Cần bình ổn thị trường vật liệu xây dựng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá của một số loại vật liệu như sắt thép, cát, đá, đất san nền tăng cao đột biến, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng và tiến độ thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù Chính phủ đã có giải pháp bình ổn giá thép, song trên thực tế giá thép xây dựng vẫn đang ở mức cao. Không chỉ gặp khó khăn do vật liệu tăng giá, doanh nghiệp trên địa bàn còn rất khó tiếp cận để mua vật liệu xây dựng do khan hiếm nguồn cung cấp. Để có nguồn cung vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp phải chuyển tiền đặt cọc trước với thời gian dài thì mới có thể mua được vật liệu để thi công. Thậm chí một số vật liệu như cát, sạn các loại nếu có mua được thì chỉ mua được với số lượng nhỏ lẻ, giá cao nhưng lại không có hóa đơn VAT.
Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nguyên vật liệu cung cấp giá cho các sở, ngành liên quan thấp hơn so với giá bán thực tế. Do đó, các doanh nghiệp trúng thầu trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai thi công xây dựng công trình. Một số công trình đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu nhưng phải tạm dừng do phải thực hiện việc điều chỉnh dự toán (giá gói thầu) do giá vật liệu xây dựng ở thị trường chênh lệch so với thông báo giá.
Đối với các dự án khai thác đất, đá làm vật liệu xây dựng nhiều tháng trở lại đây do các điểm mỏ khai thác đất làm vật liệu san lấp phục vụ công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hết hạn, trong khi đó việc gia hạn hoặc cấp mỏ đất mới chưa được triển khai kịp thời. Vì thế, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn bởi không những giá đất san lấp bị đẩy lên cao mà ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Riêng đối với dự án mỏ đá khối A-Tân Lâm thời hạn cấp phép khai thác 10 năm từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2022, hiện chỉ còn 1 năm, tuy nhiên trữ lượng khai thác hiện còn khoảng trên 200.000 m3 nhưng phần lớn là đất đá phong hóa, chất lượng kém nên sản lượng đá chỉ thu hồi được khoảng 15-20% sản lượng khai thác (khoảng 30.000 m3 ) không đủ để cung cấp cho các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là đối với dự án đường cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, sản lượng đá của các đơn vị chỉ cấp được khoảng 10% nhu cầu vật liệu xây dựng đường cao tốc.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Tân Nguyễn Văn Long cho biết, với nhu cầu sản lượng đá rất lớn để cung cấp cho xây dựng hiện nay và trong tương lai, đặc biệt là việc xây dựng một số tuyến giao thông trọng điểm nên sau khi mỏ đá khối A-Tân Lâm hết hạn khai thác vào tháng 6/2022 thì sản lượng đá khai thác trên địa bàn tỉnh còn khoảng trên 100.000 m3 /năm không thể đủ nguồn đá để cung cấp cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Trước mắt, để đáp ứng nguồn đá xây dựng cung cấp cho các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh, đặc biệt để kịp thời cung cấp cho dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, giải quyết khó khăn về đầu tư trang thiết bị máy móc, đảm bảo việc làm cho trên 500 lao động của các đơn vị đang khai thác đá tại khu vực Tân Lâm, các doanh nghiệp khai thác đá mong muốn Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiến nghị UBND tỉnh xem xét chủ trương cho phép 2 liên danh triển khai khảo sát, đánh giá trữ lượng đá phần âm tại mỏ đá khối A - Tân Lâm trên phần diện tích thực tế đã cấp cho 2 liên danh là liên danh Công ty Cổ phần Thiên Tân, Công ty Cổ phần Tân Hưng và Liên danh Công ty TNHH Minh Hưng, Công ty Cổ phần Xây dựng giao thông Quảng Trị.
Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tham mưu UBND tỉnh xem xét việc gia hạn thêm thời gian hoạt động cho các đơn vị khai thác đã có mỏ đất cũ mà còn trữ lượng. Hiện nay, mỏ đá vôi khối D-Tân Lâm đang được quy hoạch để sản xuất xi măng đến năm 2021 nhưng chất lượng đá không đạt tiêu chuẩn sản xuất xi măng. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh xem xét, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đưa mỏ đá vôi khối D- Tân Lâm ra khỏi quy hoạch sản xuất xi măng, đồng thời xin cấp phép cho 4 đơn vị khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh kiến nghị Sở Xây dựng đề xuất với Bộ Xây dựng thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 và biến động giá thép. Đặc biệt là đề ra các giải pháp khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện hợp đồng xây dựng, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng ký kết theo hình thức đơn giá cố định và trọn gói. Cụ thể là xem xét hướng dẫn, điều chỉnh hình thức hợp đồng, bố trí bổ sung nguồn kinh phí để điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành chính sách hướng dẫn bù giá đối với các loại vật liệu chính, đặc biệt là giá thép để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân đảm bảo ổn định và phát triển.Đề nghị các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, yêu cầu cung cấp giá đúng với giá bán thực tế; cập nhật kịp thời giá thực tế của thị trường vào thông báo giá để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng khi mua hàng và tránh thất thu thuế cho nhà nước.
UBND tỉnh cần kịp thời chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng. Bởi nếu để tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng kéo dài sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy xấu cho nhà thầu, đó là thua lỗ, lãng phí nhân lực và máy móc, tăng chi phí thi công, phải mua ngoài vật liệu xây dựng với giá cao hoặc sử dụng vật liệu không đúng tiêu chuẩn... dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ, đội vốn, ảnh hưởng đến chất lượng thi công các công trình.
Vì thế, để giải quyết “bài toán” về khan hiếm vật liệu, cần tiếp tục rà soát các mỏ vật liệu, đẩy nhanh thủ tục chấp thuận nguồn vật liệu, cấp phép khai thác mỏ để sớm tổ chức khai thác hoặc ký kết hợp đồng cung cấp cho nhà thầu thi công; đề nghị các chủ mỏ đầu tư nâng công suất khai thác. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu việc cho phép nhà thầu vận dụng tối đa đất đá sau khi đào ra có kích cỡ không đáp ứng yêu cầu để làm vật liệu đắp nền bằng phương pháp xay nghiền, phối trộn, thí nghiệm và thi công thử trước khi áp dụng, đảm bảo các yếu tố kinh tế - kỹ thuật của dự án, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường trên nguyên tắc không làm phát sinh chi phí xây dựng.
Đó là những giải pháp cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện nguồn vật liệu xây dựng đang khan hiếm và giá tăng cao như hiện nay.