Cán bộ 'dấn thân' vì dân - Bài 2: Trị 'căn bệnh' sợ trách nhiệm
Trong khi cả xã hội đang nỗ lực phấn đấu, đồng hành cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn, đưa đất nước phát triển thì ở đâu đó vẫn tồn tại tình trạng cán bộ thờ ơ với công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm với tâm lý 'không làm thì không sai'. Việc xử lý những cán bộ 'chây ì' được coi là rất cần thiết để 'xốc' lại đội hình, thay thế bằng những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng để lãnh đạo, điều hành, lấy lại niềm tin trong nhân dân.
“Ngồi im” để an toàn
Không thể không thừa nhận, trong thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức đến cơ quan chỉ để điểm danh, làm việc “lớt phớt” cho hết ngày. Nhiều cán bộ đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhưng lại bàng quan, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền. Tình trạng này trở thành vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội đưa ra nghị trường thảo luận trong Kỳ họp gần đây để tìm hướng giải quyết.
Theo Báo cáo về kết quả đánh giá cán bộ năm 2021 của Bộ Nội vụ trước Quốc hội, có 1,72% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ (những năm trước tỷ lệ này chỉ có khoảng từ 0,56-0,64%) cho thấy tình trạng này đang có dấu hiệu gia tăng, đáng báo động. Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội lo ngại về tình trạng các cán bộ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” thường thấy ở các cơ quan hành chính sự nghiệp.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, một phần do hậu quả của việc tuyển dụng dựa vào “quan hệ” của bố mẹ, người thân. Trong số những người này, nhiều người hưởng lương nhưng không biết việc, không có trình độ chuyên môn phù hợp nên không dám làm, ngại quyết định công việc vì sợ sai, lâu dần thành thói quen và họ thản nhiên coi việc “thiếu trách nhiệm” là chuyện bình thường, không thấy xấu hổ, cũng chẳng cần sửa đổi hay phấn đấu học tập để cải thiện bản thân. Những thành phần này chẳng khác gì “cây tầm gửi” sống dựa vào người khác, bởi họ không hề có năng lực, trình độ, “thà ngồi im” còn hơn “phá hoại”.
Nhưng cũng có những cán bộ, thậm chí là lãnh đạo có trình độ, năng lực nhưng lại bàng quan, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Đó chính là những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, mà theo đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), tâm lý này đã lan truyền ở nhiều nơi, từ khu vực công đến khu vực tư.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn và nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tư tưởng né tránh trách nhiệm ở cán bộ lãnh đạo thời gian gần đây là tâm lý sợ vi phạm. Thực tế đã có nhiều lãnh đạo cấp cao phải hầu tòa vì lợi dụng quyền hạn, chức vụ để chỉ đạo những việc gây thiệt hại cho nhà nước, nhân dân, khiến nhiều cán bộ đương chức phải dè chừng. Thay vì nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra những quyết định sáng suốt vì lợi ích chung, những cán bộ này lại chọn cho mình giải pháp an toàn là ngồi im không làm gì. Nhiều cán bộ, đảng viên có tư tưởng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, hay “bị phê bình vì làm chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ còn hơn bị kỷ luật, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Trị “căn bệnh” sợ trách nhiệm
Có thể khẳng định “căn bệnh” sợ trách nhiệm đang là một trong những nguyên nhân làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh cần rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, vì đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Người đứng đầu của Đảng cũng nhiều lần nhấn mạnh: "Ai không dám làm thì đứng sang một bên để người khác làm", cho thấy quyết tâm của Đảng trong việc thanh lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Gần đây, tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc. Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân; những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực phải xử lý thật nghiêm minh.
Đề xuất những giải pháp cấp thiết cần làm ngay, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng phải “mạnh tay” thay thế những cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm bằng những cán bộ tốt, những cán bộ có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), cán bộ không hành động, không làm việc tức là không thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, không thực hiện công việc mà Nhà nước, nhân dân ủy thác, dẫn đến hậu quả là bộ máy trì trệ, làm vụt mất cơ hội phát triển kinh tế-xã hội. Những người đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của cử tri cả nước khẳng định, nếu xử lý, giải quyết triệt để tình trạng cán bộ năng lực kém, né tránh trách nhiệm, sẽ "xốc" lại đội hình, thay thế bằng những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng để lãnh đạo, điều hành, quản lý, tạo ra sự cộng hưởng chung của cả một hệ thống vận hành thông suốt.
Những năm gần đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý, kỷ luật hàng trăm cán bộ, đảng viên vi phạm quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng. Gần đây nhất, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành vì đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ và mua sắm, quản lý, sử dụng sinh phẩm, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19; hay đề nghị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan ở Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã buông lỏng quản lý trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, giao đất, cấp giấy chứng nhận và tính tiền sử dụng đất, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách cho một số dự án, gây hậu quả nghiêm trọng...
Không chỉ các đại biểu Quốc hội quan tâm đến chất lượng cán bộ, đảng viên, những năm gần đây, cử tri cả nước luôn theo dõi, giám sát hoạt động của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, để từ đó có những đóng góp, đề xuất, kiến nghị giải pháp phù hợp. Chỉ cần lên mạng, gõ từ khóa “sợ sai, sợ trách nhiệm”, trong tích tắc, số lượng kết quả tìm được cho thấy độ "nóng" của hiện tượng này trên mạng xã hội, thể hiện sự quan tâm của người dân. Nhiều ý kiến bày tỏ niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng khi không ít trường hợp cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật do thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Núp bóng, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, thờ ơ, vô cảm với trách nhiệm được giao… đã trở thành “căn bệnh” len lỏi trong nhiều cơ quan, đơn vị. Dù đã được chỉ rõ, phê phán, nhưng thời gian qua “căn bệnh” này vẫn tiếp diễn. Đã đến lúc cần mạnh tay thay thế những đối tượng không xứng đáng, làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố và tăng cường niềm tin trong nhân dân.