Căn bệnh ung thư khiến Kim Woo Bin chống chọi suốt 2 năm nguy hiểm ra sao?
Sau hai năm chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng nguy hiểm, mỹ nam Hàn Kim Woo Bin bắt đầu trở lại hoạt động nghệ thuật và sức khỏe của anh đang phục hồi rất tốt.
Kim Woo Bin sinh năm 1989, khởi nghiệp là người mẫu ảnh. Anh có vóc dáng lý tưởng. Năm 2012, anh may mắn có tên trong dàn diễn viên tham gia Phẩm chất quý ông cùng Jang Dong Gun, Kim Min Jong, Kim Ha Neul. Chỉ nhận vai phụ nhưng hình ảnh chàng học sinh cá biệt nhưng trượng nghĩa đã giúp Kim Woo Bin lọt mắt xanh đạo diễn Người thừa kế.
Khi vừa đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp Kim Woo Bin bất ngờ được chẩn đoán ung thư vòm họng hồi tháng 5/2017. Nam diễn viên phát hiện mình bị ung thư sau khi nhận thấy những triệu chứng bất thường trong cơ thể và đến bệnh viện khám.
Thời gian sau đó, Kim Woo Bin bắt đầu xa rời showbiz để tập trung cho việc chữa trị. Qua bức thư gửi fan trên fancafe, Kim Woo Bin tiết lộ anh phải trải qua 3 đợt hóa trị và 35 lần xạ trị, rất nhiều fan cảm thấy xót xa cho nam diễn viên.
Nhưng đến đầu năm 2019, sức khỏe của nam diễn viên bắt đầu có những chuyển biến tốt. Ngày 9/1, tờ Sports Chosun đưa tin độc quyền, tài tử "Người thừa kế" Kim Woo Bin đã phục hồi sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư. Dù chính bản thân Kim Woo Bin rất muốn trở lại làng giải trí nhưng hiện anh vẫn phải tuân thủ kế hoạch chữa bệnh của bác sĩ.
Ung thư vòm họng là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất bởi triệu chứng âm thầm nhưng tiến triển nhanh chóng và thường phát hiện ở giai đoạn muộn.
Tại Việt Nam, bệnh ung thư vòm họng đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư vùng đầu cổ và đứng thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung. Tỷ lệ mắc bệnh cao là như vậy, nhưng các triệu chứng của bệnh lại không điển hình. Chính vì vậy việc phát hiện và điều trị ung thư vòm họng gặp nhiều khó khăn.
Theo chuyên gia, ung thư vòm họng ở giai đoạn đầu rất dễ nhầm với những bệnh về đường hô hấp, xoang, viêm họng thông thường... Những biểu hiện ban đầu như ngứa rát cổ họng, nghẹt mũi, chảy máu cam, ù tai và có thể nổi hạch cổ.
Các giai đoạn của ung thư vòm họng
Chia sẻ trên Zing.vn, GS.TS Mai Trọng Khoa (Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân mắc ung thư vòm họng sẽ trải qua các giai đoạn, tiên lượng khỏi sẽ khác nhau:
- Giai đoạn 1: Ung thư mới bắt đầu rất nhỏ. Đây là giai đoạn ban đầu nên ung thư chưa lây lan đến các hạch bạch huyết. Nếu phát hiện và điều trị ngay lập tức, tỷ lệ sống rất cao.
- Giai đoạn 2: Khối ung thư đã tăng lên đến 5-6 cm và các tế bào đã bắt đầu quá trình tăng lên đáng kể. Lúc này, cơ hội phục hồi của bệnh nhân vẫn còn khá tốt nếu ung thư chưa lây lan sang các hạch bạch huyết và vẫn còn trong thanh quản.
- Giai đoạn 3: Ung thư vòm họng đã phát triển và đã bắt đầu lan tràn đến các khu vực khác và gây ra thiệt hại không thể khắc phục được. Kích thước của khối u đã tăng lên. Nếu khối u vẫn còn nhỏ có thể loại bỏ bằng phương pháp phẫu thuật.
- Giai đoạn cuối: Khối u đã lan đến môi và miệng, phá hủy các hạch bạch huyết. Khối u có thể lây lan đến các hạch bạch huyết ở phía bên kia, mỗi hạch bạch huyết có thể có khối u lớn đến 6 cm.
Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, tỷ lệ sống thêm của bệnh nhân sau điều trị đạt 80-90% ở giai đoạn 1 và 2, 30-40% ở giai đoạn 3, 15% ở giai đoạn 4.
Những dấu hiệu nhận biết ung thư vòm họng giai đoạn đầu
- Đau đầu: Người bệnh sẽ cảm thấy đau đầu âm ỉ và cuộn lên từng cơn.
- Ù tai: Khi bị ung thư vòm họng xâm lấn, người bệnh thường xuyên bị ù một bên, người bệnh có cảm giác trầm như tiếng ve kêu bên trong tai.
- Ngạt mũi: Dấu hiệu này xuất hiện dần, ban đầu người bệnh sẽ bị ngạt một bên mũi, ngạt từng lúc và kèm theo triệu chứng chảy máu mũi.
- Khàn tiếng và khó nuốt: dấu hiệu này xuất hiện mà không phải do những bệnh thông thường khác mang lại người bệnh nên chú ý. Nếu dấu hiệu này kéo dài 3 tuần đã uống thuốc mà không có biểu hiện thuyên giảm, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Để phòng tránh ung thư vòm họng, bác sĩ khuyến cáo người dân cần duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học như không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng bia, rượu và các loại đồ uống có chứa cồn trong sinh hoạt hàng ngày, không nên ăn nhiều các thực phẩm được chế biến theo phương thức lên men như thịt muối, dưa muối, cà muối, không ăn thức ăn khi còn nóng tránh gây tổn thương đến vùng hầu họng.