Căn bệnh phổ biến nhất ở người cao tuổi tại TP.HCM
Trong chương trình khám sức khỏe tầm soát bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi, TP.HCM ghi nhận tăng huyết áp là loại bệnh phổ biến nhất.
Ngày 28/9, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã tổ chức Hội nghị sơ kết "Triển khai thí điểm khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM năm 2023". Hội nghị có sự tham dự của đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình và các quận huyện.
Theo báo cáo, tính đến ngày 26/9, có hơn 17.000 người cao tuổi được khám sức khỏe theo mô hình mới, bước đầu nhận diện mô hình sức khỏe của người cao tuổi trên địa bàn.
Kết quả cho thấy bệnh lý đứng đầu ở người cao tuổi TP.HCM là tăng huyết áp (chiếm tỷ lệ hơn 51%), kế đến là đái tháo đường (14,6%), hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngoài ra, còn có ung thư và dấu hiệu rối loạn lo âu, trầm cảm.
Sở Y tế TP cho hay qua thăm khám đã phát hiện mới nhiều trường hợp bị tăng huyết áp hoặc nghi ngờ bị bệnh hô hấp mạn tính, dấu hiệu ung thư. Đây cũng là lần đầu tiên TP.HCM có số liệu về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Theo đó, chương trình đã ghi nhận hơn 16% người cao tuổi có dấu hiệu tiền suy yếu; 0,45% người có dấu hiệu suy yếu; 28,8% người có nguy cơ té ngã; 1,6% người phụ thuộc vào các hoạt động sống cơ bản hằng ngày; 6,54% người phụ thuộc vào các hoạt động sinh hoạt hằng ngày...
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trước đây, các quận huyện khám sức khỏe cho người cao tuổi chưa có sự đồng nhất. Lần này, ngành y tế đã vận hành thử hệ thống mới, theo một quy trình thống nhất. Từ đó, TP.HCM sẽ triển khai khám đồng loạt cho tất cả người cao tuổi để đưa vào quản lý và chăm sóc điều trị.
Đồng thời, thành phố tiếp tục mở rộng mô hình thí điểm gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 310 trạm y tế trên địa bàn để đạt hiệu quả cao nhất.