Căn bệnh lạ từng gây ám ảnh trên TikTok

'Rối loạn tic' tăng đột biến ở thanh thiếu niên trong đại dịch, khiến các bác sĩ bối rối. Sau Covid-19, khi sức khỏe tâm thần cải thiện, số người mắc bệnh này cũng ít đi.

Rối loạn tic (cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát) của Aidan (18 tuổi, sống ở thành phố Calgary, Canada) bộc phát vào một ngày đầu năm 2021, khoảng một tháng sau khi kết thúc đợt phong tỏa kéo dài do đại dịch.

Khi đó, thiếu niên 16 tuổi bị co giật trước cửa nhà, đầu quay ngoắt và liên tục vung tay, đôi khi phát ra những tiếng the thé.

Cha mẹ Aidan lo lắng về sự căng thẳng ngày càng tăng của con liên quan đến Covid-19, chứng phiền muộn giới tính, việc nộp hồ sơ đại học, thậm chí là mối quan hệ với bạn bè. Nhưng họ không chuẩn bị cho tình huống này.

“Aidan dường như sắp phát điên”, Rhonda, mẹ của Aidan, nhớ lại gần đây.

Họ vội vàng đưa Aidan đi cấp cứu, nhưng bác sĩ không phát hiện điều gì bất thường. Sau khi trao đổi với bác sĩ thần kinh, gia đình được biết gần đây, có hàng chục thanh thiếu niên ở Calgary cũng mắc chứng co giật tương tự.

Trong năm tiếp theo, các bác sĩ trên khắp thế giới điều trị cho hàng nghìn thanh thiếu niên bị rối loạn tic. Nhiều trong số đó từng xem các video phổ biến trên TikTok về những người trẻ tuyên bố mắc hội chứng Tourette (bệnh lý hệ thần kinh khiến bệnh nhân bị co giật).

Sau đó là loạt tiêu đề đáng báo động về “TikTok tic”, theo The New York Times.

 Aidan (phải) bị rối loạn tic sau khi xem video trên TikTok do những thanh thiếu niên tự nhận mình mắc hội chứng Tourette đăng tải.

Aidan (phải) bị rối loạn tic sau khi xem video trên TikTok do những thanh thiếu niên tự nhận mình mắc hội chứng Tourette đăng tải.

Có thể lây lan

Thực tế, những đợt bùng phát tương tự đã xảy ra trong nhiều thế kỷ. Các triệu chứng bí ẩn có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng gắn bó chặt chẽ, đặc biệt là giữa những người phải chịu đựng sự căng thẳng chung.

TikTok là ví dụ hiện đại điển hình của hiện tượng này. Chúng xuất hiện vào thời điểm đại dịch gây ra sự lo lắng và cô lập lan rộng, mạng xã hội đôi khi là cách duy nhất để kết nối và chia sẻ.

Các chuyên gia phân tích nhiều yếu tố có thể xảy ra khiến thanh thiếu niên trở nên nhạy cảm với những gì họ xem trên Internet.

Theo nghiên cứu từ Đại học Calgary, phân tích 294 trường hợp thanh thiếu niên bị rối loạn tic từ 8 quốc gia (Australia, Anh, Canada, Pháp, Đức, Hungary, Italy, Mỹ), 4/5 được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần, 1/3 từng trải qua những tổn thương trong quá khứ. Nhóm tác giả cũng tìm thấy mối liên hệ với giới tính: bệnh nhân phần lớn là nữ, người chuyển giới hoặc không xác định giới tính.

Tiến sĩ Tamara Pringsheim, nhà thần kinh học, người đồng dẫn đầu các nghiên cứu ở Calgary, cho biết: “Tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn phát triển nhanh chóng về mặt xã hội và cảm xúc. Họ giống như những miếng bọt biển, nắm bắt những kỹ năng mới để đối phó”.

Aidan luôn là đứa trẻ nhạy cảm, được nuôi dưỡng như một bé trai. Đến tuổi thiếu niên, cậu bị thu hút bởi tình bạn với các cô gái, công khai là người lưỡng tính và ngừng chơi thể thao để học múa ballet, sân khấu.

Đôi khi, Aidan bị bắt nạt nặng nề, đến mức nứt hộp sọ.

Ở trường trung học, Aidan xuất hiện dưới dạng phi nhị phân và bắt đầu sử dụng đại từ nhân xưng “họ”. Họ để tóc dài và thỉnh thoảng mặc váy đến trường, cố gắng tìm ra điều gì cảm thấy phù hợp.

Cha mẹ của Aidan vừa ủng hộ, vừa lo lắng về những thay đổi của con, khiến họ cảm thấy tức giận và bất an.

Aidan ẩn náu trong lớp kịch nghệ, nơi sự khác biệt được khuyến khích. Nhưng khi nhìn lại, họ nhận ra nhóm này tôn vinh bệnh tâm thần, đôi khi phô trương các chẩn đoán tâm thần.

“Đó giống như sự tôn sùng kỳ lạ của nỗi buồn”, Aidan cho biết.

 Aidan cảm thấy nhẹ nhõm khi không phải đến trường học vì Covid-19.

Aidan cảm thấy nhẹ nhõm khi không phải đến trường học vì Covid-19.

Khi lệnh phong tỏa vì Covid-19 được áp dụng, Aidan cảm thấy nhẹ nhõm. Việc học trực tuyến cho phép họ tránh sự chú ý, vẽ hoặc xem video trên điện thoại.

Trên TikTok, Aidan thấy rất nhiều thanh thiếu niên chia sẻ kinh nghiệm về đủ loại vấn đề sức khỏe, bao gồm chứng rối loạn đa nhân cách và Tourette. Aidan đặc biệt xúc động trước video của ngôi sao Billie Eilish, người tiết lộ vào năm 2018 rằng cô mắc hội chứng Tourette.

Aidan cảm thấy có mối liên hệ mật thiết với những người xa lạ có thể nhìn thấu nỗi đau khổ của mình.

Nhưng khi trường học mở cửa trở lại vào tháng 1/2021, những căng thẳng của Aidan lại ùa về. Họ thấy trường học quá ồn ào và lo lắng đến mức không thể ăn.

Ngồi trong lớp vào buổi chiều lạnh giá vài tuần sau đó, thiếu niên này gửi cho cha mẹ tin nhắn dài với yêu cầu khẩn cấp: “Con nghĩ mình nên gặp bác sĩ trị liệu”.

Aidan bắt đầu có những cơn hoảng loạn, đôi khi tự giật da mình trong khi cố gắng thở. Họ suy sụp khi dành ngày càng nhiều thời gian cho điện thoại.

“Tôi muốn có câu trả lời. Tôi chỉ muốn biết liệu mình có bị bệnh hay không”.

Aidan bắt đầu trị liệu ngay sau đó. Nhưng trong vòng một tháng, họ đã co giật trong phòng khách.

 Những người trẻ có tổn thương về tâm lý dễ bị ảnh hưởng bởi nội dung họ nhìn thấy trên mạng xã hội, ở đây là các video chia sẻ về bệnh Tourette như Aidan từng xem được.

Những người trẻ có tổn thương về tâm lý dễ bị ảnh hưởng bởi nội dung họ nhìn thấy trên mạng xã hội, ở đây là các video chia sẻ về bệnh Tourette như Aidan từng xem được.

Hành trình chữa lành

Vào khoảng thời gian Aidan bắt đầu bị rối loạn tic, tiến sĩ Pringsheim và tiến sĩ Davide Martino, các chuyên gia về vận động tại Đại học Calgary, đọc được thông báo trong diễn đàn trực tuyến của Học viện Thần kinh học Mỹ.

Mo, bác sĩ ở Kansas City, viết: “Tôi chứng kiến sự gia tăng chưa từng thấy ở nữ giới trẻ tuổi vị thành niên với những biểu hiện dường như là rối loạn tic về vận động và giọng nói cấp tính”.

Các nhà thần kinh học Canada phát hiện điều tương tự. Hầu hết bệnh nhân mới này không phù hợp với khuôn mẫu của trường hợp Tourette điển hình, thường ảnh hưởng đến bé trai và bắt đầu từ thời thơ ấu.

Chứng giật cơ của Tourette có xu hướng là những cử động đơn giản, như chớp mắt hoặc ho, tăng dần rồi giảm dần theo thời gian.

Ngược lại, những bệnh nhân mới thường được đưa đến phòng cấp cứu với những cơn co giật xuất hiện dường như chỉ sau một đêm. Đó là những cử động phức tạp, không ngừng nghỉ, thường đi kèm với lời lăng mạ hoặc những cụm từ hài hước.

Các nhà thần kinh học tìm kiếm trên YouTube, nhưng tìm thấy rất ít thông tin. Con gái tuổi teen của tiến sĩ Pringsheim gợi ý họ nên xem TikTok - ứng dụng được hơn 2/3 thanh thiếu niên Mỹ sử dụng.

Khi tìm kiếm từ “tic” và hàng trăm video hiện ra, tiến sĩ Pringsheim rất sửng sốt.

“Đây là bệnh nhân mà tôi gặp trong phòng khám ngày hôm nay”, bà nhớ lại

Những người có ảnh hưởng trên TikTok nói nhiều từ giống nhau, như “đậu” và “củ cải đường”, đồng thời thực hiện các chuyển động giống nhau, chẳng hạn là đấm tay vào ngực.

Trong vài tháng tiếp theo, lượng bệnh nhân tăng lên khiến danh sách chờ của phòng khám rối loạn vận động nhi tăng từ 3 tháng lên một năm.

Các video TikTok có hashtag #Tourettes được xem 7,7 tỷ lần.

Trong những tháng sau lần cấp cứu, Rhonda liên lạc với hàng chục bác sĩ nhi khoa, bác sĩ thần kinh và bác sĩ tâm thần. Aidan bắt đầu dùng nhiều loại thuốc tâm thần, bao gồm cả thuốc chống loạn thần, nhưng thuốc có tác dụng phụ và dường như làm cho rối loạn tic trở nên tồi tệ hơn.

 Aidan được kê nhiều loại thuốc sau khi bắt đầu có những cơn co giật không tự chủ, bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần và thuốc ADHD (tăng động giảm chú ý).

Aidan được kê nhiều loại thuốc sau khi bắt đầu có những cơn co giật không tự chủ, bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần và thuốc ADHD (tăng động giảm chú ý).

Tháng 8/2021, sau khi nghỉ học 6 tháng, Aidan được mời đến phòng khám phục hồi chức năng nhỏ dành cho các rối loạn chức năng tại Bệnh viện Nhi đồng Alberta. Họ liên tục lảo đảo, tự đánh mình và la hét những lời tục tĩu. “Con ghét mẹ”, “Trả tôi!”, “Rễ củ cải đỏ!”, “Tôi là một con ngỗng ngớ ngẩn!”.

Trọng tâm của chương trình phục hồi chức năng, dựa trên nhiều năm kinh nghiệm với các rối loạn chức năng, là cách tiếp cận hành vi - nhận thức nhằm giải quyết gốc rễ tâm lý của vấn đề và giúp trẻ phát triển cách tốt hơn để đối phó.

Bệnh nhân cần phải chấp nhận 2 điều: họ không mắc bệnh Tourette và các cơn co giật một phần nằm trong tầm kiểm soát của họ. Họ phải mong muốn cải thiện tình trạng của mình.

8-10 giờ/tuần trong 6 tháng, Aidan đã gặp gỡ nhiều chuyên gia, bao gồm nhà trị liệu ngôn ngữ, chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ tâm thần. Trong liệu pháp trị liệu, thiếu niên này đã thảo luận về việc bị bắt nạt ở trường, sự căng thẳng ngày càng tăng về giới tính và họ trở nên cô lập như thế nào trong đại dịch.

Aidan xóa TikTok và bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm.

Trong trị liệu nhóm với các bậc cha mẹ khác, Rhonda và Norm được khuyến khích tập trung vào những triệu chứng của tuổi thiếu niên.

Ngay sau khi kết thúc chương trình trị liệu, Aidan trở lại trường học. Họ viết và đạo diễn vở kịch đầu tiên, đồng thời tốt nghiệp đúng hạn với kết quả tốt.

Aidan không có biểu hiện rối loạn tic trong một năm, không còn sử dụng TikTok, không phải vì sợ bệnh trở lại mà vì thấy nhàm chán.

Aidan học cách xác định và đương đầu với sự lo lắng của mình tốt hơn. Với sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý, thiếu niên này đang lên kế hoạch cai thuốc chống trầm cảm vào đầu năm tới.

Sự căng thẳng của Aidan về giới tính cũng đã giảm bớt. Bây giờ, họ tin rằng tic là sản phẩm phụ đáng tiếc của cuộc tìm kiếm câu trả lời về sức khỏe tâm thần và danh tính của mình.

 Sau một năm trị liệu, Aidan nhận thấy việc cố gắng xác định danh tính và tình trạng sức khỏe tâm thần của mình chỉ khiến bản thân suy sụp.

Sau một năm trị liệu, Aidan nhận thấy việc cố gắng xác định danh tính và tình trạng sức khỏe tâm thần của mình chỉ khiến bản thân suy sụp.

Các nhà thần kinh học cho biết phần lớn thanh thiếu niên bị rối loạn tic trong đại dịch, ngay cả những người không được điều trị tích cực như Aidan, đã ngừng co giật. Một số không khá hơn thường từ chối chấp nhận chẩn đoán chức năng. Những người khác đấu tranh để giải quyết các yếu tố gây căng thẳng tiềm ẩn. Còn lại phát triển các triệu chứng khác, như co giật hoặc tê liệt.

Mặc dù căn bệnh khiến cuộc sống của Aidan bị ảnh hưởng trong một năm, gia đình họ lại trở nên gắn bó với nhau hơn.

Vào mùa thu, Aidan nộp hồ sơ vào Đại học Calgary, nơi họ đang theo học nghệ thuật. Họ bắt đầu làm công việc văn phòng bán thời gian và hy vọng sớm lấy được bằng lái xe.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-benh-la-tung-gay-am-anh-tren-tiktok-post1401687.html