Căn bệnh khiến người châu Âu từng 'sống với cái chết'
Vào năm 1918, người châu Âu so sánh đại dịch cúm Tây Ban Nha với 'cái chết đen' trong thế kỷ XIV. Họ cho rằng: 'Sống với cái chết, bởi nó có thể đến bất cứ lúc nào'.
Theo Le Temps, Frederick Trump, ông nội của Tổng thống Mỹ Donald Trump, qua đời vào tháng 5/1918, ở tuổi 49. Ông là một trong những nạn nhân đầu tiên tại Mỹ của đại dịch toàn cầu, được nhắc đến với tên gọi “Đại dịch cúm Tây Ban Nha” năm 1918.
Đại dịch này đã cướp đi sinh mạng của 20 đến 50 triệu người (tức 2,5 đến 5% dân số toàn cầu) và có đến 500 triệu ca bệnh trong hai năm 1918-1919 (theo thống kê của Viện Pasteur, Pháp), đặt ra yêu cầu đối với việc thiết lập trật tự y tế thế giới. Một thế kỷ sau, đối diện với đại dịch Covid-19, những bài học từ “đại dịch cúm Tây Ban Nha” vẫn còn giá trị.
Đại dịch không xuất phát từ Tây Ban Nha
Nếu như Covid-19 bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc, dịch cúm Tây Ban Nha lại không xuất phát từ đất nước này. Do đứng trung lập trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), Tây Ban Nha là nước duy nhất công bố các thông tin chính thức có liên quan đến đại dịch. Tuy nhiên, đại dịch này lại tồn tại dai dẳng nhất ở Tây Ban Nha, hơn cả tại Pháp và Italy - những nước tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Ấn Độ là nước có dân số thiệt mạng nhiều nhất do đại dịch cúm Tây Ban Nha (18.5 triệu người chết, tương đương với 6% dân số), tiếp đó đến Trung Quốc, châu Âu và Mỹ.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn tranh luận xung quanh câu hỏi: Đâu là nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh? Theo báo cáo của các nhà khoa học Michael Worobey, Guan-Zhu Han, Andrew Rambaut đăng trên PNAS, virus cúm đầu tiên xuất hiện vào khoảng năm 1889 đến 1900 ở một số thanh niên Mỹ, phản bác lại quan điểm cho rằng virus xuất phát từ Quảng Châu, Trung Quốc vào năm 1918.
Theo GS Patrick Berche (Bệnh viện Necker, Paris), cúm Tây Ban Nha xuất hiện đầu tiên ở Kansas nơi các lính Mỹ trải qua ba tháng huấn luyện quân sự tại đây, sau đó lan ra trên nước Mỹ và theo đường biển đến châu Âu. Các trường hợp cúm dẫn đến tử vong được thông báo từ khoảng năm 1916-1917 trong trại lính của Anh ở Pas-de-Calais (Pháp). Nhà sử học Pierre Darmon ghi nhận dịch cúm đã ảnh hưởng đến những người lính thợ sang tham chiến bên cạnh quân đội Pháp vào những năm 1917-1918.
Ngày 4/3/1918, ca đầu tiên chính thức được ghi nhận tại trại quân sự Funston ở Kansas, bệnh nhân Albert Gitchell, một nông dân được gọi binh dịch. Do dòng chuyển quân trong giai đoạn cuối cùng của chiến tranh thế giới thứ nhất, bệnh dịch nhanh chóng lây lan ở Anh, Mỹ, Italy, Đức và đạt đến đỉnh cao vào tháng 6/1918.
Từ dịch bệnh chuyển thành đại dịch
Ca tử vong đầu tiên của dịch cúm Tây Ban Nha được thông báo chính thức vào ngày 14/9/1918. Từ đó, con số tử vọng liên tục được tăng lên, với tốc độ gấp 10-30 lần hàng ngày. Hai ổ dịch lớn nhất vào thời điểm đó là vịnh Mexique và California. Đầu tháng 10/1918 - thời điểm nhiều bệnh nhân tử vong nhất ở Mỹ: 5% số người mắc bệnh tử vong. Việc chuyển quân trên những chuyến tàu hỏa và tàu biển với nhiệt độ thấp, điều kiện vệ sinh kém đã tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển nhanh chóng. Gần một nửa số binh lính Mỹ bị mắc bệnh, số lượng lính Mỹ chết vì dịch bệnh nhiều hơn số lính thương vong do cuộc đại chiến.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ Nhất kết thúc (11/1918), người châu Âu di chuyển và mang theo đại dịch lây lan nhanh chóng sang Ấn Độ, châu Phi, châu Mỹ Latinh, Trung Quốc và châu Đại Dương. Autralia là thuộc địa duy nhất áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Một số đất nước tiếp tục bị ảnh hưởng của đại dịch trong năm 1919, 1920. Ca bệnh cuối cùng được thông báo vào tháng 7/1921 tại New Zealand.
Sự chủ quan của người dân vào năm 1918 khi gọi đây là “một loại cúm nhỏ” đã khiến nhiều người mất mạng. Thời điểm đó, người châu Âu so sánh đại dịch cúm Tây Ban Nha với “cái chết đen” hoành hành trong thế kỷ XIV. Họ cho rằng: “Sống với cái chết, bởi nó có thể đến bất cứ lúc nào”.
Khi dịch bệnh bùng phát, nó gây quá tải đối với hệ thống y tế ở cả thời điểm đầu thế kỷ XX. Các biện pháp cách ly xã hội từng được sử dụng tương tự như phòng chống dịch Covid-19: Đóng cửa biên giới, các nhà hát, trường học, nơi sinh hoạt công cộng được trưng dụng làm các bệnh viện tạm thời.
Tất cả không gian chung, bao gồm các các trạm điện thoại công cộng - phương tiện liên lạc chủ yếu thời kỳ này - đều được khử trùng. Khẩu trang được kêu gọi sử dụng và mức phạt được áp dụng lên tới 100 USD đối với trường hợp không mang khẩu trang.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy hoạt động mạnh mẽ của một tổ chức y tế toàn cầu. Năm 1907, tổ chức mang tên “Văn phòng vệ sinh công cộng quốc tế” (OIHP) được thành lập tại Paris.
Do không ủng hộ Hội Quốc Liên, năm 1918-1919, nước Mỹ đã phản đối việc để tổ chức này kiểm soát OIPH. Năm 1926, Công ước vệ sinh y tế quốc tế lần đầu tiên được thông qua. Đây là những cơ sở ban đầu cho sự ra đời và hoạt động của WHO sau này.