Cán bộ, công chức, viên chức phấn khởi vì được tăng lương

Từ ngày 1-7, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tăng thêm 30%. Cùng với đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng cũng được tăng thêm 15%.

Cán bộ, công chức Bộ phận Một cửa huyện Long Thành giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Hồ Thảo

Cán bộ, công chức Bộ phận Một cửa huyện Long Thành giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Hồ Thảo

Phấn khởi vì được tăng lương, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đều cho rằng, mức tăng lần này thực sự có ý nghĩa động viên rất lớn, góp phần quan trọng giúp họ cải thiện đời sống, an tâm công tác, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Mức điều chỉnh tăng cao nhất từ trước đến nay

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã quyết nghị thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết số 27) gồm: điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6%, áp dụng từ ngày 1-7-2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1-1-2025). Đồng thời, quyết nghị thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương.

Tăng lương tối thiểu vùng

Cùng với khu vực công, ngày 30-6-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, thay thế Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12-6-2022. Theo đó, mức lương tối thiểu tại vùng I tăng 280 ngàn đồng, từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II tăng 250 ngàn đồng, từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III tăng 220 ngàn đồng, từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng; vùng IV tăng 200 ngàn đồng, từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng.

Trong đó, Quốc hội giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương, bổ sung chế độ tiền thưởng, quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1-7-2024…

Ngày 30-6 vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1-7-2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Tại Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, Chính phủ quy định, từ ngày 1-7- 2024 tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6-2024.

Đây là các mức điều chỉnh tăng lương lớn nhất từ trước đến nay. Theo Bộ Tài chính, nguồn kinh phí dành cho tăng lương trong giai đoạn từ nay đến năm 2026 là 913,3 ngàn tỷ đồng; đây là nguồn kinh phí tăng thêm rất lớn. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn về nguồn lực, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để tích lũy tạo nguồn cải cách tiền lương, bảo đảm khả thi.

Phấn khởi…

Được tăng lương từ ngày 1-7, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức đều tỏ rõ sự phấn khởi. Đồng thời cho rằng, trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương thì việc tăng lương lần này thể hiện sự quan tâm, nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người hưởng lương cũng như các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác gắn với lương cơ sở.

Sau khi công tác 35 năm trong quân đội, ông Lê Văn Chương, một cán bộ hưu trí ngụ phường Long Bình (thành phố Biên Hòa), có mức lương hưu trước khi tăng là gần 14 triệu đồng.

“Từ ngày 1-7, lương hưu được tăng thêm 15% nữa, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Bởi vì, từ nay mỗi tháng tôi sẽ được nhận thêm hơn 2 triệu đồng. Số tiền này rất ý nghĩa để tôi có thêm chi phí chăm sóc sức khỏe tuổi già. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, mức tăng này đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước” - ông Chương nói.

Cô giáo trẻ Nguyễn Khanh Nhi, giáo viên Trường tiểu học Long Đức (huyện Long Thành), cũng phấn khởi chia sẻ: “Tôi rất vui mừng trước chính sách tăng lương cơ sở từ ngày 1-7. Đây là động lực to lớn cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung, giáo viên nói riêng và đặc biệt là giáo viên trẻ như tôi. Bởi việc tăng lương không chỉ giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống mà còn giúp giáo viên tăng thêm động lực, gắn bó, cống hiến với nghề”.

Với 20 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Nguyễn Hoàng Thu Vân, Trường tiểu học Trưng Vương (thành phố Long Khánh), cũng mừng vui cho hay, mức lương trước khi được tăng của cô là 12 triệu đồng. Sau khi tăng lương cơ sở thêm 30%, tổng số tiền lương cô được nhận sẽ lên gần 16 triệu đồng.

Niềm vui của cô Vân còn nhân đôi khi chồng cô cũng là giáo viên, cũng trực tiếp được thụ hưởng chính sách tăng lương.

“Sau tăng lương, tổng thu nhập của 2 vợ chồng sẽ được tăng thêm khoảng 8 triệu đồng so với trước đó. Đây là sự cải thiện rất ý nghĩa, giúp vợ chồng tôi trang trải cuộc sống gia đình tốt hơn, nhất là khi chúng tôi đang nuôi 2 con, trong đó có một cháu đang học đại học” - cô Thu Vân phấn khởi nói.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương

Bên cạnh niềm vui khi được tăng lương, nhiều cán bộ, công chức, viên chức cũng mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách cải cách tiền lương cũng như triển khai thêm nhiều giải pháp để việc tăng lương thực sự phát huy ý nghĩa.

Cán bộ, công chức Bộ phận Một cửa phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Cán bộ, công chức Bộ phận Một cửa phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Cô giáo Thu Vân chia sẻ thêm: “Cùng với sự nỗ lực tăng lương như hiện tại, tôi cũng kỳ vọng tới đây, Đảng, Nhà nước tiếp tục nỗ lực hoàn thiện chính sách cải cách tiền lương, nhất là xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Để từ đó, cán bộ công chức, viên chức nói chung, trong đó có trường hợp như vợ chồng tôi sẽ được hưởng lương tương xứng hơn với công sức và kết quả làm việc”.

Đó cũng là ý kiến mà công chức văn hóa - xã hội UBND xã Bình Sơn (huyện Long Thành) Nguyễn Thị Thuận bày tỏ về chính sách tăng lương.

Chị Thuận cho hay, với thâm niên 10 năm công tác, tiền lương chị nhận được hàng tháng trước khi lương cơ sở tăng là hơn 7 triệu đồng. Với mức lương này, chị phải khá chật vật để trang trải sinh hoạt và nuôi con nhỏ. Vì thế, được tăng lương, chị cũng như nhiều đồng nghiệp của mình thật sự rất phấn khởi, bởi cuộc sống gia đình sẽ bớt vất vả đi phần nào.

Song chị cũng bày tỏ rằng: “Để việc tăng lương thực sự phát huy đúng ý nghĩa của nó thì cần phải có thêm chính sách bình ổn giá, chống lạm phát, nhất là đối với những mặt hàng tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng “tát nước theo mưa”. Bởi thông thường, cứ tăng lương thì giá lại tăng theo. Như vậy, nếu không có những biện pháp ấy đi kèm thì số tiền lương tăng thêm dường như mất giá trị”.

Nhiều cán bộ, công chức, viên chức khác còn cho rằng, việc tăng lương lần này là giải pháp trước mắt tốt nhất, có ý nghĩa động viên rất lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức. Song, cùng với nỗ lực này, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cải cách chính sách tiền lương một cách đồng bộ vào thời điểm thích hợp sau này.

Hồ Thảo

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202407/can-bo-cong-chuc-vien-chuc-phan-khoi-vi-duoc-tang-luong-cc43027/