sống. Đa phần được phát hiện vẹo khi muộn, buộc phải phẫu thuật. Một số nhỏ được phát hiện sớm và có theo dõi tuy nhiên góc vẹo tăng lên do không tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định.

Việc phát hiện gù vẹo sớm, điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng, giúp trẻ ngăn chặn vẹo tiến triển nặng hơn, tránh được những ca phẫu thuật không đáng có và thay đổi toàn bộ chất lượng cuộc sống của trẻ.

“Tùy thuộc vào độ tuổi khởi phát, mức độ vẹo, khả năng điều trị sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống cũng như mức độ nguy hiểm của căn bệnh. Sàng lọc là quan trọng nhất để phát hiện bệnh lý vẹo cột sống. Cha mẹ có thể để ý tới con hơn bằng cách quan sát những dấu hiệu mất cân đối cơ thể và mùa hè là thời điểm thích hợp để phát hiện”, tiến sĩ Long khuyến cáo.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-benh-cu-100-thanh-thieu-nien-2-3-tre-mac-post1319168.html