Cán bộ, đảng viên đồng hành với người dân 'đi học'
Nhanh chóng ăn bữa cơm tối sau ngày đổi công cấy lúa vụ mùa, anh Châu Văn Thêm, 35 tuổi ở thôn Láo Lý, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) lại tất bật chuẩn bị sách vở đến lớp 'đi học'. Anh vội vã bước đi trong bóng tối, hướng về ánh sáng đèn điểm trường tiểu học thôn. Anh Thêm cho biết, tối nay có giờ dạy xã hội rất quan trọng, không thể đến muộn.
Khao khát học chữ để thay đổi cuộc sống
Lớp học đặc biệt này được mở từ tháng 9/2021 tại thôn Láo Lý dành cho những người trưởng thành trong thôn đã từng đi học nhưng bỏ giữa chừng. Toàn bộ học viên chỉ học hết mầm non hoặc không quá lớp 3, trẻ nhất là 25 tuổi và cao tuổi nhất là 51 tuổi.
Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng điểm chung ở họ là khả năng đọc, viết rất hạn chế. Nét chữ tuy nguệch ngoạc bởi được viết bằng đôi tay của những người đã quen với lao động, nhưng ai nấy đều tập trung, cho thấy sự quyết tâm học tập của mỗi người.
Đúng như anh Thêm chia sẻ, tiết học đầu tiên là môn Khoa học lớp 5. Bài học hôm nay, học viên được tìm hiểu về tác hại của rượu, bia, ma túy. Một thực trạng đáng buồn vẫn xảy ra tại Láo Lý khi nhiều người dù đang ở độ tuổi lao động sung sức nhưng lại tối ngày say sưa bên chén rượu mà bỏ bê công việc đồng áng, chăm sóc gia đình. Qua bài giảng và những câu chuyện sinh động ngoài đời thực nói lên tác hại cả vật chất lẫn tinh thần của bia, rượu, thuốc lá và cả những hệ lụy, trong đó đã có học viên từng nếm trải. Anh Dương Văn Tấn, học viên nói: Khi học tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều, hiểu hơn về đời sống và thấy mình còn mắc nhiều lỗi, khuyết điểm.
Chỉ trong hơn 8 tháng, các bài học về toán, tiếng Việt, khoa học hoặc lịch sử đã đọng lại rất nhiều trong mỗi học viên của lớp. Những mặc cảm trong cuộc sống của một số học viên vì không biết đọc, biết viết cũng dần lùi xa. Anh Tấn cho biết thêm: Tôi tự tin hơn khi nói chuyện, giao lưu. Trước kia, tôi không dám tiếp xúc nhiều vì không biết chữ, nói tiếng Kinh không tốt. Bây giờ, tôi đã biết tính toán. Thầy giáo còn bảo tôi thường xuyên đọc báo để nắm thông tin, tìm hướng phát triển kinh tế gia đình.
Cũng như anh Tấn, nhiều học viên bày tỏ niềm vui khi được đi học trở lại, tin tưởng vào một ngày mai tốt đẹp hơn khi đã biết đọc, biết viết và học được nhiều điều bổ ích mà tri thức mang lại.
Tận tụy đồng hành với người dân đi học
Giống như một số lớp học khác, không phải học viên nào cũng đến đúng giờ, chăm chỉ học tập. Một số người dân chưa hiểu ý nghĩa của việc học nên thường xuyên đến muộn hoặc không ra lớp.
Việc mở được lớp học đã là một thành công, nhưng để duy trì chuyên cần, đúng nền nếp lại là cả quá trình. Vì vậy, ngay khi lớp học được triển khai, Chi bộ thôn Láo Lý đưa vào nghị quyết coi việc duy trì lớp học là nhiệm vụ trọng tâm, sau đó phân công từng cán bộ, đảng viên phụ trách theo dõi, đôn đốc người học. Chi bộ coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đảng viên.
Lớp học thường diễn ra vào các buổi tối trong tuần. Ông Phạm Huy Cảm, Bí thư Chi bộ thôn Láo Lý năm nay dù đã 75 tuổi vẫn không ngại mưa gió, đêm đông thường xuyên đi xe máy từ nhà riêng ở thôn Phân Lân, vượt quãng đường hơn 5 km ngược núi lên Láo Lý để đôn đốc việc học tập. Thầy giáo Nguyễn Thành Trung, “giáo viên chủ nhiệm” lớp học cho biết: Ông Cảm rất tâm huyết, dù tuổi cao nhưng mỗi khi báo có học viên vắng không có lý do, Bí thư Chi bộ liền chỉ đạo cán bộ, đảng viên phụ trách tìm hiểu nguyên nhân và đến từng nhà huy động người đi học. Ông Cảm cũng thường xuyên trao đổi để tôi hiểu hơn hoàn cảnh mỗi học viên, từ đó có cách truyền đạt phù hợp, giúp học viên hiểu bài hơn.
Chi bộ cũng tạo mọi điều kiện, miễn những công việc lao động chung của thôn để học viên tập trung học tập. Bí thư Chi bộ Nguyễn Huy Cảm cho biết: Thôn quyết tâm đưa người dân không biết chữ đi học, cho họ thấy được lợi ích của việc học. Cán bộ, đảng viên từ từ vận động, thuyết phục, từ đó, ý thức học tập của người dân đã tốt hơn, đến lớp đều đặn hơn.
Thôn Láo Lý hiện có 65 hộ thì đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Nguyên nhân của nghèo đói thì nhiều, nhưng sâu xa cũng bởi nhiều người không biết chữ. Ông Cảm bộc bạch: Mong muốn của tôi là người dân trong thôn ai cũng biết chữ, biết tính toán để phát triển kinh tế, xua đi nghèo đói, lạc hậu. Lớp học tình thương là giải pháp quan trọng mở ra kiến thức, tư duy cho người dân và cũng góp phần giúp chi bộ sớm hoàn thành những mục tiêu nghị quyết đã đề ra.