Cán bộ ngân hàng rút 28 tỷ đồng của khách để đánh bạc
Lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý của lãnh đạo ngân hàng, Ngô Bình Sơn đã tất toán 530 tài khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn của khách hàng, rút hàng chục tỷ đồng 'nướng' vào cá độ bóng đá.
Vị cán bộ… liều mình vì đánh bạc
Hơn 13 năm thụ án tại trại giam Thanh Phong- Bộ Công an, phạm nhân Ngô Bình Sơn (sinh năm 1983, ở tiểu khu Bắc Giang, thị trấn Nông Cống, Thanh Hóa) nguyên là Phó phòng kế toán, ngân quỹ, Phòng giao dịch thuộc Chi nhánh 1 ngân hàng ở huyện Như Xuân, Thanh Hóa) vẫn nhớ như in cuộc điện thoại của vợ vào buổi chiều trước khi bị công an bắt.
“Lúc đó, tôi đang thuê phòng trong một nhà nghỉ tại thành phố Thanh Hóa và mua sẵn thuốc ngủ để tử tự, vì không dám đối diện với những việc mình đã làm. Đúng lúc này, vợ tôi gọi điện bảo tôi: “Anh đi về đi, bốn cái đầu cộng vào, sẽ hơn một cái đầu”.
Theo lời kể của phạm nhân Ngô Bình Sơn, cách đây hơn 13 năm, do đam mê cá độ trên mạng, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao và sơ hở trong trong việc kiểm tra, kiểm soát, từ ngày 7/10/2010 đến 15/4/2011, Sơn đã sử dụng USER được cấp đăng nhập vào hệ thống phần mềm tin học quản lý hoạt động tín dụng của ngân hàng tất toán 530 tài khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn của khách hàng rút hơn 34 tỷ đồng.
Trong đó Sơn sử dụng số tiền trên chi trả cho 130 tài khoản tiền gửi với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng cho khách hàng đến hạn rút tiền nhằm tránh bị phát hiện.
Còn lại, Sơn đã tất toán 400 tài khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn của khách hàng để chiếm đoạt số tiền hơn 21,8 tỷ đồng bằng cách lập giấy nộp tiền khống đứng tên người khác nộp vào ngân hàng và sử dụng mật khẩu phê duyệt chuyển tiền của lãnh đạo Phòng giao dịch Bãi Trành, phê duyệt chuyển đến các tài khoản khác để trả nợ tiền thua cược bóng đá của Sơn.
Cơ quan điều tra đã xác định được 400 tài khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng nêu trên đã bị Sơn tất toán trên hệ thống (dưới dạng khách hàng đã rút tiền trước kì hạn) nhưng không có sổ tiết kiệm gốc và giấy rút tiền lưu tại ngân hàng theo quy định. Tất cả 400 tài khoản đó đều do tài khoản của Sơn đã đăng nhập vào hệ thống máy tính của ngân hàng thực hiện việc tất toán. Trong khi thực tế, sổ tiết kiệm gốc của 400 tài khoản vẫn đang nằm trong tay khách hàng.
Toàn bộ số tiền rút được, Sơn dùng để cá độ bóng đá quá mạng. Quá trình tham gia chơi cá độ, Ngô Bình Sơn cho biết, đã chơi khoảng 70 trận. Số tiền Sơn thắng cược hơn 6 tỷ đồng, trong khi số tiền thua lên tới hơn 28 tỷ đồng.
Để dễ dàng rút được số tiền lớn thế, theo lời kể của phạm nhân Ngô Bình Sơn, vào năm 2010, toàn bộ hệ thống ngân hàng vừa chuyển đổi chương trình giao dịch, có nhiều sơ hở.
“Trước đây, chương trình giao dịch mới còn dễ dãi, chỉ có một điểm khó duy nhất, để rút một khoản tiền, cần 3 user và 3 mật khẩu, nhưng cái đó tôi nắm hết, nên một mình tôi thao tác được”- Ngô Bình Sơn kể lại.
Bị bắt ngày 4/5/2011, nhập trại giam Thanh Phong ngày 8/10/2013 với mức án chung thân, đến nay sau bằng đấy năm cải tạo, giam giữ phạm nhân Sơn vẫn “rùng mình”, không biết tại sao lúc đó, mình lại mê cá độ bóng đá đến thế?. Theo cảm nhận của Sơn, chắc do còn trẻ, thành đạt sớm (28 tuổi làm cán bộ tại một chi nhánh ngân hàng), ham làm giàu, và nghĩ đánh bạc quá dễ ăn nên làm liều.
“Lúc đó, thời điểm thắng lớn nhất tôi kiếm được 1 tỷ 1 đêm. Tiền thắng bạc cũng dễ thao tác rút qua tài khoản thanh toán hơn bây giờ”- Ngô Bình Sơn nói.
Ông ngoại từng là giám đốc ngân hàng của tỉnh
Phạm nhân Sơn sinh ra trong gia đình có truyền thống làm ngân hàng. Lúc Sơn phạm tội, mẹ và em gái cũng đang công tác trong lĩnh vực ngân hàng, trong khi đó, ông ngoại Sơn nguyên là giám đốc một ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Khi còn là sinh viên Học viện Ngân hàng, Sơn học rất giỏi. Khi tốt nghiệp ra trường, về công tác tại phòng giao dịch Bãi Trành, với thành tích nổi bật, Sơn được giao làm Phó phòng kế toán, ngân quỹ, Phòng giao dịch Bãi Trành.
“Lúc bắt đầu tham gia cá độ bóng đá, tôi không nghĩ gì. Đến khi ngoài tầm với, tôi biết rằng mình dính dáng đến pháp luật”- Sơn kể lại.
6 tháng đánh bạc, Sơn đã chiếm đoạt của ngân hàng 28 tỷ đồng. Theo lời kể của phạm nhân này, lúc đó cả gia đình không ai hay biết việc này: “Cách lúc bị bắt khoảng 2-3 tuần, tôi vẫn về giỗ ông, giỗ bà, vẫn giao lưu uống rượu với họ hàng mà bố mẹ tôi, ông bà không ai biết. Trong mắt mọi người lúc đó, tôi là đứa con rất ngoan và tài giỏi”
Vào một buổi chiều trước khi bị bắt, vì có năng khiếu đá bóng, Sơn đang tham gia giải bóng đá của ngân hàng tỉnh tổ chức, thì ngân hàng nơi anh công tác phát hiện ra vụ việc, gọi điện cho Sơn về làm việc.
“Khi hay tin mình sẽ bị bắt, tôi ra ngoài thành phố thuê một phòng trong nhà nghỉ, nằm suy nghĩ và mua thuốc ngủ để tự tử vì nghĩ không thoát được tội. Tại thời điểm đó, ngân hàng mới ước chừng tôi lấy 20 tỷ. Nghe bố mẹ gọi bảo “về nhà đi con”, tôi xuống lấy xe đi về nhà. Bước chân vào nhà, tôi thấy không khí gia đình rất buồn, mọi người thất vọng tràn trề. Lúc đó tôi 27 tuổi. Vợ chồng mới cưới được mấy tháng.”- phạm nhân Sơn kể lại.
13 năm chấp hành án tại trại giam Thanh Phong, phạm nhân Ngô Bình Sơn kể lại, đó là quãng thời gian dài anh sống trong hối hận. Bố thì mất không lâu sau khi Sơn bị bắt vì ung thư.
“Nghĩ mình là con trai duy nhất trong gia đình, mà chưa báo hiếu được bố mẹ ngày nào, tôi luôn sống trong day dứt và xấu hổ? Giờ đồng lương hưu còm cõi của mẹ, mẹ lại chia đôi cho tôi một nửa để chi phí trong này”-phạm nhân Sơn trầm ngâm.
“Bố tôi mất một năm thì gia đình mới báo cho tôi biết. Những ngày đầu tôi chấp hành án trong trại, cứ có dịp vợ cũ lại vào thăm. Thương vợ còn trẻ, tôi động viên vợ đi bước nữa. Sau 7 năm thì cô ấy cũng chấp nhận lập gia đình. Giờ thi thoảng cô vẫn gọi điện hỏi thăm tôi, có cần gì cô ấy lên thăm, hoặc gửi lưu ký. Tuy nhiên, nghĩ đến hạnh phúc của vợ, tôi không đồng ý”- Sơn kể.
Nhận xét về phạm nhân Ngô Bình Sơn, Đại úy Trần Văn Lợi, cán bộ phân trại số 1, trại giam Thanh Phong cho biết, quá trình cải tạo, tư tưởng phạm nhân Ngô Bình Sơn ổn định, luôn chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực tham gia lao động học tập. Hiện tại, phạm nhân Ngô Bình Sơn đang giúp việc cho cán bộ tại đội phục vụ (trực buồng).
Khi hỏi về kế hoạch tương lai của mình, Ngô Bình Sơn cho biết, nếu thuận lợi, 9 năm nữa anh được đoàn tụ với gia đình. Thời gian còn dài, giờ anh chỉ muốn tập trung cải tạo thật tốt, khi nào còn một, hai năm nữa sẽ tính toán, cần làm gì, và muốn làm gì để hòa nhập được với cộng đồng.