Cán bộ cấp nào cũng đều vì lợi ích nhân dân
Mục tiêu tối thượng và lý do tồn tại của mọi cán bộ, công chức, viên chức đều là phục vụ lợi ích quốc gia và nhân dân.
Mới đây, trong Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ thống nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến địa phương, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp trung ương, cấp tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ. Theo cá nhân tôi, đây là một chủ trương đúng đắn thể hiện cách nhìn xuyên suốt vì mục tiêu chung.
Là một cán bộ, trong hơn 15 năm công tác bản thân tôi thấy rằng, trong nhận thức và thực tiễn, nhiều người vẫn có xu hướng ngầm định về sự khác biệt "giá trị" hoặc "tầm quan trọng" giữa cán bộ công tác ở các cấp khác nhau. Câu cửa miệng: "Tỉnh về thì huyện mổ trâu/ Tỉnh lên, Bộ hỏi đi đâu thế này?/ Tỉnh về thì huyện giết cầy/ Huyện lên, tỉnh hỏi chú mày đấy a?/ Huyện về thì xã thịt gà/ Xã lên, huyện hỏi bỏ nhà đi đâu?" lâu nay như một sự phân biệt dẫn đến cách nhìn phiến diện, một chiều. Sự phân biệt này là không phù hợp, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, và tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực cho sự phát triển chung.
Điều 2 Hiến pháp 2013 khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân." Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò "công bộc", "đầy tớ" của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên. Người dạy: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật."
Từ nền tảng tư tưởng và pháp lý này cho thấy, mục tiêu tối thượng và lý do tồn tại của mọi cán bộ, công chức, viên chức đều là phục vụ lợi ích quốc gia và nhân dân. Việc họ làm việc ở cấp nào chỉ phản ánh phạm vi, tính chất nhiệm vụ cụ thể, chứ không quyết định "đẳng cấp" hay "giá trị" cốt lõi của họ. Một cán bộ xã tận tụy, giải quyết trực tiếp khó khăn cho người dân cũng có giá trị không kém một chuyên viên cấp Bộ đang soạn thảo chính sách vĩ mô, bởi cả hai đều đang góp phần thực hiện mục tiêu chung đó. Phân biệt đối xử dựa trên cấp hành chính là đi ngược lại bản chất của nhà nước ta.

Ảnh minh họa.
Bộ máy hành chính nhà nước vận hành như một hệ thống hữu cơ, trong đó mỗi cấp là một bộ phận cấu thành không thể thiếu, có vai trò và chức năng riêng biệt nhưng liên kết chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau.
Cấp Trung ương đóng vai trò "bộ não", chịu trách nhiệm hoạch định đường lối, chiến lược quốc gia, ban hành chính sách, pháp luật khung, quản lý vĩ mô nền kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Quyết sách ở cấp này mang tính định hướng, bao quát toàn cục.
Cấp tỉnh là "cánh tay nối dài" trực tiếp của Trung ương tại địa phương, có nhiệm vụ cụ thể hóa, tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế; quản lý các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn; điều phối nguồn lực; ban hành các quy định, quyết định mang tính địa phương.
Cấp huyện là cấp trung gian, kết nối giữa tỉnh và xã, trực tiếp quản lý nhà nước trên địa bàn theo phân cấp, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của cấp xã.
Cấp xã là cấp cơ sở trực tiếp triển khai thực hiện pháp luật, chính sách; giải quyết các thủ tục hành chính hàng ngày; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mâu thuẫn trong cộng đồng; tuyên truyền, vận động nhân dân; tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở. Họ là cầu nối trực tiếp nhất giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Sự thành công của một chính sách không chỉ phụ thuộc vào tầm nhìn ở Trung ương mà còn quyết định bởi năng lực triển khai ở tỉnh và đặc biệt là sự thông suốt, hiệu quả ở cấp xã. Một chính sách dù tốt đẹp đến đâu cũng sẽ thất bại nếu cấp xã yếu kém, thiếu năng lực, thiếu nhiệt tình hoặc thông tin phản hồi từ cơ sở không được cấp trên lắng nghe, tiếp thu để điều chỉnh kịp thời. Ngược lại, những sáng kiến, kinh nghiệm hay từ thực tiễn cơ sở nếu không được cấp tỉnh, Trung ương tổng kết, nhân rộng thì cũng khó phát huy tác dụng trên diện rộng. Do đó, coi nhẹ vai trò của bất kỳ cấp nào, đặc biệt là cấp xã, chẳng khác nào tự làm suy yếu nền tảng của cả hệ thống. Có những cán bộ Trung ương với tầm nhìn chiến lược, năng lực hoạch định xuất sắc. Nhưng cũng có những cán bộ xã am hiểu sâu sắc địa bàn, có kỹ năng dân vận khéo léo, giải quyết vấn đề thực tiễn nhạy bén, được dân tin yêu, tín nhiệm. Ngược lại, tình trạng quan liêu, xa dân, năng lực hạn chế, thiếu trách nhiệm, thậm chí tham nhũng, tiêu cực có thể xảy ra ở bất kỳ cấp nào. Đã có không ít vụ việc cán bộ cấp cao vi phạm pháp luật gây rúng động dư luận, trong khi cũng có vô vàn tấm gương cán bộ cơ sở âm thầm cống hiến, hy sinh vì cộng đồng.
Giá trị thực sự của một cán bộ phải được đo bằng kết quả công việc cụ thể, bằng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, bằng đóng góp thực tế vào sự phát triển của địa phương, đất nước, chứ không phải bằng chức danh hay nơi làm việc. Một quyết định sai lầm ở cấp Trung ương có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người, nhưng sự tắc trách của một cán bộ xã trong việc giải quyết một thủ tục hành chính nhỏ cũng có thể gây bức xúc, làm suy giảm niềm tin của người dân vào chính quyền ngay tại nơi họ sinh sống. Vì vậy, việc tồn tại tâm lý hoặc hành vi phân biệt đối xử giữa cán bộ các cấp gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Để xây dựng một nền hành chính công thực sự mạnh mẽ, hiệu quả và vì dân, cần phải loại bỏ tư duy phân biệt đối xử dựa trên cấp hành chính. Thay vào đó, chúng ta cần tập trung vào việc xây dựng môi trường làm việc nơi cán bộ ở mọi cấp đều được tôn trọng như nhau dựa trên vai trò và đóng góp của mình. Cấp trên cần lắng nghe, thấu hiểu khó khăn của cấp dưới. Cấp dưới cần chủ động, trách nhiệm trong thực thi và phản hồi thông tin.
Mặt khác cần đánh giá cán bộ dựa trên tiêu chuẩn khách quan. Đó là tập trung vào năng lực thực tế, phẩm chất đạo đức, kết quả công việc và mức độ hài lòng của người dân làm thước đo chính. Quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt cần dựa trên thực tài, không phân biệt nguồn gốc công tác.
Ngoài ra, theo tôi cần chú trọng trong công tác tăng cường luân chuyển cán bộ. Việc luân chuyển cán bộ giữa các cấp, các địa bàn giúp cán bộ có cái nhìn toàn diện hơn, thấu hiểu thực tiễn đa dạng, xóa bỏ định kiến và tăng cường sự đồng cảm, gắn kết giữa các cấp.
Cán bộ Trung ương, tỉnh hay xã, dù ở vị trí nào, cũng đều là những mắt xích quan trọng không thể thiếu trong cỗ máy hành chính quốc gia. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá giá trị của mỗi cán bộ dựa trên năng lực, phẩm chất và kết quả công việc thực tế, xây dựng một môi trường công vụ thực sự bình đẳng, tôn trọng và hợp tác. Đó mới là nền tảng vững chắc cho một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân.