Căn bệnh đáng sợ nào đang ngấm ngầm giết chết các ngôi sao Kpop?
Chỉ trong vòng một tháng, làng giải trí Hàn bàng hoàng trước sự ra đi của 2 ca sĩ với cùng một cách thức: tự tử.
Ngày 14/10 vừa qua, ca sĩ kiêm diễn viên Sulli được phát hiện tự tử ở nhà riêng. Tin tức này gây chấn động showbiz Hàn. Sự ra đi đột ngột của Sulli được cho là do chịu áp lực nặng nề từ những chỉ trích của công chúng, cùng với căn bệnh trầm cảm đeo đuổi cô từ lâu.
Tháng 9, một ca sĩ khác là Miwoo – 31 tuổi cũng tự kết thúc cuộc đời tại nhà riêng. Trên trang cá nhân 7 ngày trước, Miwoo để lại những dòng tâm sự nặng nề nói về nỗi cô đơn.
Trầm cảm và cô đơn dường như là những từ khóa chính trong những vụ tự tử của sao Hàn gần đây.
Showbiz Hàn đối mặt với nhiều vụ tự tử vì bệnh tâm lý
Trước sự ra đi của người em đồng nghiệp từng chung công ty quản lý, nam ca sĩ Kim Dong Wan chia sẻ những lo ngại về vấn đề sức khỏe tinh thần trong giới giải trí. Theo thành viên nhóm Shinwa, áp lực làm việc nặng nề và mơ ước được nổi tiếng, giàu có khiến giới trẻ Kpop ngày nay dễ vướng vào bệnh tâm lý. Và khi mắc bệnh, họ tìm đến thuốc như một cứu cánh dễ dàng mà không lường trước được tác dụng phụ.
“Ca sĩ thần tượng Kpop ngày nay không còn được ăn ngủ tử tế vì lịch trình dày đặc, họ còn bị ép phải che giấu cảm xúc, luôn mỉm cười và thể hiện thái độ tích cực trước công chúng. Họ cũng bị buộc phải gợi cảm nhưng lại không được quan hệ tình dục, tỏ ra cứng rắn nhưng không được đấu tranh cho bất cứ điều gì” – Kim viết trên trang cá nhân.
Không chọn cách ra đi đầy đau thương như Sulli, thành viên Mina của nhóm TWICE cũng phải tạm thời dừng hoạt động để điều trị căng thẳng tâm lý và lo âu. Riêng Tae Min của nhóm SHINee thú nhận anh gặp áp lực lớn khi cố gắng đạt được những kỳ vọng từ người hâm mộ.
Các công ty giải trí cần vào cuộc
“Nhiều nghệ sĩ ra mắt làng giải trí khi còn quá trẻ. Họ phải chịu đựng trầm cảm và lo lắng vì phải sống theo ý công chúng. Do đó, họ càng dễ bị tổn thương nếu nhận phải quá nhiều sự chú ý” – chuyên gia về tâm thần học Park Jong Seok ở Seoul nói.
Park phân tích thêm, sống theo kỳ vọng của công chúng khiến nghệ sĩ Hàn thiếu tự tin, bất ổn về cảm xúc, có những hành vi thể hiện nỗi ám ảnh.
“Họ bị thiếu thốn tình cảm vì không ở bên gia đình và bạn bè. Sự ám ảnh phải thành đạt và vượt qua trong môi trường cạnh tranh dữ dội có thể dẫn đến mặc cảm thấp kém, cảm giác mình không đủ tốt” – Park cho hay.
Giới phê bình nghệ thuật cũng lên tiếng về vấn đề này. Công ty giải trí SM – một trong ba ông lớn của showbiz Hàn mất đi 2 nghệ sĩ mắc trầm cảm là Sulli và Jong Hyun (nhóm SHINee) đang gặp phải chỉ trích lớn từ công chúng.
Nhà phê bình âm nhạc Kang Moon chia sẻ: “Công ty SM là nơi đã mang văn hóa thần tượng tới Hàn Quốc trong những năm 1990 và sau đó, hệ thống này thành tiêu chuẩn cho cả nền công nghiệp Kpop. Một lượng lớn ca sĩ tự tử, đến lúc các công ty chủ quản phải nhìn lại hệ thống đào tạo của mình để nhìn nhận xem họ có thể ngăn chặn những vụ tương tự, và chú ý hơn đến sức khỏe tâm thần của ca sĩ”. Kang cũng đề xuất các công ty giải trí lớn nên bắt tay với các bệnh viện nhưng điều này khó khả thi vì giới nghệ sĩ thường phải làm việc quá giờ.
Kang nhấn mạnh: “Quan trọng hơn là phải giáo dục nghệ sĩ. Trầm cảm thường đến từ sự quá tải cực độ và nên chẩn đoán từ sớm trước khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn”.