Cán bộ, đảng viên ứng xử đúng với mạng xã hội - Kỳ 2: Những lưu ý khi sử dụng mạng xã hội
Thời gian qua, đã có một số đảng viên bị kỷ luật do sử dụng mạng xã hội đăng tải những thông tin không phù hợp, vi phạm các quy định của Đảng. Đây thực sự là những lời cảnh báo, những bài học cảnh tỉnh cho những ai có nhận thức lệch lạc, sai lầm khi dùng mạng xã hội để đăng tải các thông tin, bài viết không đúng quy định của pháp luật, vi phạm kỷ luật của đảng viên.
Nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên
Trong một số trường hợp, nếu cá nhân không phải là cán bộ, đảng viên, về cơ bản không bị ràng buộc trách nhiệm do bản thân là thành viên của một tổ chức nào đó. Điều này có thể ít được quan tâm, truy cứu, trừ trường hợp có thông tin, hình ảnh vi phạm pháp luật, nhưng với những người phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ công dân lẫn vai trò là thành viên của một cơ quan, tổ chức, bản thân họ phải luôn ý thức rằng bất kể điều gì mình đăng tải liệu có ảnh hưởng đến cá nhân nào không, tổ chức nào không, có lợi cho ai không, có hại cho ai không, có vi phạm các điều lệ hay quy định nào của tổ chức không… Đồng thời, phải xác định rõ điều mình đăng có phù hợp không, thực sự có lợi chung hay không. Điều này, không phải chỉ là đòi hỏi về sự “nhạy cảm chính trị”, mà trên hết là sự ứng xử một cách hợp lẽ với cơ quan, tổ chức mà bản thân đang trong hệ thống đó.
Tất cả những trường hợp đăng tải thông tin, hình ảnh có biểu hiện không lành mạnh có thể không cần phải bị ai đó khởi kiện vì vi phạm pháp luật; nhưng nếu tổ chức đảng, đoàn thể, cơ quan nhận thấy chưa phù hợp với tư cách của người đảng viên, đoàn viên, cán bộ công chức…, thì có thể nhắc nhở, uốn nắn. Điều này, cũng đặt ra trách nhiệm của tổ chức, người lãnh đạo của cá nhân đó trong việc nhìn nhận, theo dõi diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý của mình.
Chẳng hạn, khi có những bài viết hay chia sẻ đầu tiên chưa lành mạnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng có thể gặp gỡ, tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Nếu vẫn chưa có chuyển biến tích cực thì cần đưa ra tập thể, như họp cơ quan, họp chi bộ, họp chi đoàn… để uốn nắn. Trường hợp cần thiết, tập thể tác động, phê bình, vạch ra cái sai để sửa chữa, khắc phục. Nếu vẫn không khắc phục, phải cần đến nội quy của cơ quan, kỷ luật của tổ chức để xử lý. Trường hợp nghiêm trọng (như có thư tố cáo hoặc gây ra hậu quả lớn) phải truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Với một số đảng viên, sau nhiều lần giáo dục không thành, không có sự chuyển biến, biện pháp cuối cùng là đưa ra khỏi tổ chức, bởi sự “suy thoái” đã đến mức nghiêm trọng.
Trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật của cơ quan, của tổ chức, trong đó có tổ chức Đảng. Không phải chỉ làm những điều pháp luật không cấm mà buộc phải làm những điều pháp luật cho phép và không trái với các quy định của tổ chức. Như trường hợp đưa văn bản nội bộ của cơ quan lên mạng xã hội là vi phạm nội quy cơ quan hay đưa thông tin có tính chất suy diễn về các cán bộ, đảng viên khác khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền thì vi phạm về tư cách đảng viên…
Bài học cho cán bộ, đảng viên qua một số vụ việc liên quan đến mạng xã hội là phải giữ nghiêm kỷ luật, chấp hành nghiêm nội quy cơ quan và các quy định của các tổ chức, đoàn thể. Bản thân mỗi người phải luôn ý thức được rằng mình phải sử dụng mạng xã hội sao cho tích cực, không chỉ bản thân mà còn cho người khác, cho tổ chức, cho xã hội. Bên cạnh sử dụng mạng xã hội đúng quy định của pháp luật, còn phải thể hiện tính văn hóa, văn minh, tính kỷ luật, tính đảng. Đây phải là điều thường trực trong nhận thức.
Cán bộ, đảng viên có quyền tham gia mạng xã hội nhưng cần tuân thủ nguyên tắc luôn nghiêm túc thực hiện điều lệ và quy định kỷ luật của Ðảng, của tổ chức, đồng thời thể hiện là những công dân gương mẫu.
Lưu ý các quy tắc khi sử dụng mạng xã hội
Để sử dụng mạng xã hội đúng pháp luật và các quy định khác, không vi phạm thuần phong mỹ tục và thể hiện được tinh thần văn hóa, văn minh trong không gian mạng, rất cần tuân thủ những quy tắc nhất định.
Cuối năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng dự thảo “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” với những tiêu chí: Tôn trọng - trách nhiệm - lành mạnh - an toàn. Theo đó, đối với người sử dụng mạng xã hội, tiêu chí tôn trọng là phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân mình; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền tự do và riêng tư cá nhân. Tiêu chí trách nhiệm là công khai sự xuất hiện của mình trên mạng xã hội bằng cách sử dụng đúng thông tin cá nhân, tổ chức; có trách nhiệm phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu, độc, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực.
Tiêu chí lành mạnh là ứng xử, tương tác trên mạng xã hội phải tôn trọng các giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, phong tục - tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; luôn hành xử mang tính xây dựng, hướng về cái tốt, suy xét cẩn trọng đối với các tương tác trên mạng xã hội; bảo đảm những gì đăng tải là sự thật; không đăng tải, chia sẻ những thông tin xấu, độc. Tiêu chí an toàn là không được tương tác trên mạng xã hội nội dung thông tin bí mật của Nhà nước, thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự xã hội mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, xác nhận; thông tin cá nhân và mật khẩu phải được bảo mật, không được chia sẻ cho cá nhân tổ chức khác…
Xét cho cùng, những quy tắc trên có thể áp dụng cho tất cả những người sử dụng mạng xã hội mà cán bộ, đảng viên phải hết sức chú ý nêu gương. Bên cạnh đó, bản thân tự lập các quy tắc: Trong khi mỗi người có thể áp dụng các quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội theo nghề nghiệp và tổ chức mà mình tham gia, bản thân các cán bộ, đảng viên có thể tự lập các quy tắc phù hợp cho bản thân mình. Các quy tắc này nên hướng đến trách nhiệm của công dân, đồng thời là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên phải tuân thủ các điều lệ, nội quy của tổ chức và cơ quan mà mình là thành viên. Một số lưu ý trong việc xây dựng các quy tắc của bản thân trong quá trình sử dụng mạng xã hội:
Một là, điều mình nêu có lợi hay có hại cho ai. Bất kỳ điều gì mình đăng tải hay chia sẻ trên mạng xã hội phải luôn hướng tới có lợi hay có hại cho ai không, bằng một tinh thần, thái độ hết sức trung thực và khách quan. Điều lý tưởng sẽ có lợi cho bản thân và cho nhiều người khác. Nếu có chi tiết hay yếu tố nào có thể gây hại cho ai đó thì cân nhắc có đăng tải hay không. Do đó, các thông tin có thể gây bất lợi cho cơ quan, tổ chức (kể cả điều đó đã được thông tin công khai), thì cũng nên thận trọng khi đăng tải lại.
Hai là, điều mình nêu có đúng không. Bất kỳ thông tin nào muốn đăng tải sau khi xác định yếu tố có lợi hay không thì bản thân phải kiểm chứng để bảo đảm rằng đó là thông tin chính xác. Do đó, không nên tùy tiện, dễ dãi trong việc chia sẻ, dẫn lại các thông tin từ các trang khác mà chưa kiểm chứng hoặc từ những nguồn có thể bị mạo danh. Cần lưu ý, với các kỹ thuật hiện tại, việc ngụy tạo các thông tin, hình ảnh hoặc tạo ra các nguồn giống như thật là khá dễ dàng, nên không vội tin ngay bất cứ điều gì mình đọc được.
Ba là, bảo đảm tính bảo mật. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi đăng tải các thông tin, hình ảnh có thể làm lộ, lọt các thông tin, tài liệu của cơ quan. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về bảo mật (như không đưa công khai các tài liệu có dấu “mật” các loại, các tài liệu lưu hành nội bộ), bản thân cán bộ, đảng viên phải luôn chú ý đến các thông tin tài liệu liên quan đến công việc cụ thể, đến cơ quan…, nhất là các thông tin đó có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Bốn là, thúc đẩy những điều tích cực. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên phải là luôn thúc đẩy người sử dụng mạng xã hội và môi trường không gian mạng ngày càng lành mạnh hơn, tích cực hơn. Trong điều kiện của mình, “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài”. Nếu chưa tác động đủ để người đọc, người xem có hành động tích cực thì cũng nên tạo cho họ có nhận thức, tình cảm tốt đẹp.
Cùng với đó, từng cán bộ, đảng viên phải tuân thủ quy tắc của các tổ chức, đoàn thể, để bảo đảm tuân thủ quy tắc, điều lệ, nội quy của đoàn thể, tổ chức; đề cao tính tiên phong, gương mẫu. Đồng thời, thể hiện đầy đủ tính kỷ luật nghiêm minh. Bên cạnh nêu yêu cầu, trách nhiệm, những điều cán bộ, công chức, đảng viên không được làm phải nêu rõ các biện pháp xử lý kỷ luật (hình thức chế tài) đối với các vi phạm. Việc đưa nội dung kỷ luật cũng là một hình thức nhắc nhở, cảnh báo, nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội.
Mỗi cán bộ, đảng viên nên nhìn rõ mặt tích cực, tiêu cực của mạng xã hội. Để khi tham gia mạng xã hội cần phát huy mặt tích cực và hạn chế các yếu tố tiêu cực. Đồng thời, sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn, tránh bị lợi dụng hoặc vô ý “có những biểu hiện không chính xác” do sự thiếu hiểu biết. Qua đó, từng cán bộ, đảng viên hãy lan tỏa những điều tích cực, không phát tán các thông tin xấu độc; mạnh dạn phê bình, phản bác, đấu tranh với các thông tin sai trái, các quan điểm sai lầm, các luận điệu xuyên tạc...
Đó cũng là những quy tắc cần thiết, ý thức đúng đắn và nhận thức rõ trách nhiệm, để mỗi cán bộ, đảng viên thật sự tỉnh táo, sáng suốt trong việc tham gia mạng xã hội; phải trí tuệ, bản lĩnh khôn khéo, linh hoạt, tự tin... đấu tranh trên mạng xã hội. Đối với cán bộ, đảng viên là nhân viên của Vietcombank ngoài việc phải tuân thủ nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật, quy định của Nhà nước, còn phải tuân thủ theo đúng quy định của ngành ngân hàng và Vietcombank trên không gian mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.