Cán bộ bán đất công ở Sơn La: 2 năm ra quyết định nhưng không thu hồi?
Quyết định thu hồi đất công bị cán bộ thôn, xã bán trái phép tại xã Tân Lang (Phù Yên, Sơn La) đã bị UBND huyện Phù Yên ra quyết định thu hồi từ năm 2017, thế nhưng đã 2 năm trôi qua, hơn 1.000 m2 đất vẫn không bị thu hồi.
Quá thời hạn 2 năm vẫn không thu hồi đất
Như trong bài viết "Cán bộ xã bán đất công ở Sơn La: Huyện xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ?" mà Kiến Thức đã phản ánh. Tại Quyết định số 2316 của UBND huyện Phù Yên ngày 19/9/2017, đã nêu rõ, việc thu hồi 1.145 m2 đất do ông Nguyễn Văn Mùi, trưởng bản Thịnh Lang 1 tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái thẩm quyền, vi phạm vào khoản 2, Điều 181 Luật Đất đai năm 2013.
Tuy nhiên, cũng tại Quyết định này, việc thu hồi chỉ tiến hành từ một phía (những người được chuyển nhượng quyền sử dụng đất - PV) các hộ gia đình bàn giao lại toàn bộ số đất đã mua cho UBND xã Tân Lang quản lý, còn việc khắc phục hậu quả (bàn giao lại số tiền cho người mua - PV) thì không hề “có tên” trong Quyết định này.
Việc UBND huyện Phù Yên ra Quyết định 2316 chỉ thu hồi chứ không có biện pháp khắc phục hậu quả, hơn nữa Quyết định này chỉ có thời hạn là 45 ngày, thế nhưng đã gần 2 năm nay, việc thực hiện vẫn chẳng đâu vào đâu.
Trước việc UBND huyện Phù Yên xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ” khiến cho người dân bản Thịnh Lang 1 không tâm phục khẩu phục. Hiện giờ, huyện Phù Yên đang có chủ trương sáp nhập 2 bản Thịnh Lang 1 và Thịnh Lang 2 thành một bản Thịnh Lang như trước, thế nhưng chủ trương là đúng nhưng việc bản Thịnh Lang 1 bán tài sản chung mà không có sự bàn bạc, nhất trí của bản Thịnh Lang 2 vẫn chưa giải quyết xong. Điều này gây ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm làng trên xóm dưới, gây mất đoàn kết giữa 2 bản vì “lời qua tiếng lại”.
Người dân bản Thịnh Lang 2 sẽ chấp hành chủ trương sáp nhập thành 1 nếu như sự việc được giải quyết triệt để, hợp tình hợp lý, đúng người đúng tội.
“Chúng tôi không mong muốn gì hơn, sự việc thì cũng đã qua rồi, bây giờ chỉ cần cán bộ nhận lỗi với chúng tôi, có biện pháp khắc phục biết tự nhận lỗi và sửa sai là được. Chúng tôi cũng không muốn sự việc đến mức này làm gì cả. Vì làng trên xóm dưới, ngày ngày còn nhìn thấy nhau chứ không phải sống ngày 1 ngày 2. Cùng ngồi lại bàn bạc thống nhất cách giải quyết với nhau, chứ cứ như thế này lời qua tiếng lại khiến cho tình cảm, đoàn kết bấy lâu nay mà rạn nứt, phức tạp” – ông Nguyễn Văn Phúc, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi bản Thịnh Lang 2 nói.
"Không khắc phục được hậu quả phải khởi tố"
Trao đổi với PV Kiến Thức xung quanh vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc công ty luật Đại Nam (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích: “Việc mua, bán đất công xảy ra phổ biến trên toàn quốc, các thôn, bản tự đứng ra bán đất cộng đồng do họ quản lý để lấy tiền làm đường, nhà văn hóa... tuy nhiên, hành vi trưởng thôn và xã tự ý bán đất là hành vi trái pháp luật, ở một số địa phương người ta sẽ bỏ qua bởi vì khi cá nhân (trưởng bản, trưởng thôn - PV) không có động cơ cá nhân.
Tuy nhiên, cũng có một số địa phương, đơn cử như tại tỉnh Bắc Giang cũng đã khởi tố một vài vụ án về việc mua bán, chuyển nhượng đất cộng đồng trái pháp luật. Việc khởi tố là do việc không khắc phục được hậu quả nên phải khởi tố.
Sự việc tại xã Tân Lang bán đất để xây dựng nhà văn hóa, thì việc xây dựng nhà văn hóa không nằm trong chương trình chi, mục tiêu chi của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, ở một số nơi được cấp trên hỗ trợ cho một phần nguồn vốn, còn lại là nguồn vốn tự có. Đối với các vùng nông thôn, kinh phí còn hạn hẹp mà nhu cầu có nhà văn hóa để hoạt động là nhu cầu chính đáng. Đối với sự việc tại xã Tân Lang mặc dù huyện đã có hành động xử lý cụ thể thế nhưng cũng cần phải xem lại Quyết định thu hồi đất để xem trách nhiệm của những người bán và người mua như thế nào.
Việc tự ý bán đất công là sai, huyện cũng đã có quyết định thu hồi và xử lý, vấn đề là đã xử lý triệt để hay chưa. Trách nhiệm thuộc về ai? trong quyết định thu hồi đất đó hay cũng chỉ là quyết định hời hợt?” luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói thêm.
Cùng quan điểm, luật sư Bùi Khắc Toản, giám đốc Công ty Luật TNHH 4.1, đoàn luật sư tp Hà Nội phân tích, UBND xã không được phép giao đất, bán đất quy định tại Điều 24 Luật đất đai 1993. Chức năng cấp giấy CNQSDĐ đất thuộc UBND huyện.
Trong trường hợp huyện cấp giấy chứng nhận cho những người mua đất theo quyết định hay bất cứ giấy tờ gì do xã xác lập đều cấp sai quy định, tội trạng trong trường hợp này quy định tại Điều 229 Bộ Luật hình sự 2015.
“Việc dùng đất công thôn này cho thôn khác sử dụng hay bán không có căn cứ đã sai, đến lúc có tố cáo rồi chia tiền thì có dấu hiệu bất minh do bán đất trái pháp luật mà có, xâm phạm tài sản (đất) Nhà nước có dấu hiệu tội lạm dụng chức vụ quyền hạn xâm phạm tài sản Nhà nước.
UBND huyện sai khi cấp giấy không đúng pháp luật, xử lý vi phạm hời hợt có ý bao che, đến giờ vẫn không có chuyển biến. Vụ việc này cần tố giác đến cơ quan chức năng làm rõ”, luật sư Toản khẳng định.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.