Cán bộ nữ trong ngành Ngoại giao: Những 'dòng nước' miệt mài chảy, những 'đóa hồng' bình dị tỏa hương

Ngay trong những ngày đầu tiên đầy gian khó của nền Ngoại giao Việt Nam non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam đã luôn thể hiện sự trân trọng, quan tâm, tin tưởng của Người đối với những đóng góp của các cán bộ nữ trong ngành Ngoại giao.

Cán bộ nữ trong ngành Ngoại giao ngày càng trưởng thành, vững vàng và đang dần trở thành một lực lượng nòng cốt của ngành. (Ảnh: TA)

Cán bộ nữ trong ngành Ngoại giao ngày càng trưởng thành, vững vàng và đang dần trở thành một lực lượng nòng cốt của ngành. (Ảnh: TA)

Truyền thống tốt đẹp đó đã được gìn giữ và phát triển không ngừng, trải dài qua tất cả các thời kỳ lãnh đạo của Bộ Ngoại Giao cho đến ngày hôm nay.

Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, Ngoại giao luôn được coi là một trong những trụ cột quốc gia và đã cùng với các binh chủng khác có những đóng góp không thể phủ nhận trong những thời khắc mang tính quyết định của cả dân tộc. Sẽ rất không công bằng nếu không kể đến những đóng góp miệt mài của các cán bộ nữ ngoại giao qua tất cả các thời kỳ của lịch sử.

Đại sứ Phan Thúy Thanh. (Ảnh: NVCC)

Đại sứ Phan Thúy Thanh. (Ảnh: NVCC)

Mỗi giai đoạn lại nảy sinh những thách thức mới, những khó khăn vất vả riêng mà người ngoài cuộc đôi khi không hình dung hết được. Đó là thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời kỳ bao vây cấm vận, đổi mới, hội nhập và gần đây nhất là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cũng như trong giai đoạn phục hồi.

Cán bộ nữ ngoại giao ngày càng trưởng thành, vững vàng và đang dần trở thành một lực lượng nòng cốt, chiếm 44,5% tổng số cán bộ công nhân viên của Bộ Ngoại giao. Chính các cán bộ nữ đã và đang tham gia tích cực vào công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, chủ trì các hội nghị, đàm phán, thương lượng, báo chí thông tin đối ngoại, lễ tân, giảng dạy và đào tạo.

Hiện tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo các đơn vị là cao nhất trong lịch sử ngành Ngoại giao: Vụ trưởng chiếm 15%, Phó Vụ trưởng là 32%. Nữ Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện là gần 13%. Có rất nhiều vị trí công tác quan trọng cũng như tại các địa bàn khó khăn, vất vả, lần đầu tiên chúng ta thấy xuất hiện các gương mặt nữ với vai trò là Đại sứ, hoặc Trưởng Phái đoàn cơ quan đại diện, Phó Đại sứ…

Mỗi nữ cán bộ ngoại giao là một bản thể riêng biệt, song ở họ có điểm chung nhất đó là lòng trung thành với đất nước, sự tận tụy và say mê với công việc. Khi viết về các nhà nữ ngoại giao tôi hay hình dung đến hình ảnh của các dòng nước: Linh hoạt và mềm mại nhưng không kém phần mạnh mẽ và kiên quyết trong những trường hợp cần thiết để đấu tranh bảo vệ lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia, bảo vệ lẽ phải!

Các nhà ngoại giao nữ chắt chiu, tranh thủ từng cơ hội có thể có được để giới thiệu về đất nước mình, để vận động và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam đem lại những kết quả cụ thể tại các diễn đàn đa phương, tại các tổ chức quốc tế. Trong đại dịch, đó là hàng triệu hàng triệu liều vaccine và các dụng cụ y tế ủng hộ Việt Nam. Không thể kể hết những đóng góp này chỉ trong vài ba dòng viết.

Có những khuôn mặt nữ đã trở nên rất thân quen trên các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng cũng có vô vàn các chị em, giản dị và thầm lặng, ngày đêm miệt mài đóng góp vào công việc nghiên cứu, xây dựng lịch sử ngoại giao, giảng dạy và đào tạo. Nhiều nữ ngoại giao, sống và làm việc trong tâm điểm của dịch bệnh Covid-19 đã thể hiện rõ bản lĩnh sáng tạo, chèo lái, bình tĩnh quản lý sứ quán, đưa ra nhiều sáng kiến được đánh giá cao.

Bên cạnh đó, có một lực lượng các nữ ngoại giao khá “đặc thù”. Đó là phu nhân của các Đại sứ hay phu nhân của các nhà ngoại giao. Những phu nhân ngoại giao “thời @” đảm đang, nhanh nhẹn và tinh thông ngoại ngữ. Đó thực sự là những bóng hồng không thể thiếu của nền ngoại giao hiện đại và đang trở thành một lực lượng góp phần không nhỏ vào các hoạt động đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam ở bên ngoài.

Chưa bao giờ thế giới đang phải đối mặt với nhiều bất ổn như hiện nay do tác động kép của đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng, xung đột chưa có trong tiền lệ. Đại dịch Covid-19 thực sự là phép thử đối với ngành ngoại giao và đối với mỗi cán bộ ngoại giao, buộc mỗi chúng ta phải nhìn lại, cùng thay đổi nhận thức, chung tay hành động để chuyển hóa, biến những khó khăn và thách thức thành cơ hội, bắt kịp xu thế thời đại.

Trong hoàn cảnh mới hiện nay, hơn khi nào hết, mỗi cán bộ nữ ngoại giao phải tự làm mới mình, vươn lên, phấn đấu trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

Bên cạnh việc tu dưỡng bản thân, luôn duy trì thói quen suy nghĩ tích cực và làm việc một cách thấu đáo, chúng ta rất cần rèn luyện năng lực phân tích, tổng hợp, thu thập thông tin, lựa chọn thông tin. Rõ ràng, việc sớm tích lũy các kỹ năng cần thiết trong tiếp xúc đối ngoại, làm chủ công nghệ thông tin, đặc biệt kỹ năng thích ứng với môi trường mới sẽ giúp chị em nữ trẻ nhanh chóng hòa nhập và hoàn thành xuất sắc các công việc được giao phó, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngoại giao và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp chung.

Đại sứ Phan Thúy Thanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/can-bo-nu-trong-nganh-ngoai-giao-nhung-dong-nuoc-miet-mai-chay-nhung-doa-hong-binh-di-toa-huong-202659.html