Cần biết: Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Để nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần thực hiện theo trình tự sau:

1. Chuẩn bị hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ điều 16 Nghị định số 28 ngày 12/3/2015 của Chính phủ, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu ); Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; Sổ BHXH.

2. Nộp hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm

Trong vòng 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi muốn nhận trợ cấp.

Giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

3. Xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm dịch vụ việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ BHXH có xác nhận trả cho người lao động.

4. Nhận tiền trợ cấp thất nghiệp

Trường hợp được nhận trợ cấp thất nghiệp, theo khoản 2, điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan BHXH sẽ chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho người lao động kèm theo thẻ BHYT.

Hàng tháng, cơ quan BHXH chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

5. Thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng

Sau khi nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu, những tháng sau đó, người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm việc làm theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

BHXH Việt Nam cho biết, ngay từ đầu năm 2020, nhất là cao điểm 15 ngày thực hiện cách ly xã hội vừa qua, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cơ bản đảm bảo thông suốt. Tính đến hết tháng 3, toàn Ngành đã giải quyết 30.036 hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; đảm bảo chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho khoảng 3,2 triệu người; giải quyết cho 126.949 người hưởng các chế độ BH thất nghiệp; số lượt khám chữa bệnh BHYT lũy kế từ đầu năm đến nay lên tới trên 40 triệu lượt.

Số người tham gia BHXH lũy kế đến hết tháng 3/2020 đạt khoảng 15,41 triệu người. Trong đó gồm: 14,841 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 533 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện; 13,06 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 85,054 triệu người tham gia BHYT- đạt tỷ lệ bao phủ 88,9% dân số.

Trong tháng 3, toàn Ngành thu BHXH, BHYT đạt 33.940 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm thu 87.756 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) của BHXH các tỉnh, thành phố khoảng 20.242 tỷ đồng. Toàn quốc đã cấp được 15,32 triệu sổ BHXH, đạt tỷ lệ 99,45% trên tổng số đối tượng tham gia BHXH, cấp được 85 triệu thẻ BHYT. Tính đến thời điểm 31/3, toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động...

Nguyễn Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thong-tin-ve-ho-so-huong-tro-cap-that-nghiep-cho-nguoi-lao-dong-n172660.html