Cán bộ khuyến nông 'nhiều cùng'

Một thời, cái khẩu hiệu 'cùng ăn, cùng ở' với dân được truyền tai để nói về những khó khăn, vất vả của cán bộ khi đi cơ sở. Giờ thì đường đi lối lại đã thông, phương tiện di chuyển cũng thuận lợi, nhưng cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở vẫn được mệnh danh là những cán bộ 'nhiều cùng': Cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất… để mỗi mô hình là một dấu ấn, tạo ra sự thay đổi lớn trong tư duy sản xuất của bà con nông dân.

Mỗi mô hình một dấu ấn

Tháng 5-2019, Phú Thịnh được nhận hỗ trợ con giống lợn đen bản địa để phát triển chăn nuôi. 4 hộ, mỗi hộ được nhận 2 con lợn nái, 1 con lợn đực giống. Bà Đặng Thị Thiết, thôn Đát Trà là một trong 4 hộ được nhận lợn giống. Bà Thiết bảo, ở Phú Thịnh đã nhiều lần được lựa chọn xây dựng các mô hình khuyến nông, từ các mô hình sản xuất lúa giống, hỗ trợ cây keo đến mô hình nuôi cá rô đồng đầu vuông… Các mô hình này khi tổng kết, bà đều có mặt để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật. Bà bảo, hầu hết các mô hình đều đem lại những hiệu quả nhất định về mặt kinh tế, nên bà con tin tưởng lắm. Giờ gia đình trực tiếp được lựa chọn tham gia, nhận hỗ trợ về con giống, kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi… thì phấn khởi lắm. Bà Thiết có kinh nghiệm nuôi lợn giống từ năm 2000, chuồng trại chăn nuôi được bà đầu tư khang trang, sạch sẽ, kiến thức được tích lũy dần qua các lớp tập huấn kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức. Không nuôi nhốt thông thường như lợn lai, bà Thiết tận dụng diện tích vườn đồi, đào hào để thả đàn lợn chạy quanh đồi mỗi ngày một lần. Giữa thời điểm dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đàn lợn đen của gia đình bà vẫn phát triển khỏe mạnh. Bà bảo, chăn lợn đen bản địa có cái khác hơn so với lợn lai, chăm sóc dễ hơn, thức ăn đơn giản hơn, sức đề kháng của đàn lợn cũng tốt hơn. 2 con lợn nái của gia đình bà sau hơn 1 năm đã đẻ 2 lứa, lứa đầu tiên được 42 con, lứa thứ 2 được 38 con.

Cán bộ khuyến nông kiểm tra mô hình trồng măng tây tại xã Thiện Kế (Sơn Dương).

Cán bộ khuyến nông kiểm tra mô hình trồng măng tây tại xã Thiện Kế (Sơn Dương).

Không giống như những mô hình khuyến nông trước đây, mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện được ví như mô hình thu nhỏ của chương trình “vay bò trả bê”. Hộ được hỗ trợ lợn lần đầu, sau khi nuôi sinh sản thành công sẽ trả lại cho xã 10 con lợn giống để xã tiếp tục lựa chọn hộ gia đình hỗ trợ đợt tiếp theo. Từ 4 hộ đầu tiên, đến tháng 5 - 2020, Phú Thịnh đã có thêm 12 hộ gia đình tiếp tục được nhận lợn giống, và dự kiến đến cuối năm nay, con số này sẽ tăng trên 30 hộ.

Bà Nguyễn Thị Yến, thôn Húc nhìn 3 con lợn nái đang chuẩn bị sinh sản trong chuồng mà không giấu được niềm vui. Bà Yến kể, gia đình vốn có truyền thống chăn nuôi lợn sinh sản, nhưng có thời điểm giá lợn xuống quá thấp, cho không ai nuôi, bà nản quá mà bỏ chuồng trống hơn 2 năm liền. Nhà nông, ngoài ruộng vườn với đàn lợn, chẳng còn niềm vui gì khác, thành thử 2 năm bỏ chuồng, bà như người “mất hồn”. Giờ được hỗ trợ 3 con lợn nái đen, bà Yến ví von, “con tim mình đã vui trở lại” rồi, giờ cố chăm cho đàn lợn con sinh ra thật khỏe mạnh, rồi còn luân chuyển cho các hộ khác có nhu cầu.

Thời gian triển khai mô hình, chị Nguyễn Thu Trang, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh - người trực tiếp thực hiện mô hình - chị gần như ăn cùng, ở cùng với 4 hộ thực hiện mô hình. Những hộ nào chuồng trại chưa xây dựng đúng kỹ thuật chị hướng dẫn lại kỹ thuật xây dựng chuồng trại; những hộ nào không để ý đến việc tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn, chị trực tiếp đặt mua thuốc đến từng nhà; rồi việc rắc vôi bột, phun khử trùng…

Tổng đàn lợn đen địa phương ở Phú Thịnh giờ đã tăng lên trên 300 con. Ông Phạm Ngọc Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh phấn khởi, thành công của chương trình này đã tác động đến cả chương trình đột phá của xã năm 2020. Theo đó, Phú Thịnh đã quyết định lựa chọn phát triển lợn đen bản địa là chương trình đột phá của xã. Mục tiêu là hình thành một tổ chăn nuôi lợn đen bản địa, xây dựng thương hiệu Lợn đen bản địa Phú Thịnh và tiến tới xây dựng thành sản phẩm hàng hóa chủ lực.

Trong 5 năm (2015 - 2020), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các đơn vị xây dựng 616 mô hình ứng dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới. Nhiều mô hình đã trở thành khẩu hiệu một thời, như mô hình sử dụng phân viên nén dúi sâu nhả chậm cho cây lúa; mô hình ghép cải tạo nhãn ở Thái Bình (Yên Sơn); mô hình trồng lạc đông che phủ nilon; mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo hay áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu ở Yên Sơn…

Vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, thôn 3, xã Thái Bình (Yên Sơn) được trồng từ những ngày ông vừa sinh ra, đến giờ cũng đã ngót nghét 60 năm. Những gốc nhãn xù xì, gồ ghề, cao đến 4 - 5 mét, tán vươn rộng chiếm đến 2 - 3 sào đất vườn. Cây cao, to khiến việc thu hái gặp nhiều khó khăn, nhất là khi những lao động trong gia đình ông đều đã ở cái tuổi ngũ tuần, lục tuần. Năm 2018 - 2019, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật ghép cải tạo nhãn, ông chọn gần hai trăm cây nhãn cổ thụ nhất của gia đình để cắt tỉa, lựa chọn mắt ghép từ Viện cây ăn quả Việt Nam để ghép cải tạo. Chỉ những cây nhãn mới ghép lơ thơ cành lá, nhưng quả đã cho sai lúc lỉu, ông Thắng bảo, chất lượng quả ngon ngọt hơn hẳn so với nhãn địa phương. Mặc dù là năm đầu tiên cho quả, lượng quả mỗi cây cũng đã đạt trên dưới 20 kg. Nhưng đây là tín hiệu vui để vườn nhãn của gia đình ông nói riêng, và nhãn Thái Bình nói chung được “cải lão hoàn đồng”, chất lượng cũng được nâng lên rõ rệt.

“Gu gồ” của thôn bản

Không chỉ cải tạo chất lượng, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, nhiều mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện đã tạo ra cuộc “cách mạng” trong tư duy sản xuất của người dân. Như mô hình nuôi trâu bò nhốt chuồng vỗ béo. Từ những mô hình manh mún, mô hình này đã hình thành một chuỗi liên kết chăn nuôi rộng khắp toàn tỉnh, với sự tham gia của 5 nhà: Nhà nước - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học và Nhà băng (ngân hàng). Trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại là trung tâm, là động lực để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành đứng ra liên kết với các hợp tác xã trên địa bàn, cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và kỹ thuật cho người chăn nuôi; đồng thời cũng là đơn vị đứng ra thu mua toàn bộ sản phẩm sau chăn nuôi. Hợp tác xã Minh Quang, xã Thanh Tương (Na Hang) là một trong những hợp tác xã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành để thực hiện mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo. Có sản phẩm, ngoài việc cung cấp cho đơn vị thu mua, ông Phan Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã đầu tư hệ thống máy móc xây dựng một lò sấy thịt trâu khô, tiến tới hình thành sản phẩm Thịt trâu khô Na Hang.

Chị Nguyễn Thị Kim, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, mỗi cán bộ khuyến nông giống như “gu gồ” (Google) của bà con nông dân. Từ việc phổ biến hướng dẫn, tổ chức tập huấn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, đến xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn theo các chương trình dự án của khuyến nông hay theo nhu cầu tự nguyện của nông dân; tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, thậm chí đêm hôm đến tận nhà của nông dân làm “bà đỡ” cho trâu bò sinh sản; rồi cả việc thụ tinh nhân tạo cho gia súc, thiến hoạn, bình tuyển trâu bò giống...

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Anh Tuấn cho biết, năm 2019 là một năm có nhiều thay đổi với hệ thống khuyến nông nói riêng và nhiều đơn vị của sở nói chung, khi tại các địa phương, các Trạm khuyến nông được sáp nhập, hình thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện. Ông Tuấn bảo, trái với lo lắng ban đầu, việc sáp nhập này đã làm mạnh hơn hoạt động của đội ngũ khuyến nông. Những “gu gồ” giờ càng thêm mạnh, khi có sự tiếp sức của cán bộ thú y, cán bộ trồng trọt và bảo vệ thực vật.

Không chỉ là người “cầm tay, chỉ việc” giúp người nông dân giám sát, thực hiện và chỉ đạo các khâu kỹ thuật từ thời điểm triển khai đến khi kết thúc các mô hình, đội ngũ cán bộ khuyến nông cũng là người trực tiếp triển khai và nhân rộng các mô hình giống mới có năng suất và chất lượng cao trong nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lê Anh Tuấn bảo, nông dân cứ yêu ruộng, yêu vườn, có thu nhập cao là thành công của đội ngũ khuyến nông rồi.

Phóng sự: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/can-bo-khuyen-nong-nhieu-cung-134628.html