Cán bộ gây oan sai không phải trực tiếp xin lỗi
VKSND Tối cao cho rằng nhiều vụ án oan sai gây bức xúc rất lớn cho gia đình và người dân nên nếu người trực tiếp gây oan sai có mặt tại buổi xin lỗi sẽ khó đảm bảo vấn đề an ninh.
Mới đây, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM kiến nghị các cơ quan, đơn vị cần bắt buộc cán bộ, nhân viên gây oan sai ngoài việc chịu kỷ luật, phải trực tiếp xin lỗi, nhận lỗi với nhân dân, tránh tình trạng những buổi lễ xin lỗi chỉ là hình thức và không tạo niềm tin của nhân dân vào công lý.
Về kiến nghị trên, đại diện VKSND Tối cao dẫn nghị định 68/2018 của Chính phủ thể hiện việc xin lỗi và cải chính công khai phải do lãnh đạo viện kiểm sát trình bày bởi việc phục hồi danh dự, nhân phẩm cho người khác là trách nhiệm công vụ, không phải quan hệ dân sự. Nghị định 68 cũng không quy định người gây oan sai khi thi hành công vụ phải bắt buộc có mặt tại buổi xin lỗi. Ngoài ra, người thi hành công vụ khi tham gia tố tụng là thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao nên nếu có sai, xin lỗi là trách nhiệm của Nhà nước, không phải của cá nhân.
VKS cũng xác định việc chứng minh oan sai phải mất nhiều thời gian và có thể những người trực tiếp gây oan sai đã chuyển công tác, nghỉ hưu thậm chí đã mất… và việc yêu cầu họ xin lỗi sẽ không khả quan.
VKSND Tối cao khẳng định trước các buổi cải chính và xin lỗi công khai, VKS có trách nhiệm phải xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc phục hồi danh dự, thể hiện rõ yếu tố “văn minh pháp lý” của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; không thể tổ chức sơ sài, hình thức đồng thời đảm bảo cho người được phục hồi danh dự có thể trình bày ý kiến và nguyện vọng...
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật về vấn đề trên, ĐBQH khóa XIII Nguyễn Bá Thuyền, nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo quy định tại khoản 4 Điều 3 luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan đại diện Nhà nước thực hiện trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại. Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai đối với một số trường hợp bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
“Theo quan điểm của tôi, không nhất thiết bắt buộc người trực tiếp gây ra oan sai cho người dân phải có mặt trong buổi xin lỗi, bởi khi họ tham gia quá trình tố tụng là thực hiện công vụ Nhà nước giao, đó là trách nhiệm của Nhà nước chứ không phải trách nhiệm của cá nhân. Bởi vậy khi họ làm sai thì trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải đứng ra xin lỗi. Còn về trách nhiệm của người gây oan sai, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm người thi hành công vụ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và bối thường”, ông Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm của ĐBQH khóa XIII Nguyễn Bá thuyền, một chuyên gia pháp lý cho rằng: "Luật quy định việc xin lỗi oan sai là các cơ quan tố tụng và người lãnh đạo các cơ quan tố tụng đó đứng ra xin lỗi, họ thay mặt Nhà nước xin lỗi người bị oan. Việc đó có ý nghĩa rằng Nhà nước làm sai thì Nhà nước phải xin lỗi và bồi thường, việc làm này cũng là hợp lý. Để xác định oan sai phải mất rất nhiều thời gian, những người trực tiếp gây oan sai có thể đã chuyển công tác khác, đã nghỉ hưu, thậm chí không còn... thì việc yêu cầu người ta đến tham gia buổi xin lỗi là không khả thi, bởi vậy không cần thiết".
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, người trực tiếp gây ra oan sai có nên có mặt trong buổi xin lỗi. Bản chất những vụ án oan sai gây ra nhiều bức xúc trong dân chúng, nếu người tham gia tố tụng gây oan sai có mặt tại buổi xin lỗi sẽ thể hiện tinh thân cầu thị, xoa dịu nỗi khổ mà người bị oan sai phải chịu. Việc có mặt của người trực tiếp gây ra oan sai tại buổi xin lỗi thì rất tốt nhưng cũng không nên ép buộc, bởi có những người do lỗi vô ý chứ không phải cố ý. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, có nhiều buổi xin lỗi diễn ra chóng vánh, sơ sài khiến người dân bức xúc. Dư luận cho rằng, đã xin lỗi thì phải thành tâm. Đây là một nguyên tắc ở cả đời thường lẫn trong hoạt động của cơ quan tố tụng. Việc chân thành xin lỗi còn thể hiện văn minh pháp lý trong một nhà nước pháp quyền.
Trước đó, ngày 31/7, VKSND Tối cao đã tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai đối với luật gia Trần Thị Ngọc Nga, người bị khởi tố, truy tố oan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, cử tri TP.HCM đề nghị có biện pháp bắt buộc những cán bộ, nhân viên gây ra oan sai phải bồi thường theo quy định, bị xử lý kỷ luật đúng mực và phải trực tiếp xin lỗi, nhận lỗi với dân.