Cán bộ, công chức, viên chức được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc quy định lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc gồm: lực lượng vũ trang; lực lượng dân sự (là cán bộ, công chức, viên chức).
Chiều 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo. Ảnh: Hồng Thái
Tại buổi họp báo, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giới thiệu Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (Luật số 92/2025/QH15).
Theo đó, Luật gồm 5 chương với 27 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, chính sách và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về vị trí, chức năng, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn: tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là lực lượng được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chức năng của lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là duy trì, bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước; thực hiện nhất quán đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về đối ngoại, hội nhập quốc tế; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; thực hiện tham mưu về quy mô, lĩnh vực, hình thức và địa bàn tham gia; tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
Về hình thức, lĩnh vực tham gia: hình thức tham gia bao gồm cá nhân và đơn vị. Lĩnh vực tham gia bao gồm: Tham mưu, hậu cần, kỹ thuật; công binh, bộ binh, trinh sát, bảo vệ, vận tải, quân y, kiểm soát quân sự; quan sát viên quân sự; thông tin, liên lạc, truyền thông; cảnh sát; quan sát và giam sát bầu cử; hoạch định chính sách, y tế, luật pháp và các lĩnh vực dân sự khác.
Luật quy định lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc gồm: lực lượng vũ trang; lực lượng dân sự (là cán bộ, công chức, viên chức). Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được tuyển chọn từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và bộ, ban, ngành, địa phương theo quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn đối với lực lượng thuộc phạm vi quản lý của mình, đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc. Chính sách của Nhà nước về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đáp ứng yêu cầu hiện đại, chuyên nghiệp và phù hợp với tiêu chuẩn của Liên hợp quốc. Lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong thời gian làm nhiệm vụ ở nước ngoài được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và quy định của Liên hợp quốc.
Ngày 27/5 hằng năm là ngày truyền thống của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hồng Thái
Việt Nam đã cử hơn 1.100 cán bộ, nhân viên đến các phái bộ
Tại buổi họp báo, báo chí đặt câu hỏi đến lãnh đạo Bộ Quốc phòng về quy định mới của luật đó là cử lực lượng ngoài Quân đội, Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và chính sách cụ thể với lực lượng này.
Trả lời về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến cho biết, hiện nay tại các phái bộ nhu cầu về tái thiết là cơ bản, tức họ bị tàn phá sau chiến tranh, xung đột, thảm họa nên vấn đề về tái thiết hạ tầng, phục vụ cho đời sống người dân, hạ tầng rất quan trọng. Đây chính là nhu cầu để thực hiện việc này. Trong 11 năm qua, Việt Nam đã cử hơn 1.100 cán bộ, nhân viên theo 2 loại hình cá nhân, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đến các phái bộ.
Loại hình cá nhân thì đảm nhiệm vị trí quan sát viên, làm nhiệm vụ hậu cần, y tế, tham gia các vấn đề an sinh xã hôi. Loại hình đơn vị thì có các bệnh viện dã chiến cấp 2, đội công binh. Tới đây Bộ Công an sẽ cử lực lượng cảnh sát tham gia lực lượng cảnh sát của Liên Hợp Quốc. Đây là những vị trí rất cần thiết cho tái thiết ở địa bàn các phái bộ.
Về việc mở rộng cho lực lượng dân sự, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến cho biết, các chuyên gia, ngành nghề liên quan đến giao thông, y tế, giáo dục, truyền thông, pháp lý có thể tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên phải đáp ứng các tiêu chí của Liên Hợp Quốc và sự chuẩn bị của Việt Nam.
Hiện nay, nguồn nhân lực của Việt Nam không thiếu và mở ra hành lang pháp lý tới đây sẽ triển khai thực hiện. Điều này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đa dạng hóa các hình thức, đối tượng, loại hình tham gia các địa bàn phái bộ của Liên Hợp quốc.
Về chế độ, chính sách, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến các lực lượng làm nhiệm vụ đặc thù, ở các vị trí khó khăn, gian khổ, đặc biệt lực lượng ở xa Tổ quốc, có nhiều rủi ro. Từ năm 2016 đã có Nghị định 162, mới đây nhất Thủ tướng cũng ký Nghị định 07 bổ sung một số chế độ, chính sách với lực lượng gìn giữ hòa bình.
Bộ Quốc phòng cùng với Bộ Công an đã xây dựng Thông tư 32 để đảm bảo các chế độ chính sách cơ bản, có yếu tố đặc thù, thu hút vượt trội so với các lực lượng làm trong nước.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến cho biết đã họp với các cơ quan và triển khai cho các đơn vị phối hợp với bộ, ban, ngành xây dựng nghị định đảm bảo các chế độ, tiêu chuẩn cho lực lượng phù hợp với điều kiện, thực tế của Việt Nam.
Đến thời điểm luật có hiệu lực từ 1/1/2026 thì nghị định quy định về chế độ, chính sách sẽ ra đời.