Cán bộ làm pháp chế: 10 năm tăng gần 4 lần, có Bộ vẫn kêu thiếu
Chính phủ gửi Quốc hội báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Từ năm 2011 đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế trên toàn quốc là 8.524 người (tăng gấp 3,55 lần), tuy nhiên, một số Bộ vẫn có ý kiến cho rằng số lượng công chức làm công tác pháp chế ít.
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, người thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 gửi Quốc hội, cho biết.
Một trong những kết quả nổi bật được nêu tại báo cáo này là trong năm 2021, 2022 không có tình trạng xin rút khỏi Chương trình, chỉ có một số dự án luật còn có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa trình Quốc hội và đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.
Quy trình cho ý kiến thông qua các dự án luật, dự thảo được Chính phủ xem xét chặt chẽ hơn. Theo đó bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì phải báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách xem xét, cho ý kiến, sau đó trình Thường trực Chính phủ cho ý kiến trước khi trình ra Chính phủ xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá, quá trình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn tồn tại, hạn chế như tình trạng xin lùi thời hạn trình (như Luật Đất đai sửa đổi) hoặc chưa thực sự đảm bảo chất lượng (như Luât Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Giá sửa đổi).
Tại báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng thông tin về đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác pháp chế, tính đếnngày 31/12/2021.
Ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 4.228 người làm công tác pháp chế, trong đó có 1.409 cán bộ pháp chế chuyên trách, 2.819 cán bộ kiêm nhiệm. Hầu hết người làm công tác pháp chế đều có trình độ đại học luật trở lên, một số có trình độ đại học chuyên ngành khác.
Một số nơi có số lượng biên chế lớn như Bộ Công an có 482 người chuyên trách làm công tác pháp chế; Bộ Quốc phòng có 266 người, Bộ Tài chính có 121 người. Trong khi đó, ở một số nơi số lượng biên chế hạn chế, như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đều chỉ có 13 người.
Tại địa phương, theo báo cáo, cả nước có 2.561 người làm công tác pháp chế, trong đó có 563 người được bố trí làm công tác pháp chế chuyên trách, 1.998 người kiêm nhiệm; 1.343 người có trình độ đại học luật trở lên (đạt hơn 52,44%), còn lại là có trình độ đại học chuyên ngành khác;
Còn ở các doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương: Có 1.735 người làm công tác pháp chế, trong đó có 616 người làm công tác pháp chế chuyên trách, 1.119 người làm pháp chế kiêm nhiệm, có 791 người có trình độ đại học luật trở lên, đạt 45,59%, số còn lại có trình độ đại học chuyên ngành khác.
Qua thống kê cho thấy, trước khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (Quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế) được ban hành, cả nước có khoảng 2.400 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế (cả chuyên trách và kiêm nhiệm). Sau hơn 10 năm thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, tổng số cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế trên toàn quốc là 8.524 người (tăng gấp 3,55 lần).
Tuy nhiên, một số Bộ, cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn có ý kiến cho rằng số lượng công chức làm công tác pháp chế ít, không ổn định do luân chuyển, điều động, chất lượng cán bộ còn hạn chế, do đó, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn (nhất là năng lực nhận diện vấn đề và kỹ năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách của cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn).
Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế tại các bộ, ngành và địa phương thiếu về số lượng, phần lớn kiêm nhiệm, một số bộ phận tính chuyên nghiệp chưa cao.
Hạn chế này, có thể không sớm được cải thiện. Cuối tháng 9/2022 trong cuộc họp của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban này đã dẫn thông tin từ lãnh đạo Bộ Tư pháp rằng, cán bộ làm công tác pháp chế nghỉ trong năm vừa qua ở các bộ là 869 người. Như vậy, theo ông Nam để ứng công việc hiện tại cũng là vấn đề, chưa nói nghĩ ra thể chế, thiết kế thể chế, hoàn thiện thể chế.
Ông Nam còn nhận xét, nguồn lực cho cán bộ pháp chế làm việc cũng rất hạn chế. Ví dụ, lương, cũng chỉ 8-10 triệu, trong khi lao động cơ bản cũng 6-8 triệu rồi. Để họ có thể yên tâm, đáp ứng khối lượng công việc hiện nay cũng là thách thức lớn.