Cán bộ đưa người thân vào làm việc sẽ bị xử lý ra sao?
Nếu người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đưa người thân vào làm việc đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo mà còn vi phạm thì sẽ bị cách chức.
Nghị định 59/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng vừa được ban hành.
Theo đó, Điều 83 nghị định trên quy định: Phạt cảnh cáođối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Nếu người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi như trên đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo mà còn vi phạm thì sẽ bị cách chức.
Mặt khác, người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý như sau:
- Khiển trách đối với người lần đầu có hành vi nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Cảnh cáo đối với người có hành vi nhũng nhiễu, người sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đã bị xử lý bằng hình thức khiển trách; người tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác trong nước và nước ngoài về công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết.
- Cách chức hoặc buộc thôi việc đối với người tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác.
- Cách chức hoặc buộc thôi việc đối với người thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Nghị định 59/2019 có hiệu lực từ ngày 15-8 sắp tới.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/can-bo-dua-nguoi-than-vao-lam-viec-se-bi-xu-ly-ra-sao-851349.html