Cán bộ cơ sở cùng nhau phản biện, giải thích về công tác chứng thực

Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 3-3-2020 và Quyết định số 1329/QĐ-BTP ngày 1-6-2020 ra đời có nhiều điểm mới dẫn đến quá trình thực hiện gặp lúng túng trong một số trường hợp. Từ thực tiễn đó, Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về Thông tư và Quyết định nêu trên cho các cán bộ chuyên trách thuộc địa bàn các quận, huyện tại TP Hà Nội.

Thông tư số 01 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ về chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký; phê duyệt danh sách cộng tác viên dịch thuật, chứng thực hợp đồng, giao dịch và thẩm quyền chứng thực tại các huyện đảo; cụ thể là các quy định về giải quyết yêu cầu chứng thực; ban hành và sử dụng mẫu lời chứng chứng thực; cách ghi số chứng thực; lưu trữ giấy tờ, văn bản khi chứng thực chữ ký, chứng thực chữ ký người dịch; về yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với một số giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp; giá trị pháp lý của giấy tờ, văn bản đã được chứng thực không đúng quy định pháp luật; trách nhiệm khi tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông; trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực. …

Cán bộ tham gia buổi tập huấn về Thông tư 01 và Quyết định 1329. Ảnh: L.A

Cán bộ tham gia buổi tập huấn về Thông tư 01 và Quyết định 1329. Ảnh: L.A

Quyết định số 1329 về việc công bố TTHC sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng của Bộ Tư pháp quy định rõ về danh mục TTHC được sửa đổi, bổ sung; TTHC tại cơ quan đại diện, tại cấp huyện, cấp xã; danh mục TTHC bị bãi bỏ; nội dung cụ thể của từng TTHC được sửa đổi trong lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.

Cũng giống các buổi tập huấn trước, báo cáo viên Lê Thị Tú Hồng, Trưởng phòng Quản lý chứng thực, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực- Bộ Tư pháp đã phân tích những điểm mới của Thông tư 01; giải thích rõ các TTHC được sửa đổi, bổ sung trong Quyết định 1329; đồng thời ghi nhận tất cả các câu hỏi thắc mắc của cán bộ chuyên môn ở địa bàn cơ sở. Để các cán bộ nắm chắc vấn đề, báo cáo viên đã để chính những cán bộ trao đổi đối chứng, phản biện với nhau về các vấn đề họ gặp phải, đang thắc mắc và báo cáo viên là người giải đáp, chốt lại vấn đề; nhấn mạnh những điểm cần lưu ý để cán bộ cùng nắm rõ.

Những vấn đề thường gặp tưởng chừng đơn giản nhưng rất dễ nhầm lẫn như: đối với những văn bằng, chứng chỉ có ảnh bị nhòe, mờ do bảo quản có chứng thực được không? Câu trả lời là vẫn tiến hành chứng thực được trên cơ sở đối chiếu các thông tin trên văn bằng với giấy tờ gốc.

Những câu hỏi liên quan đến hợp đồng thuê nhà ở, khổ giấy trong chứng thực, lệ phí chứng thực, thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực di chúc viết tay… là những vấn đề được nêu ra tại hội nghị và đều nhận được câu trả lời thỏa đáng. Bên cạnh đó, vấn đề đối với bản chính, chữ ký điện tử, dấu tươi có chứng thực được không cũng được báo cáo viên hướng dẫn, phân tích đầy đủ để cán bộ hiểu và có cách làm đúng khi gặp trong thực tế.

Ngoài việc giải thích về Thông tư 01, Quyết định 1329, báo cáo viên còn dành thời gian phân tích về Nghị định 45/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; trong đó có nội dung chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Vấn đề này yêu cầu địa bàn ứng dụng công nghệ cao và đồng bộ về giấy tờ, hồ sơ, thủ tục ngay từ cấp cơ sở. Hiện nay, việc ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC ở mức độ 3, 4 là một trong những nội dung nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Nam Du

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-bo-co-so-cung-nhau-phan-bien-giai-thich-ve-cong-tac-chung-thuc-203718.html