Cán bộ kiện giám đốc Sở ra tòa vì thu hồi quyết định kỷ luật...chính mình
Ra quyết định hủy quyết định kỷ luật cảnh cáo một nữ cán bộ Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An bị chính người chịu kỷ luật khởi kiện hành chính. Lý do là nếu thu hồi quyết định kỷ luật, bà này có khả năng bị truy tố về tội nhận hối lộ.
Ông Lê Quốc Dũng, Chánh án TAND tỉnh Long An, xác nhận đã tiếp nhận đơn khởi kiện của bà Trần Thị Ngọc Cúc, ngụ TP.Tân An, nguyên Phó trưởng phòng Đăng ký và Chứng nhận sản phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế Long An) đối với ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An.
Theo ông Dũng, nguyên đơn là bà Cúc yêu cầu ông Phúc phải thu hồi quyết định số 465/QĐ-SYT mà ông ký ban hành tháng 5.2019 có nội dung hủy quyết định số 366/QĐ-SYT do ông Lê Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Sở Y tế Long An đã ký ban hành tháng 4.2012, có nội dung kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Cúc.
Năm 2012, Thanh tra chuyên ngành Sở Y tế Long An kết luận bà Cúc có dấu hiệu đã thực hiện hành vi nhận hối lộ số tiền 28 triệu đồng từ một doanh nghiệp sản xuất kem ăn ở H.Cần Giuộc. Theo nguyên đơn, nếu quyết định 465/QĐ-SYT được thi hành thì đương sự là bà Cúc sẽ bị pháp luật xử lý 2 lần đối với 1 hành vi phạm tội.
Giám đốc Sở Y tế bị kiện vì ký quyết định này - Ảnh: Văn Đô
“Tôi đã phân công thẩm phán xử lý đơn khởi kiện theo quy định. Nhưng tinh thần là TAND tỉnh Long An sẽ trả đơn khởi kiện của bà Trần Thị Ngọc Cúc vì tòa án không có thẩm quyền thụ lý, giải quyết loại đơn hành chính nội bộ ở mức độ này (chỉ thụ lý giải quyết loại quyết định buộc thôi việc). Trường hợp trả đơn mà bà Cúc có khiếu nại thì TAND tỉnh Long An sẽ họp xét khiếu nại”, ông Dũng nói.
Bà Cúc có trả số tiền 28 triệu đồng tiền “hối lộ”?
Từ tháng 5.2019, dư luận ở tỉnh Long An lại xôn xao bàn tán câu chuyện liên quan đến việc diễn ra vào cuối năm 2011 khi thanh tra chuyên ngành Sở Y tế Long An kết luận bà Cúc đã nhận “bồi dưỡng” 28 triệu đồng của “cò hồ sơ” là Nguyễn Minh Phi (39 tuổi, quê quán xã Nhuận Phú Tân, H.Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre). Phi là “cò hồ sơ” cho Công ty TNHH Hiệp Phú (trụ sở tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Cuối tháng 4.2012, Giám đốc Sở Y tế Long An lúc đó là ông Lê Thanh Liêm (đã nghỉ hưu) ký quyết định 366/QĐ-SYT kỷ luật cảnh cáo bà Cúc, thời hạn là 1 năm, theo quy định tại khoản 8, điều 10, chương III, Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành hướng dẫn xử lý kỷ luật đối với công chức.
Cụ thể là bà Cúc đã nhận 28 triệu đồng “bồi dưỡng” để tiếp tay cho “cò” Phi hoàn tất bộ hồ sơ cho 14 mẫu kem ăn để Công ty Hiệp Phú đủ điều kiện sản xuất. Trước khi bị thanh tra, bà Cúc đã trả lại số tiền 28 triệu đồng cho đại diện Công ty Hiệp Phú. Quyết định thanh tra đột xuất về vụ việc này cũng do ông Lê Thanh Liêm ký.
Đến cuối năm 2016, Cơ quan CSĐT Công an TP.Tân An (Long An) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Cúc, cho tại ngoại để phục vụ điều tra hành vi “Nhận hối lộ”.
Kết luận điều tra của công an chứng minh rằng bà Cúc đã có yêu cầu và Công ty Hiệp Phú chỉ làm khống hóa đơn, chứng từ chứ thực tế bà Cúc chưa hoàn trả số tiền này như kết luận của Thanh tra Sở Y tế.
Kết luận thanh tra và cách xử lý “lưu hành nội bộ” của nguyên Giám đốc Sở Y tế đối với bà Trần Thị Ngọc Cúc được Quyền Chánh thanh tra nhà nước tỉnh Long An cho rằng chưa đầy đủ so với các quy trình trong Luật Thanh tra 2010 - Ảnh: Văn Đô
Cuối năm 2017, Viện KSND TP.Tân An ban hành quyết định truy tố bà Cúc về hành vi nhận hối lộ với khung hình phạt đến 7 năm tù. Ngoài ra, Viện KSND TP.Tân An cũng truy tố “cò” Phi về hành vi “Đưa hối lộ”. Nhưng mãi đến nay vụ án vẫn chưa đưa ra xét xử được vì sẽ vi phạm nguyên tắc “không xử phạt 2 lần đối với 1 hành vi vi phạm”.
Vụ án rơi vào im lặng mãi cho đến những ngày cuối tháng 5.2019, khi ông Huỳnh Văn Phúc ký quyết định 465/QĐ-SYT để hủy quyết định kỷ luật cảnh cáo mà bà Cúc đã thực hiện xong đã gần 7 năm trước.
Tuy rằng, các căn cứ để ra quyết định này chỉ mang tính lưu hành nội bộ, “tôi dựa vào công văn chỉ đạo số 127/2019 của UBND tỉnh và văn bản này chưa công khai. Tuy nhiên, các căn cứ quan trọng khác (không được ghi trong phần căn cứ ban hành - PV) mà chúng tôi áp dụng là khoản 1, điều 5 và khoản 7, điều 23, Nghị định 34/2011/NĐ-CP để thu hồi quyết định 366/QĐ-SYT. Tôi cũng nói luôn là còn nhiều nội dung liên quan đến vụ này vẫn chưa được công bố, dư luận, báo chí chưa biết và tôi đang chờ TAND tỉnh Long An giải quyết theo trình tự thủ tục”, ông Phúc nói vào ngày 12.7.
Nhận hối lộ bị xử hành chính, có đúng không?
Trao đổi với PV về vụ việc này, ông Phạm Văn Đô, Quyền Chánh Thanh tra tỉnh Long An khẳng định cho đến thời điểm hiện tại kết luận thanh tra của Thanh tra chuyên ngành Sở Y tế về vụ việc của bà Cúc cũng chưa được Sở Y tế gửi thông báo theo quy định đến cơ quan Thanh tra Nhà nước tỉnh Long An. “Tôi nhận yêu cầu từ PV và đã có yêu cầu bộ phận tham mưu, văn thư trích lục lại nhưng vẫn chưa tìm thấy kết luận thanh tra của Giám đốc Sở Y tế đối với trường hợp bà Trần Thị Ngọc Cúc”, ông Đô khẳng định.
Theo ông Đô, tại khoản 1, điều 50, Luật Thanh tra năm 2010, quy định chậm nhất 15 ngày tính từ ngày nhận kết quả thanh tra vụ về trường hợp bà Cúc, Giám đốc Sở Y tế là ông Lê Thanh Liêm phải ra kết luận và gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh và các cơ quan trung ương cấp trên. Nhưng, trong phần nơi nhận của Kết luận thanh tra vụ này, Sở Y tế chỉ ghi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Văn thư và Thanh tra chuyên ngành thuộc Sở Y tế Long An.
Ngoài ra, bất thường trong vụ này còn ở chỗ kết luận thanh tra đã phát hiện dấu hiệu của tội nhận hối lộ - nhóm tội hình sự thì phải chuyển tin báo cho Cơ quan CSĐT mới đúng quy định chứ Giám đốc Sở chưa thể ra quyết định kỷ luật hành chính trong trường hợp này.
Thẩm phán Dương Tiến Dũng, Chánh tòa hình sự TAND H.Châu Thành (Bến Tre) khẳng định trường hợp kết luận thanh tra mà phát hiện có dấu hiệu của tội nhận hối lộ thì Cơ quan Thanh tra đó phải chuyển sang Cơ quan CSĐT của công an. Từ đó, công an sẽ xác minh, điều tra, kết luận rõ ràng mới có hướng giải quyết vụ việc mới đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, đúng theo trình tự pháp luật.
“Cấu thành tội nhận hối lộ dựa vào dấu hiệu, hình thức, thủ đoạn thực hiện. Còn số tiền chỉ là yếu tố xem xét định khung và việc khắc phục hay chưa, hay không chỉ là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt mà thôi. Tôi cũng khẳng định luôn rằng nếu đã chứng minh được đối tượng đã cấu thành tội nhận hối lộ thì không có chuyện xử phạt hành chính.”, ông Dũng phân tích.
Theo một luật sư, lý do mà bà Cúc kiện Giám đốc Sở vì “dám” thu hồi quyết định kỷ luật mình, là vì bà sợ sẽ bị truy tố vì tội nhận hối lộ. Nếu không thu hồi quyết định kỷ luật, cơ quan điều tra khó truy tố vì không xử phạt 2 lần đối với 1 hành vi vi phạm.