Căn bệnh 'người sói' kỳ lạ, Việt Nam chỉ có 3 người mắc
Cơ thể của Bích xuất hiện nhiều đốm đen ở trên lưng rồi lan rộng khắp nơi. Lông mọc dài và rậm khiến mụn nước trên người em phát triển, gây đau đớn.
Lông là bộ phận quan trọng trên cơ thể. Khi tiến hóa, con người mất gần hết lông và phải sử dụng quần áo để giữ nhiệt. Tuy nhiên, đối với những người mắc hội chứng “người sói”, cơ thể mọc nhiều lông hơn bình thường, thậm chí xuất hiện trên mặt, lưng.
Những "người sói" ở Việt Nam
Ca mắc bệnh “người sói” đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện là bé Hoàng (12 tuổi) ở xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ khi sinh ra, bệnh nhi đã có nước da nâu sậm, xám xịt và cơ thể được bao phủ bởi một lớp lông rậm. Hoàng càng lớn, lông càng đậm màu và lan khắp lưng, bả vai, cổ.
Dù được gia đình cho đi khám ở nhiều nơi, các cơ sở y tế mới chỉ xác nhận bé Hoàng mắc bệnh Hypertrichosis và chưa tìm ra cách chữa trị. Em và mẹ phải sống cách ly trong một căn nhà nhỏ không có gì đáng giá.
Chị Võ Thị Nghiệm, mẹ của Hoàng, tâm sự: “Cha nhìn thấy nó như vậy cũng hoảng sợ mà bỏ đi. Từ lúc đó, con sống tự ti, mỗi khi có người nhắc đến từ 'người sói', 'người rừng' là cháu lại bật khóc, muốn bỏ học”. Những ngày mùa hè nóng nực, Hoàng phải đối mặt với những cơn ngứa ngáy khó chịu bởi lớp lông rậm".
Trường hợp thứ hai mắc bệnh "người sói" tại Việt Nam là bé trai tên Phong (6 tuổi) ở Quảng Nam. Cũng như Hoàng, Phong sinh ra đã có một nốt đen trên lưng. Sau đó, nốt đen lớn dần và lan rộng ra khắp cơ thể. Gia đình Phong đã tìm đến các bệnh viện, cơ sở y tế lớn để khám nhưng không tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Năm 2017, tỉnh Cà Mau ghi nhận trường hợp bé gái Đỗ Thị Ngọc Bích (5 tuổi) xuất hiện tình trạng mọc lông bất thường trên cơ thể. Chị Hồng Thơm, mẹ của bé Bích, chia sẻ: “Khi vừa mới sinh, con bé có cái bớt đen trên má nhỏ bằng đầu ngón tay út. Chúng tôi nghĩ chắc cũng chỉ là bớt bình thường nên không chú ý tới. Ai ngờ, càng lớn cơ thể con càng xuất hiện nhiều đốm đen ở trên lưng rồi lan rộng ra khắp cơ thể. Lông những chỗ đó mọc dài, rậm khiến con bé nổi mụn nước to. Chúng vỡ ra rồi chảy máu khiến con đau đớn”.
Bệnh "người sói" là gì?
Hypertrichosis (hay còn gọi là hội chứng Ambras, bệnh "người sói") là bệnh do sự phát triển bất thường của râu, tóc và các khu vực khác trên cơ thể. Hội chứng này được xếp vào loại cực hiếm gặp với xác suất 1/1.000.000 người. Thế giới mới chỉ ghi nhận khoảng 50 người mắc tính từ thời trung cổ. Ca mắc bệnh đầu tiên phát hiện từ thế kỷ XVI.
Đến nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh Hypertrichosis. Một số giả thuyết đặt ra là do bẩm sinh, suy dinh dưỡng, phản ứng với thuốc mọc tóc, thuốc ức chế miễn dịch và steroid androgenic.
Hội chứng này khiến cho người bệnh phải chịu sự kỳ thị nặng nề vì vẻ bề ngoài dị thường. Y học vẫn chưa tìm ra cách chữa trị triệt để căn bệnh này. Để hòa nhập, “người sói” chỉ có thể thường xuyên tẩy, cạo lông.