Cán bộ không chuyên trách, trí thức trẻ hợp đồng vẫn có cơ hội làm công chức
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã và đội viên, thanh niên trí thức trẻ đang có hợp đồng đúng đối tượng sẽ được tiếp nhận vào công chức.
Đây là nội dung được ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) thông tin tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của ngành Nội vụ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hữu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cho biết, khối lượng công việc của ngành Nội vụ trước và sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại Thái Nguyên rất lớn. Đội ngũ cán bộ tại địa phương thường xuyên phải làm việc cả ngày nghỉ để đảm bảo tiến độ sắp xếp nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho hệ thống chính quyền mới.
Ngay sau khi mô hình hai cấp đi vào vận hành, Sở Nội vụ Thái Nguyên đã thành lập tổ công tác trực tiếp xuống các xã để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn. Trong số 92 xã toàn tỉnh, đã có hơn 40 xã được hỗ trợ.

Nhiều vướng mắc trong thực hiện vận hành chính quyền 2 cấp đã được nêu ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Nội vụ. Ảnh: X.Trung
Ông Hữu cho biết, dù toàn bộ quá trình triển khai diễn ra tương đối thuận lợi và chưa phát sinh vướng mắc lớn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác văn thư, lưu trữ do tài liệu nhiều, trình độ cán bộ không đồng đều. Vì vậy, ông kiến nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành hướng dẫn xét tuyển, sát hạch để bổ sung công chức từ nguồn cán bộ bán chuyên trách cấp xã.
Theo ông Hữu, lực lượng này chủ yếu là người trẻ, có kỹ năng công nghệ thông tin, am hiểu địa phương, đặc biệt ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
“Việc tuyển chọn đội ngũ này vào công chức cấp xã sẽ góp phần nâng cao chất lượng bộ máy, đảm bảo hiệu quả vận hành của chính quyền hai cấp”, ông nhấn mạnh.
Đào tạo cán bộ cấp xã phải "cầm tay chỉ việc”
Yêu cầu công việc tại cấp xã ngày càng tăng, trong khi nhiều cán bộ còn lúng túng khi tiếp cận mô hình mới. Một số địa phương cho biết phải cử cán bộ cấp tỉnh trực tiếp xuống xã hướng dẫn, thậm chí “cầm tay chỉ việc”.
Ông Phan Văn Bình, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, cho rằng hiện nay cán bộ cấp xã còn thiếu nghiêm trọng ở các vị trí như tài chính, công nghệ thông tin, địa chính - xây dựng. Một số cán bộ từ cấp huyện điều động về xã chưa được đào tạo chuyên môn phù hợp.
“Yếu tố cốt lõi để chính quyền cơ sở vận hành hiệu lực, hiệu quả là con người. Tuy nhiên, có tình trạng không đồng đều giữa các khối: Đảng, chính quyền, Mặt trận, Quân ủy. Có đồng chí từ khối Đảng chuyển sang chính quyền thì gặp nhiều khó khăn, không điều hành được công việc”, ông Bình nói.
Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch tập huấn theo từng chức danh cụ thể. Tuy nhiên, ông Bình đề nghị Bộ Nội vụ sớm có chương trình đào tạo sát thực tế. “Phải đào tạo theo hướng ‘cầm tay chỉ việc’ thì anh em mới làm được. Nếu chỉ học lý luận chung chung thì rất khó triển khai”, ông nhấn mạnh.
Không phải tất cả cán bộ không chuyên trách được chuyển thành công chức
Trước những vướng mắc từ các địa phương, ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức cho biết, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ quy định về việc tiếp nhận người hoạt động không chuyên trách cấp xã và đội viên, thanh niên trí thức trẻ có hợp đồng phù hợp vào công chức cấp xã, cấp tỉnh.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận phải tuân thủ quy định tại Điều 13 và 14 của Luật Cán bộ, công chức. Nghĩa là phải căn cứ vào vị trí việc làm và chỉ tiếp nhận khi có biên chế, không phải ai cũng được chuyển thành công chức.

Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức. Ảnh: X.Trung
Ông Dũng cũng thừa nhận, hiện nay nhiều địa phương như Đà Nẵng, Lâm Đồng thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực như kế toán, công nghệ thông tin, địa chính – xây dựng. Nguyên nhân là do trước đây cán bộ cấp xã chủ yếu đảm nhiệm các công việc hành chính, ít được đào tạo bài bản.
Bộ Nội vụ đề xuất các địa phương áp dụng một số giải pháp như luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tỉnh, huyện về xã để hỗ trợ trực tiếp; tổ chức đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch tập huấn. Bộ sẽ phối hợp cùng các địa phương thực hiện những nội dung này. Đối với lĩnh vực chuyên sâu như công nghệ thông tin, có thể ký hợp đồng để đáp ứng kịp thời yêu cầu công việc.
Theo ông Dũng, Bộ Nội vụ đang xây dựng quy định thay thế Nghị định 62/2020 về vị trí việc làm và biên chế công chức theo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2025. Trong đó sẽ trao quyền chủ động hơn cho các địa phương trong sử dụng, quản lý công chức phù hợp với thực tiễn.
Trong thời gian chờ quy định mới, các địa phương vẫn căn cứ vào Nghị định 62, Thông tư 12 và các hướng dẫn chuyên ngành để thực hiện.
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cũng cho hay, đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã thì Bộ đã tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn một số nội dung liên quan. Căn cứ kết luận của cấp có thẩm quyền sẽ kéo dài thời gian hoạt động của người hoạt động không chuyên trách cấp xã đến trước 31/5/2026.
Ông Tuấn nói quá trình bố trí đội ngũ này tham gia hỗ trợ hoạt động của hệ thống chính trị tại xã đã được quy định cụ thể ở văn bản số 12 của Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Ngoài ra, Nghị định 170/2025 vừa qua đã quy định người hoạt động không chuyên trách cấp xã là một trong các đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức. Tuy nhiên, phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về vị trí việc làm, biên chế của chính quyền địa phương cấp xã.