Cán bộ làm việc xuyên đêm, hàng hóa ra vào TP HCM được thuận lợi
Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho rằng nhờ việc cấp giấy nhận diện phương tiện đã giúp cho công tác lưu thông hàng hóa của các phương tiện thuận lợi
Sáng 14-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết tính đến ngày 13-7, đã tổ chức cấp giấy nhận diện phương tiện- tạo luồng xanh cho các phương tiện lưu thông vận chuyển hàng hóa thiết yếu, ra vào cảng, đi đến các tỉnh với gần 19.000 xe thuộc 33 đơn vị vận tải. Trong đó xe phục vụ vận chuyển các mặt hàng thiết yếu chiếm khoảng 50%, còn lại xe ra vào các cảng hoặc quá cảnh qua thành phố... Toàn bộ quy trình cấp thẻ đều thực hiện online và miễn phí.
Những xe đã được cấp thẻ sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Lực lượng chức năng thông qua mã QR trên giấy nhận diện kết nối phần mềm của Sở Giao thông Vận tải nắm đầy đủ thông tin phương tiện. Xe có thẻ được ưu tiên theo "luồng xanh" để việc vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, liên tục, không bị ùn tắc.
Sở Giao thông Vận tải TP đánh giá nhờ việc cấp giấy nhận diện phương tiện đã giúp cho công tác lưu thông hàng hóa của các phương tiện thuận lợi, đặc biệt là tạo điều kiện cho các xe khi đi qua các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào thành phố.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ quy trình cấp giấy nhận diện, vẫn trực tiếp nộp hồ sơ cho sở. Sở Giao thông Vận tải lưu ý để tránh mất thời gian, doanh nghiệp vận tải phải nộp hồ sơ cho các đầu mối quản lý theo hình thức trực tuyến.
Hiện nay để đảm bảo công tác cấp giấy nhận diện cho các doanh nghiệp, cán bộ phụ trách của Sở Giao thông Vận tải đã tăng giờ làm việc đến 20- 21 giờ mỗi ngày, thậm chí có ngày đến 0 giờ.
"Từ khi TP áp dụng Chỉ thị 16, sở đã có hướng dẫn cụ thể, các địa phương và các cảng gửi danh sách xe, thông tin liên quan tới hộp thư điện tử (sogtvthcm.gov.vn) hoặc qua tài khoản Zalo để Sở Giao thông Vận tải TP xem xét, giải quyết trong 24 giờ. Chủ xe sẽ nhận thông báo kèm thẻ nhận diện, tương ứng với mỗi xe, tự in ấn, đóng dấu và gắn thẻ lên kính trước để kiểm soát" - vị đại diện Sở Giao thông Vận tải thông tin và khẳng định lại là sở tạo điều kiện tối đa cho hàng hóa lưu thông. Hiện việc chở hàng hóa ra vào TP đang diễn diễn ra thuận lợi, đáp ứng nhu cầu.
Lộ trình cụ thể cho xe ra vào TP HCM
Doanh nghiệp vận tải được Tổng cục Đường bộ hướng dẫn chạy xe qua TP HCM theo các lộ trình cụ thể thuận lợi đi lại.
Trong đó, xe từ miền Tây qua TP HCM về Bình Dương, Bình Phước đi theo các tuyến: Quốc lộ 1 - Quốc lộ 62 - Quốc lộ N2 - tỉnh lộ 8 - đường Huỳnh Văn Cù - Quốc lộ 13. Lộ trình khác là cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - Quốc lộ 1 - Quốc lộ 13.
Hướng từ miền Tây về Đồng Nai và ngược lại theo lộ trình: Quốc lộ 1 - Quốc lộ 62 - Quốc lộ N2 - tỉnh lộ 8 - đường Huỳnh Văn Cù - Quốc lộ 13 - Phú Lợi - Mỹ Phước - Tân Vạn - Quốc lộ 1K. Lộ trình khác theo hai trục Quốc lộ 1 và Quốc lộ 1K để đến Đồng Nai.
Hướng từ Long An qua Tây Ninh và ngược lại, xe có thể chạy theo Quốc lộ 1 - Quốc lộ 62 - Quốc lộ N2 - ĐT 825 - ĐT 822 - tỉnh lộ 7 - Quốc lộ 22. Lộ trình khác là theo Quốc lộ 1, Quốc lộ 22.
Hướng từ Tây Ninh qua Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại cũng có hai lộ trình, gồm: Quốc lộ 22 - tỉnh lộ 8 - đường Huỳnh Văn Cù - Quốc lộ 13 - Phú Lợi - Mỹ Phước - Tân Vạn - ĐT 743A - cầu Đồng Nai - Quốc lộ 51. Lộ trình còn lại là Quốc lộ 22 - Quốc lộ 1 - cầu Đồng Nai - Quốc lộ 51.