Cần biện pháp hữu hiệu quản lý người tâm thần ngoài cộng đồng
Chồng giết vợ, cha đoạt mạng con… các vụ án mạng xảy ra tại Điện Biên mà hung thủ đều được xác định là người mắc bệnh về tâm thần và đang sống trong cộng đồng. Thực tế đó đòi hỏi cần có biện pháp quản lý hữu hiệu đối với người mắc bệnh tâm thần.
Tâm thần gây trọng án
Đã hơn 1 tuần trôi qua, kể từ khi xảy ra vụ án mạng đau lòng tại tổ dân phố 12, phường Mường Thanh, nhiều người dân TP. Điện Biên Phủ vẫn không khỏi ám ảnh. Vụ việc được phát hiện vào trưa ngày 28/9, khi bà Đ.T.L (SN 1958) và cháu trai học lớp 7 đang ở nhà. Chồng của bà L. là ông Nguyễn Trung T. (SN 1958) đã dùng tay siết cổ bà L. làm bà tử vong. Sau khi sát hại bà L, ông T. tiếp tục bóp cổ cháu trai. May mắn, cháu bé đã đẩy ngã ông T. và thoát ra ngoài kêu cứu. Ngay sau đó, hung thủ bị người dân và cơ quan chức năng khống chế, bắt giữ. Theo nhiều nhân chứng và người thân gia đình cho biết, ông T. là người bị tâm thần có hồ sơ bệnh án 20 năm. Vợ chồng ông T. sống tại thôn 4, xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Sáng hôm xảy ra vụ án mạng, bà L. lên trông nhà cho con trai. Ông T. cũng rời khỏi nhà và người thân đi tìm nhưng không thấy. Sau đó thì xảy ra sự việc thương tâm.
Vụ việc chưa hết bàng hoàng thì ngày 5/10, người dân bản Nậm Cá, xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo lại chứng kiến một vụ án mạng khác cũng do bệnh nhân tâm thần gây ra. Hung thủ được xác định là Lường Văn Th. (SN 1977), người địa phương. Thông tin ban đầu từ lực lượng công an địa phương cho biết: Đối tượng Th. có tiền sử mắc bệnh tâm thần và đã được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên. Ngày 26/9, đối tượng kết thúc đợt điều trị, trở về nhà và có biểu hiện loạn thần do rượu. Đến sáng 5/10 thì gây ra án mạng đối với một người bán hàng lưu động qua địa bàn.
Cũng liên quan đến người mắc bệnh tâm thần, đau lòng nhất phải kể đến vụ việc xảy ra đêm 27/12/2022, tại bản Kéo, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông. Đối tượng gây án là Lường Văn Ch. (SN 1995), được xác định mắc chứng bệnh tâm thần. Trong cơn cuồng loạn Ch. đã dùng dao nhọn sát hại chính 2 con ruột của mình. Mặc dù khi xảy ra sự việc, nhiều người thân và bà con trong bản có mặt tại hiện trường, song cũng đành bất lực trước sự hung hãn của đối tượng.
Quản lý sao cho hiệu quả?
Thống kê sơ bộ từ tháng 12/2022 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra ít nhất 5 án mạng do bệnh nhân tâm thần gây ra. Đáng nói, hung thủ khi gây án đều ghi nhận đang sống trong cộng đồng. Có án mạng được xác định nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn, cãi vã, xung đột. Song cũng có vụ việc nguyên nhân chủ quan đều xuất phát từ hung thủ.
Thực tế hiện nay chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì thế, phần lớn họ vẫn sinh hoạt tự do, người quản lý chỉ có người trong gia đình. Nhiều trường hợp bệnh nhân phát bệnh, người thân không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời đã dẫn đến những vụ việc đau lòng.
Điều 21, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Từ những vụ việc gần đây cho thấy, cần xem xét có các quy định về việc quản lý và bắt buộc chữa bệnh đối với những trường hợp tâm thần. Đặc biệt, đối với người bị tâm thần đã có hành vi vi phạm pháp luật phải quản lý chặt chẽ, tránh để xảy ra các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đối với những trường hợp điều trị ngoại trú thì phải quản lý ra sao cho hiệu quả?!
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên, hiện nay toàn tỉnh có gần 1.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt đang được quản lý ngoài cộng đồng. Trong đó, chỉ khoảng 4% bệnh nhân đang trực tiếp điều trị tại bệnh viện. Trên địa bàn hiện chưa có trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần. Do vậy, công tác quản lý chính vẫn là từ phía gia đình bệnh nhân.Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, tâm thần phân liệt là bệnh mãn tính, khi phát bệnh, bệnh nhân thường mất kiểm soát hành vi trong thời gian rất nhanh. Bởi vậy, đối với những bệnh nhân có khả năng thực hành hành vi nguy hiểm đã được cơ sở y tế khuyến cáo thì cần phải tránh những tình huống gây kích động. Việc quản lý bệnh nhân tâm thần phải có sự sát sao của gia đình, có sự giám sát chặt của chính quyền địa phương. Khi người bệnh có biểu hiện phát bệnh cần tìm sự trợ giúp để có biện pháp kiểm soát kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ gây hại cho gia đình, cộng đồng.