Cán bộ phải có đạo đức mới xử được sai phạm xây dựng
Bên cạnh yêu cầu về đơn giản thủ tục cấp phép xây dựng, các đại biểu Quốc hội đòi hỏi cán bộ phải có đạo đức mới ngăn chặn, xử lý được xây dựng sai phép, không phép.
Sáng 27-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Bị “ném đá” vẫn đề nghị không đỗ xe trong hầm chung cư
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị không cho làm bãi đỗ xe ở tầng hầm tại các chung cư, cao ốc mà phải có khu vực đậu xe riêng.
Ông chia sẻ khi đưa ra đề xuất này (tại phiên thảo luận của QH mới đây về việc thực hiện chính sách pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018 diễn ra ngày 13-11), bản thân ông đã nhận được “nhiều phản ứng của người dân” và “bị ném đá”. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng cần thiết phải quy định chỗ đỗ xe cho các cao ốc, chung cư chứ không nên cho đỗ xe ở tầng hầm vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đồng tình với việc phải quy định một cách nghiêm khắc các điều kiện về PCCC và phải bảo đảm được chuyện tiền kiểm, hậu kiểm các điều kiện trong xây dựng. Tuy nhiên, về việc có cho đậu xe ở tầng hầm chung cư, cao ốc hay không, ông cho rằng cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố, điều kiện cụ thể. “Ở nhiều nước có thể có những thành phố sâu xuống đất mấy chục mét hoặc có nhiều bãi đậu xe nằm trên nóc nhà chứ không phải nằm dưới hầm, cho nên chuyện bãi đậu xe để đâu để phục vụ cho cư dân là do điều kiện cụ thể, làm ở chỗ nào thì chỉ cần công bố cho dân biết” - ĐB Nghĩa nói.
Phải đơn giản thủ tục ba khâu
ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) đề nghị cần đơn giản hóa việc cấp giấy phép xây dựng để thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. ĐB Thúy cho hay quy trình cấp giấy phép xây dựng hiện nay đang bị tách thành ba khâu gồm: Thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng là chưa phù hợp. ĐB Thúy đề nghị tích hợp các quy trình này lại để đơn giản hóa thủ tục. Mặt khác, cần phân cấp cho cơ quan chuyên môn ở địa phương thẩm định thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng cho các công trình trên địa bàn (trừ công trình đặc biệt, công trình phức tạp, công trình ảnh hưởng lợi ích cộng đồng).
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng quy định về thẩm định, thiết kế và cấp phép xây dựng hiện nay “có sự mâu thuẫn trong thủ tục”. “Cơ quan này vừa thẩm định thiết kế xong lại chuyển cho một cơ quan nhà nước khác cũng quản lý về xây dựng cấp phép xây dựng thì rõ ràng đây là một việc làm chồng chéo, không cần thiết mà chỉ gây phiền hà cho các chủ đầu tư” - ông Cường nói. Do đó, ĐB Cường đề nghị dự luật cần quy định rõ những dự án nào sẽ phải gộp việc thẩm định thiết kế với cấp phép vào một mà không tách ra như hiện nay; thống nhất đầu mối thẩm định về xây dựng, môi trường, PCCC để chủ đầu tư công trình đỡ phải chạy nhiều cửa; quy định rõ các công trình không phải thực hiện các thủ tục thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng…
Xây dựng sai phép, trách nhiệm của ai?
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng hiện nay vi phạm về trật tự xây dựng rất nhiều. “Vi phạm về trật tự xây dựng vẫn tràn lan và phổ biến. Thế nhưng lại không xử lý được. Thậm chí có nhiều công trình khó xử lý và không biết quy trách nhiệm cho ai” - ông nói. Theo ông Cường, có kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng giữa chính quyền địa phương và lực lượng thanh tra xây dựng.
Do đó, ông Cường đề nghị dự luật cần phân định rõ trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng và quản lý quy hoạch phải là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Còn thanh tra xây dựng có trách nhiệm trong quá trình xây dựng, nếu phát hiện ra những sai phạm thì cơ quan chính quyền địa phương yêu cầu thanh tra phải làm sáng tỏ và đưa ra các hình thức xử lý. Sau khi xây dựng xong, thanh tra sẽ kiểm tra lại, thanh tra lại và nếu phát hiện ra sai phạm mà chính quyền địa phương không phát hiện ra thì khi đó trách nhiệm sẽ thuộc về chính quyền địa phương.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn chứng sai phạm trong xây dựng đã tồn tại và thách thức dư luận, thể chế như ở các công trình số 8B Lê Trực, HH Linh Đàm cùng nhiều dự án khác. Theo ĐB Nhân, nguyên nhân chính là do khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng. Vì vậy việc cần thiết hơn sửa luật là sửa đổi, bổ sung ngay chính đạo đức công vụ của cán bộ thực thi công vụ.
“Điều quan trọng không phải là người dân hiểu và thi hành như thế nào bởi khó qua được cửa ải giấy phép hiện nay. Chính cán bộ, công chức phải hiểu và tổ chức thực hiện ra sao. Nếu còn có sự thỏa hiệp, phạt cho tồn tại và quy hoạch còn phải chạy theo dự án, quy hoạch bị ném ra ngoài quá trình xây dựng thì sẽ vẫn còn những số 8B Lê Trực, HH Linh Đàm. Và như thế có lẽ QH sẽ tiếp tục chất vấn dài dài, ở nhiều kỳ!” - ông Nhân nói.
Nước sạch cho dân cần đưa vào luật
Cho ý kiến về dự luật, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng vụ việc hàng triệu người ở Hà Nội phải uống nước bị nhiễm dầu thải vừa xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm ở tất cả địa phương trong cả nước. Theo đó, ông kiến nghị Chính phủ nên xem xét, bổ sung vào dự luật một chương riêng về nước sạch dùng cho sinh hoạt, trong đó có quy định thật đầy đủ các nội dung có liên quan như chọn khu vực để lấy nước; công trình đường ống vận chuyển, nhà máy xử lý; công tác bảo vệ nguồn nước; kiểm tra chất lượng nước; công tác giám sát…
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/can-bo-phai-co-dao-duc-moi-xu-duoc-sai-pham-xay-dung-873305.html