Cần biện pháp xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả
Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại đây, ĐB Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho biết, năm 2023 trong bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước có nhiều nhiều khó khăn, song đất nước đã vững vàng đi lên. Tình hình kinh tế-xã hội có nhiều dấu hiệu phục hồi và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cử tri, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như đã liên tục 4 lần giảm lãi suất điều hành, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, giảm phí, lệ phí trước bạ, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế đất. Qua đó giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Song bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lâm cho biết doanh nghiệp cũng đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn giảm. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng và số doanh nghiệp giải tán, phá sản cũng tăng lên.
Ông Lâm cũng cho rằng, tại kỳ họp này Chính phủ đã có Báo cáo số 20 về tình hình kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn rất chậm, nhiều vấn đề tồn tại chưa được xử lý. “Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể cả trước mắt và lâu dài đối với 12 dự án. Đồng thời Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo quyết định cơ chế cụ thể đối với Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc nhằm giúp Công ty xử lý tồn tại, vượt qua những khó khăn, giúp hàng ngàn cán bộ, công nhân lao động ổn định sản xuất, yên tâm làm việc”-ông Lâm nói.
Từ thực tế các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Nam hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, ĐB Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong thời gian tới, ông Phước mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đến những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, có những chính sách kịp thời, thiết thực hơn cho doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Trước mắt, cần tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các cái điều kiện cho vay vốn. Tiếp tục đồng hành, chia sẻ những rủi ro đối với doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thuế, lắng nghe, chia sẻ các giải pháp giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề về thuế; nghiên cứu các chính sách thuế phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, cần chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, xem xét điều kiện từng doanh nghiệp để có chính sách giảm giảm thuế phù hợp.