Cán bộ nông nghiệp vác ba lô đi nằm vùng giúp hộ nghèo chống đói rét cho trâu bò

Mô hình chăn nuôi trâu bò nhờ vốn hỗ trợ từ Chương trình 1719 và vốn xã hội hóa được kỳ vọng giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Để mô hình này thành công trong thực tế, đã có không ít cống hiến lặng thầm của đội ngũ cán bộ nông nghiệp ở cơ sở.

Huy động nhiều nguồn lực tạo sinh kế cho người nghèo

Gia đình chị Nông Thị Vui là một trong nhiều hộ nghèo và cận nghèo ở bản Cắn (xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) được chính quyền địa phương hỗ trợ triển khai mô hình nuôi trâu bò bằng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719) và huy động nguồn lực xã hội hóa.

Chỉ vài ngày sau khi nhận trâu, nhà chị may mắn đón thêm luôn 1 chú nghé con khỏe đẹp, thêm hy vọng rút ngắn thời gian thoát diện hộ cận nghèo.

Gia đình chị Nông Thị Vui được chính quyền địa phương hỗ trợ triển khai mô hình nuôi trâu bò. Ảnh: Thạch Thảo

Gia đình chị Nông Thị Vui được chính quyền địa phương hỗ trợ triển khai mô hình nuôi trâu bò. Ảnh: Thạch Thảo

Nuôi trâu bò là mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai trên địa bàn huyện Thạch An nhiều năm nay. Con giống lấy từ trung tâm giống gia súc trung ương, đảm bảo chất lượng tốt.

Những con trâu có cân nặng trung bình 2,8-3,2 tạ, con to hơn 3,7 tạ, quy ra tiền tầm 30 triệu đồng. Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền và các mạnh thường quân, hộ nghèo và cận nghèo khó có đủ tiền mua.

Bên cạnh những con trâu chuyên đi cày, cũng có những con trâu chỉ để sinh sản. Trung bình 5 năm, 1 trâu/bò mẹ sinh khoảng 3-4 nghé/bê con. Giá bán nghé trung bình 10-20 triệu đồng/con, sau 5 năm, hộ nuôi có thể thu tới hàng chục triệu đồng. Chưa kể nuôi trâu bò còn có nguồn phân bón cho cây trồng.

Để được tham gia chương trình hỗ trợ, người dân phải cam kết duy trì chuỗi giá trị chăn nuôi trâu bò trong 5 năm.

Bê/nghé có thể bán sớm để thêm thu nhập (nuôi lớn tầm 24 tháng có thể bán cho đơn vị liên kết thu mua). Nhưng trâu/bò mẹ sinh sản phải nuôi đủ 5 năm mới được đem bán.

Nhà nào nhận trâu/bò về rồi bán luôn là vi phạm quy định, sẽ bị bắt phải trả lại”, chị Nông Thị Điềm, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Thạch An nhắc nhở chị Vui.

Chị Nông Thị Điềm, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Thạch An. Ảnh: Xuân Quý

Chị Nông Thị Điềm, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Thạch An. Ảnh: Xuân Quý

Chị Điềm cho biết, các hộ dân triển khai mô hình nuôi trâu bò ở Thạch An nhận được khá nhiều sự hỗ trợ từ Chương trình 1719 và nguồn xã hội hóa, chỉ cần đối ứng một phần chi phí rất nhỏ.

Chẳng hạn như kinh phí thực hiện thụ tinh nhân tạo cho trâu bò sinh sản khoảng 300 nghìn đồng/liều tinh, người dân chỉ phải chi 1 nửa, phần còn lại do hợp tác xã hoặc doanh nghiệp chủ trì liên kết hỗ trợ.

Cán bộ thú y sẽ đến tận nhà phối tinh trực tiếp cho gia súc cái động dục, và sẽ giám sát, kiểm tra, theo dõi sức khỏe của trâu bò trong suốt 5 năm người dân triển khai mô hình phát triển sinh kế này.

Những câu chuyện chỉ người trong nghề mới thấm

Chúng tôi theo chân chị Vui đi thăm mẹ con trâu nghé đang được chị chăm bẵm, thả ăn cỏ ở vườn đồi. Trâu mẹ phản ứng, không cho người lạ tới gần.

Vừa vỗ về trâu, chị Vui kể: “Hồi đầu nuôi con trâu này cũng khá vất vả. Trâu được lấy về từ dưới xuôi, ăn loại cỏ khác. Lúc về nhà mình, cỏ xanh mướt nó cũng không ăn. Mình lấy cả máy thái chuối, băm mịn, nó vẫn không chịu. Phải thử nhiều loại, sau thấy nó ăn cỏ voi. Giờ thì chăm sóc dễ hơn rồi. Từ chỗ không ăn lá ngô, giờ trâu ăn cả cây to. Cây chuối chặt cục ra cũng ăn, không cần băm nữa”.

Trên đường đi thăm quan thực tế mô hình nuôi trâu bò sinh sản tại địa phương, các cán bộ nông nghiệp huyện kể thêm cho chúng tôi nghe khá nhiều câu chuyện mà chỉ người trong nghề mới thấm.

Trước hết là khâu chọn trâu bò giống. Nguồn trâu bò giống tại địa phương có thể thích nghi tốt với điều kiện địa phương, nhưng lại không đủ số lượng để triển khai chương trình hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Mới đây, trước khi cấp trâu bò cho dân, đơn vị chủ trì liên kết phải mất tới 40 ngày để lựa chọn giống, tiêm phòng, lấy mẫu máu kiểm tra xem có dương tính với các bệnh của gia súc hay không, rồi mới chuyển tới tay các hộ nuôi.

Mô hình hỗ trợ chăn nuôi trâu bò tại huyện Thạch An đã tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Ảnh: Thạch Thảo

Mô hình hỗ trợ chăn nuôi trâu bò tại huyện Thạch An đã tạo sinh kế bền vững cho nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Ảnh: Thạch Thảo

Tiếp đó là những vấn đề phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Trâu/bò ở bản Cắn thường được thả đi ăn cỏ, và cho ăn thêm rơm, cám ngô. Những lúc trời mưa rét, không có cỏ thì phải đi mua lá mía. Có năm hợp tác xã (đơn vị chủ trì liên kết) phải chở lá mía từ nơi khác về để bà con cho trâu/bò ăn, mỗi ngày 2 xe, khá vất vả.

Nhưng không đơn giản là cứ đưa trâu bò về cho ăn cỏ rồi chúng tự nhiên lớn dần. Có hộ mang trâu bò sinh sản từ dự án hỗ trợ về nhà nhưng trâu mới không hợp với trâu nhà đang nuôi sẵn, lại phải tính toán đầu tư thêm chuồng nuôi. Có con trâu sau khi được thả đi ăn cỏ, lạ chỗ không biết đường về. Thậm chí có con quen ăn kiểu cắt cỏ mang tận miệng, không biết tự đi tìm cỏ để ăn. Mất khá nhiều thời gian để chúng thích nghi với môi trường sống ở miền núi.

Đặc biệt, do sử dụng nguồn vốn hỗ trợ khá lớn từ ngân sách nhà nước để triển khai mô hình, nếu không cẩn thận, để xảy ra thiệt hại, cán bộ địa phương sẽ có thể bị quy trách nhiệm. Vì thế, những cán bộ nông nghiệp như chị Điềm luôn canh cánh nỗi lo, thường xuyên tận tâm đồng hành với các hộ dân.

Có đợt rét kéo dài tới 5-7 ngày, vòi nước đóng băng, các hộ nuôi phải quây bạt kín chuồng, lấy củi đun để sưởi ấm cho trâu bò. Cán bộ phòng nông nghiệp phải vác ba lô quần áo đi nằm vùng cả tuần để giúp dân phòng chống đói rét cho trâu bò, thế mà 1 con trâu vẫn bị chết do quá rét. Tiếc lắm”, chị Điềm bồi hồi nhớ lại.

Mô hình hỗ trợ chăn nuôi trâu bò tại huyện Thạch An có đặc thù là mỗi hộ nghèo hoặc cận nghèo thường chỉ có thể nuôi được 1 con trâu/bò; nếu được cho thêm cũng khó lo chi phí đối ứng.

Hiện tại, lấy công làm lãi từ mô hình chăn nuôi trâu bò vẫn đang trở thành một nguồn sinh kế bền vững, giúp nhiều hộ dân nơi đây có thêm thu nhập, dần cải thiện đời sống, sớm thoát cảnh nghèo.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/can-bo-nong-nghiep-vac-ba-lo-di-nam-vung-giup-ho-ngheo-chong-doi-ret-cho-trau-bo-2386320.html