Cán bộ có đơn tự nguyện xin nghỉ cũng phải đánh giá, rà soát
Với cán bộ tự nguyện xin nghỉ việc, Bộ Nội vụ yêu cầu cũng phải đánh giá và rà soát theo tiêu chí để xác định có phải đối tượng nghỉ theo quy định.
Xác định tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng trợ cấp
Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi bộ, ngành, địa phương hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 178/2024 và Nghị định số 67/2025 của Chính phủ về chính sách, chế độ với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị.
Liên quan đến tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, theo Bộ Nội vụ, Nghị định số 178 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67) đã ban hành nguyên tắc, tiêu chí chung để làm cơ sở áp dụng thống nhất cho các bộ, ngành, địa phương.
Vậy nên, căn cứ đặc điểm tình hình và thực tiễn, các bộ, ngành, địa phương xây dựng tiêu chí riêng để áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi.
Đối với các trường hợp có đơn tự nguyện xin nghỉ việc cũng phải thực hiện đánh giá và rà soát theo tiêu chí để xác định đối tượng nghỉ theo quy định tại Nghị định số 178/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025).

Xác định tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng trợ cấp.
Về xác định tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng trợ cấp, Bộ Nội vụ cho biết, khoản 6 Điều 5 Nghị định số 178/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025) và điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư số 01/2025 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 02/2025) đã quy định rõ tiền lương hiện hưởng và các khoản phụ cấp để tính tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ quy định tại Nghị định số 178/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025).
Theo đó, các khoản phụ cấp khác (phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp trách nhiệm cấp ủy, phụ cấp trách nhiệm kế toán trưởng...) không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng.
Căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định số 178/2024 và khoản 6 Điều 5 Nghị định số 178/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025) thì phụ cấp chức vụ lãnh đạo được bảo lưu được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng.
Bộ Nội vụ nêu ví dụ: Ông Nguyễn Văn A, công chức, xếp bậc 4, hệ số lương 5,42 ngạch chuyên viên chính, được hưởng các chế độ phụ cấp sau: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,4; phụ cấp công vụ 25%, phụ cấp trách nhiệm cấp ủy 0,3; phụ cấp khu vực 0,2.
Tiền lương tháng hiện hưởng tính chính sách, chế độ của ông A được tính trên cơ sở các chế độ phụ cấp sau: phụ cấp chức vụ lãnh đạo 0,4; phụ cấp công vụ 25% là 17.023.500 đồng/tháng (phụ cấp trách nhiệm cấp ủy 0,4, phụ cấp khu vực 0,2 không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng).
Đối với các trường hợp nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau thì tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề của tháng trước khi nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau.
Riêng mức lương cơ sở được tính toán trên mức lương liền kề của tháng trước liền kề tháng nghỉ việc theo Nghị định số 178/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025).
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn B, viên chức (xếp bậc 3 hệ số 3,00 ngạch chuyên viên) xin nghỉ việc không hưởng lương từ 1/6/2024 (mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng).
Ông B xin thôi việc từ ngày 1/4/2025 do cơ quan trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và được cơ quan có thẩm quyền đồng ý.
Tiền lương tháng hiện hưởng để tính chính sách, chế độ của ông B được tính trên hệ số lương 3,00 ngạch chuyên viên từ tháng 5.2024, mức lương cơ sở được tính trên mức lương cơ sở của tháng 3.2025 là 2.340.000 đồng/tháng. Tiền lương tháng hiện hưởng để tính chính sách, chế độ của ông B là 7.020.000 đồng/tháng.
Đối tượng được thụ hưởng chế độ
Ngoài ra, hướng dẫn của Bộ Nội vụ nêu chi tiết 8 nhóm đối tượng thụ hưởng chế độ, chính sách trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Cụ thể, thứ nhất, đối tượng áp dụng chính sách, chế độ theo Nghị định số 178 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67) được thực hiện thống nhất theo quy định tại Điều 2, không loại trừ những người đã có quyết định nghỉ hưu hoặc đã có thông báo nghỉ hưu.
Bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và lực lượng vũ trang do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp.

8 nhóm đối tượng thụ hưởng chế độ, chính sách trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thứ hai, nếu việc sắp xếp lại làm cho số lượng lãnh đạo ở một cấp nào đó nhiều hơn quy định, thì những cán bộ quản lý này sẽ thuộc diện được xét nghỉ hưu trước tuổi. Điều này áp dụng cả khi họ đã có quyết định hoặc thông báo về việc nghỉ hưu trước đó.
Thứ ba, nhân viên hợp đồng đang làm việc theo hợp đồng lao động tại các cơ quan, đơn vị bị sắp xếp lại, và hợp đồng của họ được ký trước ngày 15/1/2019 và sau đó được ký tiếp.
Thứ tư, cán bộ cấp huyện thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 178 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67) thì thời điểm nghỉ việc để hưởng chính sách, chế độ được tính kể từ khi cấp huyện kết thúc hoạt động theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Thứ năm, cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghỉ việc sau ngày 1/1/2025 thì thuộc đối tượng áp dụng.
Thứ sáu, viên chức và người lao động chịu sự tác động trực tiếp của việc chuyển nhiệm vụ quản lý Nhà nước về cai nghiện ma túy và sau cai nghiện ma túy từ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về ngành Công an quản lý nhưng không được Bộ Công an tiếp nhận, không bố trí được công việc khác và có nguyện vọng nghỉ việc thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết chính sách, chế độ theo quy định.
Bảy là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tám là người làm việc tại các hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện sáp nhập, trong độ tuổi lao động có quyết định của cơ quan có thẩm quyền điều động đến làm việc tại hội và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của hội.