Cán bộ chấm thi THPT phải đúng vai, thuộc bài, không sáng tạo

Để đảm bảo chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra đúng quy chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các ban chấm thi phải thực hiện nghiêm quy trình chấm, đúng vai, thuộc bài, không sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc kiểm tra chấm thi tại Hưng Yên. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc kiểm tra chấm thi tại Hưng Yên. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Thực hiện nghiêm ngặt quy trình chấm thi, đảm bảo việc chấm thi chính xác, khách quan, công bằng, nghiêm túc, đúng tiến độ là yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các hội đồng chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Siết chặt an ninh

Ngay sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, từ ngày 10/7, các ban chấm thi đã bắt đầu làm việc. Để đảm bảo công tác chấm thi diễn ra đúng quy chế, những ngày qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động chấm thi của một số địa phương.

Ghi nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy ban chỉ đạo thi các địa phương đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, cơ sở vật chất, bố trí khu vực riêng biệt phục vụ công tác chấm thi.

Tại Đà Nẵng, năm nay thành phố có gần 12.700 thí sinh dự thi. Đà Nẵng đã huy động hơn 2.700 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi. Trong đó ban chấm thi tự luận có 149 thành viên, ban chấm thi trắc nghiệm có 26 thành viên. Khu vực làm phách, khu vực chấm thi được bố trí cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc phương tiện kỹ thuật đảm bảo an ninh, an toàn theo quy định; có công an bảo vệ, cán bộ giám sát, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, công tác phòng chống dịch bệnh và dự phòng các tình huống bất thường khác.

Tại Bắc Giang, ban chấm thi tự luận được bố trí gồm 202 thành viên, ban chấm thi trắc nghiệm có 21 thành viên. Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết các ban đã và đang làm nhiệm vụ theo đúng quy chế. Ban chỉ đạo thi đã giao nhiệm vụ, trách nhiệm đến từng cá nhân tham gia lực lượng trực, bảo vệ, giám sát phòng bảo quản bài thi, chấm thi ở cả hai khu vực chấm thi tự luận và chấm thi trắc nghiệm, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, đúng quy chế thi và văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, các bài thi tự luận sẽ được chấm kiểm tra ít nhất 5% tổng số lượng bài thi. Khu vực chấm trắc nghiệm được bố trí một phòng thực hiện việc bảo quản bài thi trắc nghiệm, chấm thi trắc nghiệm; được lắp đặt camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động bên trong phòng 24 giờ/ngày, bố trí các hòm tôn chắc chắn có khóa để bảo quản bài thi. Hệ thống phương tiện, thiết bị chuẩn bị cho công tác chấm thi trắc nghiệm gồm 4 máy quét, 5 máy tính có cấu hình đáp ứng đầy đủ yêu cầu nghiệp vụ chấm bài thi trắc nghiệm.

Tại Hòa Bình, các địa điểm chấm thi được lựa chọn trên nguyên tắc an toàn, bảo mật. Chấm thi trắc nghiệm và tự luận được phân thành hai khu biệt lập. Các phòng chấm thi và bảo quản bài thi đều có camera an ninh giám sát (không có kết nối Internet) ghi hình toàn bộ hoạt động trong phòng. Khu vực chấm được bố trí bộ lưu điện dự phòng, dung lượng lưu trữ tối thiểu là 21 ngày cùng các thiết bị, máy móc đảm bảo an toàn, phòng chống cháy, nổ, lụt, bão.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác an ninh tại điểm chấm thi ở Đà Nẵng. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác an ninh tại điểm chấm thi ở Đà Nẵng. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Kim Tuyến, việc bố trí nhân sự phục vụ công tác chấm thi được địa phương này tuyển chọn kỹ lưỡng. Theo đó, những người tham gia phải đảm bảo có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và đảm bảo các tiêu chuẩn điều kiện của Quy chế thi.

Con người là yếu tố then chốt

Đánh giá cao công tác tổ chức chấm thi tại các địa phương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh mục tiêu của kỳ thi là nghiêm túc, công bằng, chính xác, khách quan, trung thực, phản ánh đúng kết quả của học sinh.

Kiểm tra thi tại Quảng Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị ban chấm thi thực hiện nghiêm ngặt quy trình chấm, trong đó lưu ý tới khâu kiểm tra giám sát quy trình, thống nhất điểm, quy trình chấm hai vòng độc lập, vòng chấm thống nhất điểm.

“Các thầy cô cố gắng chấm đều tay để giữa giám khảo 1 và giám khảo 2 không có độ chênh lệch. Để làm được điều đó, người chấm phải thuộc đáp án, có tinh thần trách nhiệm cao, chấm nghiêm túc chặt chẽ,” ông Độ nói.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng các thầy cô trong ban chấm thi sẽ chịu sức ép từ hội đồng chấm phúc khảo. Vì thế, cần chấm thi chính xác, công bằng để không thiệt thòi cho thí sinh.

Chấm thi nghiêm túc, chính xác, công bằng cũng là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn với các ban chấm thi của hội đồng thi tỉnh Bắc Giang. Xác định yếu tố nhân sự có vai trò then chốt ở tất cả các khâu, ông Sơn cho rằng quy trình do con người xây dựng và vì vậy cũng có thể bị con người phá vỡ. Quy trình chấm, quy chế chặt chẽ nhưng yếu tố con người lỏng lẻo thì sai sót vẫn có thể xảy ra.

Theo đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý ban chỉ đạo thi tỉnh Bắc Giang cần tăng cường công tác giám sát để nâng cao tính khách quan, công bằng của kỳ thi, ngăn chặn, phòng tránh sai sót.

Cũng lưu ý đến yếu tố con người, kiểm tra công tác chấm thi tại Thái Bình và Hưng Yên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Để đảm bảo một kỳ thi công bằng, nghiêm túc, mỗi cán bộ tham gia từng khâu của quá trình chấm thi phải đúng vai, thuộc bài, không sáng tạo trong quá trình thực thi công việc. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các ban chỉ đạo thi tạo điều kiện tốt nhất cho các cán bộ ban chấm thi làm việc hiệu quả.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các hội đồng thi trên cả nước sẽ đồng loạt công bố kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 vào ngày 24/7. Công tác xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông hoàn thành chậm nhất ngày 26/7./.

Hà An (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/can-bo-cham-thi-thpt-phai-dung-vai-thuoc-bai-khong-sang-tao/805730.vnp