Cán bộ hưu 'hiến kế' giúp Hà Nội, TP HCM giảm ùn tắc
Ông Nguyễn Đức Thắng, cán bộ từng công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa góp một giải pháp nhằm giảm ùn tắc trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM. Đặc biệt, giải pháp của ông Thắng được trình bày báo cáo tại Tiểu ban quản lý ATGT…
Thực trạng giao thông của Hà Nội
Ngày 18/12/2021 UBND TP Hà Nội nhận được thư của ông Nguyễn Đức Thắng về việc đề xuất, trình bày những trăn trở liên quan đến ùn tắc giao thông cho thành phố Hà Nội.
Được biết, ông Nguyễn Đức Thắng, là cán bộ Nhà nước về hưu năm 2009, có quá trình công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, chúng ta đã thắt lưng buộc bụng để ưu tiên cho mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông. Đã đưa ra nhiều quy hoạch, kế hoạch, chính sách và giải pháp phát triển giao thông cho Hà Nội. Gần đây nhất, ngày 31/3/2016 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 519/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tuy nhiên, với những con đường mới mở, rộng, lớn của Hà Nội vẫn triền miên bị ùn tắc vào các giờ cao điểm. Hà Nội đã được báo chí nêu danh có những con đường đắt nhất hành tinh và hỗn loạn về kiến trúc mặt tiền, đã 3 lần phá kỷ lục của chính mình.
Cụ thể, tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa (hơn 1,1 tỷ đồng/m dài), tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (1,4 tỷ đồng/m). Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (dự toán 3,5 tỷ đồng/m) đã lùi ngày khởi công vài năm, chưa biết đến khi nào.
“Vì tăng trưởng hàng năm của nhu cầu đi lại, luôn cao hơn tăng trưởng của cơ sở hạ tầng giao thông, cho nên, tích tụ của những chênh lệch đó, sau 30 năm phát triển sẽ bất lực, bó tay. Nhiều triệu lượt người bị ách tắc xe dưới nắng nóng, dưới mưa, quanh năm ngày tháng.
Nhiều triệu xe máy, ô tô luôn tiêu hao xăng dầu, xả thải khói bụi, các khí độc hại và tiếng ồn vào môi trường, bao trùm toàn thành phố. Những người lái xe hít thở các khí thải trực tiếp từ các ống xả của nhau” - ông Thắng phân tích.
Người dân cho dù sống trong các ngõ ngách cũng phải hít thở khí thải phát tán từ xăng xe. Năm 2018 các nhà khoa học của Viện chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) xác định ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã tăng gấp 5 lần (500%) so với quy định do việc ùn tắc giao thông gây ra. Đồng thời, ùn tắc giao thông cũng gây thiệt hại từ 1 đến 1,2 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 23.300 - 27.960 tỷ đồng.
Lật ngược tình thế
Từ thực trạng trên ông Thắng đưa ra “giải pháp xung” hiến kế cho giao thông Hà Nội.
Đây là giải pháp về tổ chức quản lý vĩ mô sao cho giao thông đô thị quay ngược 180 độ, phù hợp với quy luật chung của thế giới. Lật ngược tỷ lệ phương tiện công cộng/phương tiện cá nhân đang là 10/90 thành 80/20.
Theo ông Thắng, việc đi lại là nhu cầu cơ bản, là sinh kế, kiếm sống của người dân, do vậy, cần phải đáp ứng. Không nên cấm xe cá nhân một vùng nào đó, nếu như không có phương tiện công cộng thay thế (ngoại trừ phạm vi vùng cấm rất bé, rất hẹp).
Với giải pháp này, ông Thắng đưa ra 2 bí quyết:
“Bí quyết 1”: Ví dụ ngày khai trương, ngày hội giao thông, một “bàn tiệc” giao thông xe buýt mở ra, mời người dân sử dụng 2 tháng, trước khi đưa vào vận hành. Thực hiện tuyên truyền, quảng cáo đậm đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về hệ thống xe buýt mới. Tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị mua vé tháng cho cán bộ, nhân viên của mình. Thực hiện 3 ngày đi lại miễn phí cho mọi người để làm quen với hệ thống xe buýt mới khai trương (thực tế nhiều người đã mua vé tháng).
Trẻ em dưới 6 tuổi và người già trên 75 tuổi được miễn phí. Học sinh, sinh viên, người trên 65 tuổi được giảm 50% giá vé. Khi mà 70 - 80% người dân đi lại bằng xe buýt thì hình thức quảng cáo trên xe buýt sẽ đem lại nguồn thu rất quan trọng cho thành phố. Vì vậy xe buýt cần được thiết kế để thuận lợi cho việc tháo dỡ thay thế quảng cáo.
Với “bí quyết 2”, giải pháp để khi mở ra “bàn tiệc giao thông”, đưa thêm 11.500 xe buýt mới vào mà không gây đại thảm họa ùn tắc giao thông.
Ngày khai trương "bàn tiệc giao thông" cũng là ngày thực hiện quy định đối với xe máy, ô tô cá nhân: Từ 6h sáng đến 20h tối, xe số chẵn đi ngày chẵn, xe số lẻ đi ngày lẻ. Do vậy cắt “cơ học” được 50% lượng xe cá nhân ra khỏi lưu thông.
"Chỉ áp dụng quy định cấm đoán này khi mở ra “bàn tiệc” xe buýt. Không bao giờ được cấm đoán phương tiện cá nhân khi mà không có phương tiện công cộng thay thế. Vì đi lại là nhu cầu sinh tồn cơ bản của mọi người dân. 50% lượng xe cá nhân còn lại, theo quy luật của xác suất ngẫu nhiên: Một nửa đi xe cá nhân, một nửa chọn đi xe buýt mới. Do vậy tiếp tục cắt giảm được 50% - 75% xe cá nhân, loại ra khỏi giao thông", ông Thắng khẳng định.
Kết quả dự kiến từ giải pháp xung, theo ông Thắng, nếu thực hiện được giải pháp này sẽ loại được 75 - 80% xe máy, ô tô cá nhân; giảm đột ngột, xuống còn 25 - 20% đường phố rất thông, thoáng, ít xảy ra tai nạn.
Ví dụ, từ quản lý 8 triệu xe cá nhân xuống còn 20% (tức 1,6 triệu xe) sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Chỉ cần ít cảnh sát; không phải huy động dân quân, thanh niên tình nguyện.
Ngoài ra, chuyển đổi, lật ngược tình thế từ “xe buýt vắng khách là nỗi sợ của dân” sang “xe buýt đông khách nhưng thân thiện với dân”. Ngoài ra, TP Hà Nội và TP HCM sẽ có bộ mặt giao thông hoàn toàn mới, văn minh, lịch sự; trở thành kiểu mẫu về giao thông ở Đông Nam Á và Thế giới.
Giảm bức xúc cho nhiều triệu lượt người khi bị ách tắc xe dưới nắng nóng, dưới mưa. Giảm tiêu thụ xăng dầu, giảm ồn ào náo nhiệt, giảm ô nhiễm môi trường, giảm stress chắc chắn cải thiện sức khỏe cho người dân. Xóa bỏ được thiệt hại hàng năm khoảng 50.000 tỷ đồng do UTGT cho cả hai thành phố.
Trước giải pháp ông Thắng đưa ra, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội vừa yêu cầu các phòng ban chuyên môn của Sở GTVT nghiên cứu, xem xét các đề xuất, giải pháp để có thể tiến tới áp dụng cho giao thông Hà Nội nếu thấy khả thi.