Cán bộ hải quan bất ngờ được đổi tội danh, thoát án tù giam
HĐXX tuyên cán bộ hải quan một tội danh khác với mức án ba năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Sáng 6-3, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Phạm Phú Lộc (cán bộ Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trước đó, phiên tòa ngày 13-2 bị hoãn do bị cáo Lộc (đang tại ngoại) phải nhập viện để điều trị bệnh.
Tòa nhận định bị cáo phạm tội khác
Ở lần xử sơ thẩm mới nhất (lần 2) vào ngày 15-8-2022, bị cáo Lộc bị TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên án sáu năm tù về tội danh nêu trên. Trước đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm lần 1 (cũng tuyên mức án sáu năm tù) để điều tra lại.
Tại phiên tòa hôm nay, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Lộc và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
HĐXX nhận định: Tuy bị cáo thống nhất với đề xuất của cấp dưới và đã đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô trong khoảng thời gian có công văn của Tổng Cục Hải quan (yêu cầu tạm ngưng cấp giấy phép nhập khẩu xe ô tô) theo dạng di chuyển của người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ có thẻ thường trú nhân hồi hương.
Tuy nhiên, công văn nêu trên đã bị thay thế bằng một công văn khác và việc cấp giấy phép ô tô vẫn tiếp tục được thực hiện theo quy định.
Ngoài ra, HĐXX cho rằng kết luận điều tra, cáo trạng và cả bản án sơ thẩm đều xác định hồ sơ cấp giấy phép xin nhập khẩu xe ô tô đều có đầy đủ các loại giấy tờ, đảm bảo các điều kiện theo quy định.
“Do đó, chưa có căn cứ xác định bị cáo Lộc làm trái công vụ, không thỏa mãn dấu hiệu bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, không đủ dấu hiệu để tuyên bố bị cáo Lộc phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, HĐXX nhận định.
Mặt khác, theo HĐXX, bị cáo Lộc là công chức hải quan nhưng không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của cán bộ hải quan (quy định tại Điều 27 Luật Hải quan).
Cụ thể, HĐXX xác định Lộc không báo cáo người có thẩm quyền để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hải quan đối với các hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu ô tô nên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thu thuế của Nhà nước số tiền hơn 2,3 tỉ đồng.
“Do đó, hành vi của bị cáo đã phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 (Luật có hiệu lực tại thời điểm bị cáo có hành vi phạm tội)”, vị chủ tọa nói.
Được hưởng án treo
HĐXX cũng cho biết bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại các khoản s, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS.
Theo HĐXX, chỉ cần xử phạt bị cáo ở mức thấp nhất của khung hình phạt cũng đảm bảo tác dụng riêng đối với bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Bị cáo phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng TNHS; có nơi công tác, cư trú rõ ràng để cơ quan tổ chức giám sát, giáo dục, có nhân thân tốt, chưa từng bị kết án có thể tự cải tạo bản thân.
“Và nếu cho bị cáo hưởng án treo sẽ không gây ảnh hưởng cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Bị cáo có đủ điều kiện để hưởng án treo theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018 ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và không thuộc trường hợp không cho hưởng án treo theo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này, nên không nhất thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội” - chủ tọa nói.
Bởi các lẽ trên, HĐXX quyết định sửa bản án sơ thẩm, đồng thời, căn cứ vào khoản 1 Điều 357 BLTTHS năm 2015 thay đổi tội danh đối với bị cáo Lộc.
Cụ thể, HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999; các khoản s,v khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 BLHS năm 2015, tuyên bị cáo Lộc phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và xử phạt Lộc ba năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Thời gian bị cáo Lộc bị thử thách là năm năm, kể từ ngày tuyên án (6-3). HĐXX cũng giao Lộc cho Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Khi được hỏi ý kiến sau khi HĐXX tuyên án, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM trả lời “hiện tại chưa có ý kiến”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/can-bo-hai-quan-bat-ngo-duoc-doi-toi-danh-thoat-an-tu-giam-post722637.html