Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi: Vượt lũ dữ cứu đồng bào
Bất chấp hiểm nguy, những ngày qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi tích cực giúp dân trong 'vùng vây' mưa lũ.
Các anh đã khẩn trương cơ động về các khu vực trũng thấp, ngập sâu phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực sơ tán nhân dân đến nơi tránh trú; tổ chức lực lượng tiếp tế lương thực, thực phẩm, kê đặt tài sản, hoa màu, vật nuôi giúp các hộ dân.
Cùng với đó là tuần tra, chốt chặn bảo đảm an ninh, an toàn địa bàn; cắm biển cảnh báo, kịp thời cứu kéo, hỗ trợ hàng nghìn phương tiện trên các trục đường.
Giữa mênh mông biển nước, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và những chiến sĩ sao vuông sẵn sàng xả thân cứu giúp nhân dân đã để lại ấn tượng, tình cảm sâu sắc trong lòng người dân vùng lũ.
Tại các xã Hành tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Dũng, Hành Đức và một số khu dân cư trũng thấp ở thị trấn Chợ Chùa (huyện Nghĩa Hành), trước khi nước lũ dâng cao, bộ đội, dân quân đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng tổ chức sơ tán được gần 300 người dân, cùng rất nhiều trâu bò, tài sản, vật nuôi đến nơi tránh trú an toàn.
Trưa 23-10, nhận được tin báo có một người dân ở thôn An Hòa (xã Hành Dũng) trong lúc đi vớt rác trên sông Phước Giang đã không may bị nước lũ cuốn trôi, Trung tá Kiều Duy Bình, Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Nghĩa Hành cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ, dân quân khẩn trương cơ động đến hiện trường triển khai phương án tìm kiếm, cứu hộ.
Tuy nhiên, do nước lũ dâng cao, chảy xiết, công tác cứu hộ gặp phải rất nhiều khó khăn.
Đồng chí Võ Duy Thành, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hành Dũng cho biết: Tâm lý của người dân thường không muốn đi sơ tán tập trung, bởi còn lo lắng chuyện nhà cửa, vật nuôi. Do đó, trước mùa mưa bão, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và chủ động liên hệ với các hộ gia đình có nhà ở kiên cố nằm trong khu vực ít có nguy cơ ngập úng, đề nghị họ hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trong vùng đến tránh trú trong trường hợp cần thiết.
Nhờ cách làm này, đêm 22-10, chỉ trong một thời gian ngắn, Ban CHQS xã và các lực lượng chức năng đã sơ tán được toàn bộ 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu cùng nhiều tài sản có giá trị kinh tế lớn ra khỏi khu vực trũng thấp, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra”.
Chiều 24-10, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Thượng tá Trần Minh Quân, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nghĩa Hành cho biết: “Hiện tại, lũ trên địa bàn đã bắt đầu rút chậm. Trong chiều và tối nay, chúng tôi sẽ phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, nắm bắt sơ bộ tình hình thiệt hại của bà con, đồng thời tổ chức tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những hộ dân gặp khó khăn, quyết tâm không để bất cứ người dân nào bị đói, bị rét vì mưa lũ”.
Sau hơn một ngày, một đêm bị chia cắt hoàn toàn, nhiều khu vực tại thôn Xuân Yên Tây và Liên Trì Tây (xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn) nước đã bắt đầu rút, song có nhiều đoạn trên tuyến đường liên xã vẫn bị ngập sâu trên 2m. Để đảm bảo an toàn, Ban CHQS xã đã triển khai 6 điểm chốt chặn, cảnh báo nguy hiểm, ngăn không cho người và các phương tiện lưu thông. Với chiếc ghe nhỏ trọng tải gần một tấn, những ngày qua, dưới sự chỉ huy của anh Lý Văn Lộc, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Bình Hiệp, các chiến sĩ đã chuyên chở được hàng trăm người dân từ những khu vực ngập úng đến nơi sơ tán, đồng thời đưa đón hàng chục người dân bị mắc kẹt trên các tuyến đường liên thôn, liên xã trở về nhà.
Nhìn anh Lý Xuân Ninh, Thôn đội trưởng Xuân Yên Tây, anh Nguyễn Siêu Việt, chiến sĩ dân quân cơ động và anh Võ Văn Thành, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Bình Hiệp xông xáo dầm mưa, lội nước cùng đồng đội đi cứu hộ, cấp phát mì tôm, nước uống cho các hộ dân nơi tâm lũ, ít ai biết gia đình các anh cũng nằm ở nơi trũng thấp và đang bị ngập sâu. Xác định cứu dân là mệnh lệnh trái tim, khi có lệnh các anh vẫn vui vẻ lên đường. Để tránh nhầm lẫn, thất lạc, quá trình sơ tán tài sản, vật nuôi của người dân, toàn bộ trâu bò, gà lợn đều được các anh dùng sơn đỏ, sơn xanh đánh dấu theo những ký hiệu riêng.
Tại “rốn lũ” Bình Thuận (Bình Sơn), sau khi di dời được toàn bộ người dân Đội 2 (thôn Đông Lỗ), anh Ngô Hồng Hưng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã và các chiến sĩ tiếp tục ở lại tiến hành gia cố nhà cửa, kê đặt giường chiếu, xe máy, xe đạp, ti vi, tủ lạnh, thóc lúa của bà con lên gác, lên xà. Từ chiều tối đến nửa đêm, các anh đã huy động hàng chục lượt thuyền thúng, thuyền nhôm hỗ trợ vợ chồng ông Phan Dương (54 tuổi) di dời toàn bộ đàn heo gần 40 con lên khu vực đồi cao. Giữa mênh mông biển nước, ông Phan Dương xúc động: “Đàn heo này cả tất cả cơ ngơi, tài sản của vợ chồng tôi. Hai tuần nay, giá heo hơi xuống thấp nên vợ chồng tôi ngần ngừ chưa muốn bán. Nào ngờ đợt này, lũ tràn về nhanh quá, trong phút chốc đã ngập cả nóc nhà. Nếu không có các chiến sĩ hỗ trợ, có lẽ gia đình tôi đã trắng tay”.
Theo dự báo, trong những ngày tới, tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi tiếp tục diễn biến phức tạp, trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền và LLVT địa phương đã chủ động làm tốt mọi công tác chuẩn bị để sẵn sàng cơ động lực lượng, phương tiện ứng cứu nhân dân. Trong hiểm nguy, giông bão, cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân luôn là điểm tựa vững vàng của mỗi người dân.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG