Cán bộ, công chức, sĩ quan không được đầu tư ra nước ngoài
Đây là nội dung trong dự thảo Nghị định Quy định về đầu tư ra nước ngoài đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến để hoàn thiện, trình Chính phủ trong tháng 10.
Chiều 5/10, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư góp ý của dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN).
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Ban soạn thảo Nghị định đã tiến hành họp và gửi lấy ý kiến của các bộ ngành đối với dự thảo nghị định này. Ban soạn thảo mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, bởi đây là những đối tượng chính sẽ thực thi và gắn bó nghị định này.
Ông Hoàng nhấn mạnh, quan điểm xây dựng nghị định là tạo sự thông thoáng tối đa nhất có thể cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. “Chúng tôi đang hướng tới đăng ký online, không nộp hồ sơ như hiện nay, nhưng do tạm thời chưa đáp ứng được nên đang thực hiện song song. Trong thời gian tới, các thông tin trên hệ thống sẽ được đồng bộ, doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ cần ở nhà cập nhật trực tiếp, thay cho việc nộp các bản giấy”, ông Hoàng cho hay.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, theo kế hoạch, Nghị định phải trình Chính phủ trong tháng 10, nên công tác lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo đang được triển khai một cách rất khẩn trương.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng (Ảnh: Minh Trang)
Giới thiệu một số điểm mới của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 liên quan đến ĐTRNN, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Vũ Văn Chung cho biết, các quy định về ĐTRNN được nêu cụ thể trong Chương V - Hoạt động đầu tư ra nước ngoài (Điều 51 đến Điều 68), Điều 73 về Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ở nước ngoài. So với Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đầu tư năm 2020 có 9 điểm mới.
Cụ thể là bổ sung định nghĩa về hoạt động ĐTRNN; sửa đổi các hình thức ĐTRNN; bổ sung quy định rõ hơn về ngành nghề cấm ĐTRNN và ĐTRNN có điều kiện; sửa đổi thành phần hồ sơ ĐTRNN thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư; sửa đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN; sửa đổi quy định các trường hợp phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN; sửa đổi quy định các trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN chấm dứt hiệu lực; sửa đổi quy định về gia hạn thời hạn chuyển lợi nhuận về nước; bổ sung điều khoản chuyển tiếp.
Trên cơ sở đó, đồng thời kế thừa Nghị định số 83/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài được giao chủ trì xây dựng Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài nhằm sửa đổi bổ sung một số quy định, từ đó tháo gỡ vướng mắc trong thực thi quy định về đầu tư ra nước ngoài thời gian qua.
Ông Chung cho biết, nghị định được xây dựng với mục tiêu bảo đảm huy động và phát huy có hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thống nhất, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động ĐTRNN phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam theo từng thời kỳ.
Các nội dung trong nghị định sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua tăng cường ứng dụng thông tin trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính và quản lý nhà nước, nhưng đồng thời tăng cường trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc chấp hành các quy định về đầu tư ra nước ngoài.
Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài (Ảnh: Minh Trang)
Theo dự thảo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng bước đầu, Nghị định dự kiến gồm 6 chương với 47 điều, trong đó sửa đổi 23 điều, bổ sung mới 7 điều, giữ nguyên 17 điều và bỏ 1 điều.
Đáng chú ý nhất trong đó là việc Nghị định bổ sung làm rõ các trường hợp cá nhân đầu tư ra nước ngoài tại Điều 2.
Dự thảo Nghị định đưa ra các trường hợp nhà đầu tư ĐTRNN gồm các tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã, liêp hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng, hộ kinh doanh, cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, các trường hợp cá nhân không được thực hiện hoạt động ĐTRNN gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp…; Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước; Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự/người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.