Cán bộ, công chức nghỉ việc: Lương thấp, mệt mỏi vì áp lực công việc
Lương thấp, công việc quá tải, áp lực là một trong những nguyên nhân chính khiến cán bộ, công chức, viên chức, quyết định rời khỏi bộ máy Nhà nước.
Sau khi ra trường, anh Nguyễn Văn Nam (tên nhân vật đã thay đổi) làm Phó Bí thư Đoàn tại một phường thuộc TP Thủ Đức (TP.HCM). Qua nhiều năm phấn đấu, cống hiến, anh Nam được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch phường. Nhiệt huyết và tận tâm với công việc nhưng sau hơn 11 năm công tác, đầu tháng 10/2021, anh Nam quyết định viết đơn xin nghỉ việc, rời khỏi cương vị Phó Chủ tịch UBND phường.
Đề cập lý do “dứt áo ra đi”, anh Nam cho biết, có 3 nguyên nhân chính là thu nhập, áp lực công việc và môi trường làm việc.
Không chịu nổi áp lực
Theo anh Nam, dù giờ làm việc tại cơ quan từ 7h30 đến 17h, thế nhưng, vì khối lượng công việc quá nhiều nên chưa hôm nào anh có thể về nhà trước 20h. Suốt những năm qua, bữa tối bình dị cùng gia đình trở nên xa xỉ đối với anh. Thậm chí đến cuối tuần, anh Nam cũng chỉ ở nhà được vài tiếng, sau đó lại có mặt tại cơ quan để tiếp tục tăng ca, giải quyết “núi” công việc còn dang dở. Đặc biệt, trong khoảng thời gian dịch COVID-19 bùng phát, anh cùng đồng nghiệp phải túc trực, làm việc không kể đêm ngày.
Mệt mỏi, áp lực luôn thường trực nhưng mức thu nhập hàng tháng lại thấp đến mức kinh ngạc. Anh Nam thẳng thắn chia sẻ: “Công tác hơn chục năm, tổng thu nhập hàng tháng của tôi dao động từ 6 đến 6,5 triệu đồng, mà còn phải chi tiền xăng xe đi lại, rồi tiền gọi điện thoại cho người dân… Với mức lương này, tôi lo cho nhu cầu của mình còn không đủ, huống chi là lo cho gia đình”.
Khi được hỏi về chuyện gia đình, anh Nam chỉ cười trừ rồi lắc đầu. Người đàn ông này tâm sự, vì tính chất công việc bận rộn lại thêm thu nhập “ba cọc ba đồng” nên bao năm qua vẫn chịu cảnh độc thân vì khó tìm được người yêu. Ở độ tuổi 34, trong khi bạn bè xung quanh đã yên bề gia thất, việc lấy vợ, kết hôn lại là câu chuyện khá xa xôi với người đàn ông này.
Nhận ra bản thân dần “nản” và khó đủ sức lực gồng gánh công việc, sau bao băn khoăn, trăn trở, anh Nam buộc lòng viết đơn xin nghỉ để tìm cơ hội phát triển mới.
“Rời khỏi nơi đã gắn bó hơn chục năm, tôi buồn và tiếc lắm. Nhưng cuộc sống mà, làm không đủ sống, môi trường không còn thoải mái, không đem lại cho mình niềm vui, sự chia sẻ thì đành thôi vậy”, anh Nam tâm sự.
Sau đó, anh đầu quân cho một công ty tư nhân với mức lương gấp đôi, chưa kể tiền thưởng tháng, quý. Thu nhập này chưa cao nhưng cũng đủ để anh trang trải cuộc sống hàng ngày, tặng ba mẹ vài món quà nhỏ, thậm chí là tiết kiệm để lo cho tương lai.
Với công việc mới, anh Nam cũng có thêm thời gian để chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất. Những bữa ăn vội, cơm hộp văn phòng ngày nào đã thay đổi thành chế độ ăn "healthy", đầy đủ chất dinh dưỡng. Bệnh đau đầu, đau vai gáy dai dẳng cũng dần thuyên giảm khi anh có thời gian tập thể dục, chơi thể thao. Những ngày cuối tuần, đêm muộn tăng ca giờ đây đã thành cuộc hẹn vui chơi, giải trí cùng người thân, bạn bè. Quan trọng là anh cảm thấy cuộc sống "dễ thở" hơn nhiều so với trước.
“Người thấy rõ sự thay đổi của tôi nhất có lẽ là gia đình. Mọi người đều bảo tinh thần tôi tích cực, vui vẻ hơn rất nhiều. Thậm chí, tôi còn có thêm thời gian rảnh để đi du lịch, khám phá và học thêm kiến thức mới. Nếu phát hiện điều này sớm hơn, tôi sẽ có đủ can đảm, quyết tâm để nghỉ việc từ trước đó”, anh Nam bộc bạch.
Trước thực trạng hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức TP.HCM xin nghỉ việc, chuyển công tác từ cơ quan Nhà nước sang khu vực tư nhân, anh Nam cho rằng, các cơ quan ban ngành cần có chính sách mới phù hợp, đảm bảo công chức, viên chức sống được và sống tốt bằng lương, bởi “có thực mới vực được đạo”. Bên cạnh đó, môi trường làm việc thoải mái và “công bằng” hơn cũng là yếu tố giúp tình trạng "nhảy" việc có thể giảm bớt.
Anh nói: “Bản thân tôi may mắn vì nhà gần cơ quan cũ, gia đình động viên, hỗ trợ nhiều mới bám trụ được chục năm. Làm ở đâu cũng là phục vụ người dân, nhưng giữ chân được người giỏi, làm nhiều năm thì năng suất làm việc sẽ cao hơn vì họ nắm địa bàn, tình hình khu vực tốt”.
Yêu công việc nhưng phải dừng bước
Chị N.T.H., viên chức có nhiều năm công tác ở một phường trên địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM), cũng vừa quyết định khiến nhiều người tiếc nuối - nghỉ việc. Bởi sau hơn 8 năm phấn đấu, chị vẫn phải xoay xở, đánh vật với các khoản chi tiêu khi đồng lương quá ít ỏi.
“Vật giá leo thang, tiền đi chợ, ăn uống cho cả gia đình 3 bữa/ngày ít nhất cũng 200.000 đồng. Thêm tiền thuê nhà trọ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Còn tiền học phí cho con, điện, nước, internet, cưới xin, khám bệnh…, tính nhanh mỗi tháng đã hơn mười triệu đồng. Lương thì bao năm vẫn chỉ 6-7 triệu nên thật sự khó bám trụ nổi”, chị H. thở dài.
Phường rộng, dân cư đông nên dù cuối tuần, chị H. vẫn phải cố gắng tăng ca hoàn thành nốt phần việc trong ngày để chuẩn bị đối mặt khối lượng công việc đồ sộ đang chờ trong tuần mới. Nhà có hai con nhỏ nhưng vì quá bận nên chị cũng đành nhờ ông bà chăm sóc.
“Nhiều người quan niệm rằng làm việc trong cơ quan Nhà nước là “nhàn nhã, ổn định và vững chắc”. Nhưng thực tế thì ngược lại, vất vả và áp lực lắm. Tôi và đồng nghiệp vẫn hay nói vui với nhau, mình đi làm vì đam mê chứ không thì chẳng ai chọn công việc này cả”, chị H. tâm sự.
Sau nhiều đắn đo, khi tìm được việc tại một công ty tư nhân lương cao gấp 3 lần, lại có thời thời gian rảnh để lo cơm nước, vun vén cho gia đình, “như nắng hạn gặp mưa rào” chị H. quyết tâm thôi việc.
Chị cũng cho rằng, cần có chế độ tiền lương thỏa đáng hơn, đáp ứng được điều kiện sống để tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức an tâm làm việc, cống hiến.
Không chỉ vậy, sự thấu hiểu, chia sẻ từ cấp trên cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng môi trường làm việc thoải mái. Bởi theo chị, “khổ cũng đã khổ, cực cũng đã cực rồi, nhưng chỉ cần tinh thần vững thì sẽ vượt qua được hết”.
653 tiến sĩ, 4.018 thạc sĩ nghỉ việc ở khu vực công
Theo báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.
Trong đó ở bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người, chiếm 78,81%). Ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người, chiếm 92,22%).
Về sắp xếp theo trình độ đào tạo, báo cáo nêu có 653 tiến sĩ nghỉ việc, thôi việc, chiếm 1,65%. Bác sĩ chuyên khoa II có 133 người, chiếm 0,33%. Thạc sĩ có 4.018 người, chiếm 10,16%; bác sĩ chuyên khoa I có 1.066 người, chiếm 2,70%. Đại học có 19.637 người, chiếm 49,65%; cao đẳng có 6.027 người, chiếm 15,24%...
Theo độ tuổi từ 40 tuổi trở xuống, báo cáo nêu có 25.617 người, chiếm 64,77%; Từ 41-50 tuổi có 7.861 người, chiếm 19,87%...
Cũng theo thống kê, tỷ lệ nghỉ việc ở địa phương lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%) tập trung ở hai lĩnh vực Giáo dục và Y tế.
Cụ thể, ngành Giáo dục có 16.427 người nghỉ việc, chiếm 41,53% (ở bộ, ngành là 2.087 người và địa phương là 14.340 người). Ngành Y tế có 12.198 người nghỉ việc, chiếm tỷ lệ 30,84% (ở bộ, ngành là 1.015 người và địa phương là 11.183 người).