Cán bộ, công chức hãy nêu gương

Nói đến hậu quả của việc uống nhiều bia rượu, trong đó có vấn đề an toàn giao thông (ATGT) hẳn ai cũng biết, nhất là đối với cán bộ, công chức. Đã có nhiều văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương về việc cấm uống rượu, bia trong, trước giờ làm việc, song tình trạng vi phạm vẫn diễn ra ở không ít cơ quan, đơn vị… Thực tế này đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp quyết liệt, đặc biệt trong đó vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cần được đề cao...

Tại các nhà hàng, quán bia, buổi trưa cũng như buổi tối các ngày trong tuần, không khó để bắt gặp công chức, viên chức uống bia, rượu, sau đó tự mình lái xe ra về.

Tại các nhà hàng, quán bia, buổi trưa cũng như buổi tối các ngày trong tuần, không khó để bắt gặp công chức, viên chức uống bia, rượu, sau đó tự mình lái xe ra về.

Cấm... vẫn uống

Từ năm 2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/Tu về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn hóa và phòng, chống tệ nạn xã hội. Tiếp đến, thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TT ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9/9/2016, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 20/CTUBND về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái nguyên, trong đó nêu rõ “Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực…”.

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng cán bộ công chức, viên chức sử dụng bia rượu hiện vẫn diễn ra khá phổ biến, mặc dù so với trước có giảm hơn nhưng việc giảm hơn này là do người uống sợ bị Cảnh sát Giao thông thổi nồng độ cồn, chứ không phải vì bị cơ quan kỷ luật, hạ thi đua. Và trên thực tế, số cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý, kỷ luật do uống bia rượu trước, trong giờ làm việc trên địa bàn tỉnh hầu như không có.

Những chia sẻ đáng suy nghĩ

Khi đặt câu hỏi anh, chị có thích uống bia, rượu không thì đại đa số câu trả lời là không, thậm chí là “rất sợ”, nhất là với rượu!? nhưng khi ngồi vào mâm, thì tình trạng “ép rượu” lại trở thành “thương hiệu” của một bộ phận công chức, viên chức. nhiều người dù đang mang bệnh, phải kiêng bia rượu, nhưng vì ngoại giao đi tiếp khách nên tặc lưỡi. nhìn nhận ở góc độ khác, có một thực tế đáng buồn là nhiều người không dám hoặc không muốn phấn đấu để vào các vị trí lãnh đạo chỉ vì không uống được rượu.

Anh Trần Mạnh Hưng, cán bộ một sở nọ tâm sự: Sếp trưởng tôi là người uống được rượu nên khi cơ quan tổ chức liên hoan hay tiếp khách, cán bộ nào mà không sang mâm mời là đều bị sếp ý kiến. Uống theo khả năng nhiều anh em còn không ngại, nhưng đã mời sếp thì phải hết. Có khi uống chung rồi lại uống riêng. Tôi cho rằng, “văn hóa” uống rượu cần phải thay đổi và nên bắt đầu từ người đứng đầu.

Còn theo bà Nguyễn Minh Hà, phường Gia Sàng (T.P Thái nguyên), nguyên là cán bộ một cơ quan của tỉnh thì: Tôi lấy làm lạ với cách ép nhau uống rượu trong giới công chức, viên chức. Khi còn công tác, chỉ vì sợ uống rượu mà tôi đã xin không làm chánh văn phòng. Chẳng biết từ đâu mà nhiều người lại có quan niệm “nam vô tửu như cờ vô phong” hay “phi tửu bất thành cỗ”… để rồi khiến nhiều người vin vào cớ đó kích động, ép buộc người khác uống rượu. Tôi có anh bạn, đi ăn cỗ cưới bị các đồng nghiệp ép uống nhiều rượu nên khi ra về đã đâm thẳng vào đuôi xe tải, dẫn đến tử vong. Tôi cho rằng, ép người khác uống rượu cũng là tội ác.

Ý kiến từ lực lượng chức năng

Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), từ năm 2017 đến hết tháng 9-2019, toàn tỉnh xảy ra 446 vụ TNGT, làm chết 190 người, bị thương 381 người, ước tính thiệt hại trên 5 tỷ đồng. Còn theo thống kê của Công an T.P Thái nguyên, cũng trong khoảng thời gian trên, Công an Thành phố đã tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự ATGT 23.788 trường hợp, trong đó, vi phạm liên quan đến nồng độ cồn là 1.259 trường hợp; xảy ra 184 vụ TNGT, làm chết 49 người, bị thương 166 người, trong đó có 3 vụ liên quan đến nồng độ cồn, làm 1 người chết, 5 người bị thương.

Nếu nhìn vào con số này thì nhiều người sẽ nhầm tưởng số người có nồng độ cồn tham gia giao thông cũng như gây tai nạn không đáng kể so với tổng số vi phạm. Nhưng thực tế lại không phải vậy. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những trường hợp người gây tai nạn bị chết, thì lực lượng chức năng không thể kiểm tra được nồng độ cồn nên không có con số thống kê. Còn đối với việc kiểm tra nồng độ cồn các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT cũng không đơn giản. họ thường có thái độ bất hợp tác, thậm chí chống đối; có trường hợp còn nhanh chóng đổi chỗ cho người ngồi bên để tránh việc kiểm tra, xử lý. Vì nếu bị xử lý, mức phạt là rất cao (từ 2,5 đến 18 triệu đồng), còn nếu gây tai nạn thì đó sẽ là tình tiết tăng nặng (có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù giam).

Theo Đại úy Đào Đình Huệ, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an T.P Thái nguyên: Trong số các trường hợp vi phạm, qua nắm bắt và cảm nhận, có thể nói, đối tượng công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông chiếm tỷ lệ không nhỏ. Tuy nhiên, do người vi phạm sợ bị báo về cơ quan nên đại đa số đều khai là lao động tự do và sai địa chỉ cư trú.

Đã được "Luật hóa"

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo đó, nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức… uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Ngoài ra, một số hành vi sau cũng sẽ bị nghiêm cấm: Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia… Đây được xem là yếu tố quan trọng giúp thay đổi thói quen được cho là không tích cực của đại đa số người Việt nam, nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức”...

Thiết nghĩ, mỗi người trong chúng ta, nhất là đội ngũ công chức, viên chức - những người có tác động rất lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội cần nhìn nhận một cách nghiêm túc, đúng đắn những tác hại của loại đồ uống có cồn này đối với sức khỏe của chính mình và các hệ lụy có thể gây ra cho xã hội. hãy sử dụng bia, rượu một cách có văn minh, văn hóa, cũng là để không vi phạm Luật. Từng cơ quan, đơn vị cũng hãy nghiêm túc hơn trong việc thực hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, trong đó vai trò người đứng đầu nhất thiết phải được đề cao, tránh việc bao che, dung túng. Đối với lực lượng chức năng, việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm cũng phải tiếp tục được chú trọng…

Thu Hằng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-thong/can-bo-cong-chuc-hay-neu-guong-267251-103.html